Nỗi khổ kêu trời không thấu

24/08/2010 08:43 GMT+7

Chức vô địch đã được trao cho HN.T&T. Một suất xuống hạng cũng đã được an bài cho M.Nam Định. Ở hạng Nhất, HN.ACB cũng giành một vé lên hạng. Nhưng kể cả khi vòng đấu cuối cùng của mùa giải 2010 chính thức hạ màn, người ta vẫn thấy mọi chuyện rối tinh rối mù. Nhiều đội bóng đá xong mùa giải đang phải than trời kêu khổ, bởi tất cả chưa biết, liệu vị trí trên bảng xếp hạng và số phận của mình sẽ ra sao, chỉ vì khúc mắc mang tên lộ trình chuyên nghiệp hóa.

Chức vô địch đã được trao cho HN.T&T. Một suất xuống hạng cũng đã được an bài cho M.Nam Định. Ở hạng Nhất, HN.ACB cũng giành một vé lên hạng. Nhưng kể cả khi vòng đấu cuối cùng của mùa giải 2010 chính thức hạ màn, người ta vẫn thấy mọi chuyện rối tinh rối mù. Nhiều đội bóng đá xong mùa giải đang phải than trời kêu khổ, bởi tất cả chưa biết, liệu vị trí trên bảng xếp hạng và số phận của mình sẽ ra sao, chỉ vì khúc mắc mang tên lộ trình chuyên nghiệp hóa.

Không kể M.Nam Định đã buông xuôi và những đội bóng xếp lưng chừng bảng xếp hạng, hai hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam vẫn còn ít nhất 4 đội bóng đang sống trong tâm trạng bất an. Với những LS.Thanh Hóa, N.Sài Gòn (V-League), Than Quảng Ninh và SQC Bình Định (hạng Nhất), mọi chuyện vẫn còn có thể bị đảo ngược 180 độ. Nếu theo đúng quy định hiện hành, Than Quảng Ninh giờ này đã có thể mở tiệc mừng thăng hạng, SQC.Bình Định và LS.Thanh Hóa cấp tập chuẩn bị trận đấu play-off và N.Sài Gòn đã an bài với tấm vé xuống chơi tại giải hạng Nhất mùa sau.

Nhưng mọi chuyện không diễn ra đơn giản như thế. Khe hở về thời hạn chuyển đổi mà VFF áp dụng tại giải hạng Nhất đang gây ra những phiền phức, khi An Giang và Quảng Nam.XT đến thời điểm này vẫn nhất quyết trì hoãn tiến độ cổ phần hóa. Dư luận đang truyền tai nhau về khả năng, hai đội bóng hạng Nhất (đã hết mục tiêu này) đã có sự thỏa thuận ngầm về việc chuyển đổi với một đối tác nào đó? Trong trường hợp này, dù chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ là người gốc Quảng Ninh, đội bóng vùng than cũng khó cưỡng nổi sự thật khắc nghiệt. Còn đội hưởng lợi, không cần nói ra ai cũng biết sẽ là N.Sài Gòn.

Vấn đề là đến thời điểm này, chuyện An Giang và Quảng Nam. XT có chậm tiến độ hay không vẫn cứ mập mờ. Điều này có nghĩa LS.Thanh Hóa vẫn chưa chắc trụ hạng. SQC.BĐ phải phòng hờ khả năng đi play-off. Thực trạng này khiến các đội bóng liên quan lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” bởi toàn bộ số ngoại binh ở các CLB đều sẽ hết hợp đồng vào ngày 31.8. Trong khi đó, trận play-off lại được ấn định diễn ra vào ngày 5.9. Tình thế này không giữ ngoại binh lại thì thấp thỏm mà giải phóng thì lấy đâu người, lỡ chẳng may có biến thì sao.

Nỗi khổ ấy của các đội bóng ai cũng thấy. Nhiều CLB đã “kêu” VFF sớm quyết định, bởi không ai muốn sống trong nỗi thấp thỏm và cũng chẳng đội bóng nào muốn phải tốn tiền vô ích, khi mùa giải vốn đã xong xuôi. Dư luận cũng cho rằng mọi chuyện hoàn toàn có thể không rối rắm đến thế, nếu VFF thể hiện vai trò lãnh đạo của mình quyết liệt hơn nữa, đặc biệt trong trường hợp trì hoãn một cách có chủ ý của hai đội bóng hạng Nhất An Giang và Quảng Nam.XT.

Vấn đề là VFF cũng đang “án binh bất động” và động thái đó, không hẳn chỉ vì sự yếu kém trong khâu quản lý hay biểu hiện “thiếu trách nhiệm” như ai đó từng chỉ trích. Nếu thực sự trong câu chuyện rối rắm này là vô vàn những lý do thuộc dạng “thâm cung bí sử” chốn hậu trường, thì SQC.BĐ, TQN có thể mất cả mùa giải nỗ lực hay LS.Thanh Hóa thấp thỏm với nỗi khổ “kêu trời không thấu” về nhân sự cũng là điều dễ hiểu mà thôi.

Bình Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.