Nỗi niềm Ellis Park

12/06/2010 23:59 GMT+7

Sau những vinh quang và thảm họa, sân Ellis Park đã hồi sinh để đón bước chân của những cầu thủ thiên thần.

Không khí nóng bỏng trên sân Ellis Park - Ảnh: AFP

Sau những vinh quang và thảm họa, sân Ellis Park đã hồi sinh để đón bước chân của những cầu thủ thiên thần.

Trên đường tới sân Ellis Park gần trung tâm Johannesburg để xem trận Argentina - Nigeria vào hôm qua, tôi tình cờ gặp ông Nansuke Ndebe, một cổ động viên của CLB Kaizer Chiefs khá nổi tiếng ở thành phố này. “Tôi có vé xem trận khai mạc và trận hôm nay. Thật may mắn quá phải không?”, ông vui vẻ.  “Tôi đến xem để ủng hộ Nigeria, nhưng cũng có những lý do khác”.

Và câu chuyện của ông Ndebe đã đưa tôi trở về với quá khứ đẫm nước mắt và nụ cười của sân Ellis Park. Trên sân này, vào năm 1995, ông Ndebe đã đến xem trận chung kết World Cup bóng bầu dục, chứng kiến chiến thắng của Nam Phi trước đội tuyển New Zealand. “Thật kinh khủng! Lúc đó chúng tôi vừa mới thoát khỏi chế độ Apartheid. Chiến thắng đó là một sự cổ vũ rất lớn đối với đất nước này, để người dân vượt qua bóng ma của quá khứ và vươn tới tương lai”, ông Ndebe nói. “Khi Nelson Mandela trao cúp cho thủ quân Francois Pienaar, tôi đã khóc. Nhiều người cũng khóc như tôi. Khóc vì sung sướng”. Hình ảnh người chiến sĩ đấu tranh cho công bằng, cho tự do, giải phóng người da đen khỏi sự kỳ thị trao cúp cho một cầu thủ da trắng khi chế độ Apartheid mới lụi tàn được một năm là biểu tượng của hòa giải, của công bằng. Ông Ndebe vui mừng không chỉ vì chiếc cúp mà Nam Phi giành được. Ông vui mừng vì đất nước này đã có một chiến thắng lớn hơn rất nhiều trận thắng trên sân cỏ.

Nhưng sau niềm vui đó, ông Ndebe cũng đã chứng kiến một bi kịch lớn của thể thao. Trong một trận đấu giữa đội bóng Kaizer Chiefs và đối thủ Orlando Pirates vào tháng 4.2001, khi có khoảng 120.000 cổ động viên tràn vào trong một sân đấu chỉ có sức chứa chừng 60.000 người, thảm cảnh giẫm đạp đã xảy ra làm hơn 40 người thiệt mạng. Đây là bi kịch sân cỏ lớn nhất trong lịch sử thể thao Nam Phi. “Tôi mất đi một người bạn trong trận đấu đó, bản thân tôi phải may mắn lắm mới thoát chết”, ông Ndebe nhớ lại. “Chúng tôi đã uống khá nhiều bia và cổ vũ như điên. Đến giữa trận, khi Orlando ghi bàn, bên ngoài sân có thêm nhiều người nữa đổ xô vào. Cảnh giẫm đạp xảy ra và chúng tôi mạnh ai nấy chạy thoát thân. Nhiều người không chạy thoát đã bị đám đông giẫm lên”. Đó thực sự là một ngày đen tối của đất nước Nam Phi, và của cả cá nhân ông Ndebe. “Sau này, mỗi lần đến sân xem đá bóng, tôi lại nghĩ về người bạn đã mất. Giờ tôi đến đây một phần cũng vì anh ấy. Giá mà anh ấy có thể cùng tôi xem World Cup trên sân Ellis Park này thì thật là tuyệt. Hồi đó có nằm mơ chúng tôi cũng không tin rằng có một ngày World Cup sẽ diễn ra ở đây”, ông Ndebe nói.

Nỗi niềm mà ông Ndebe bày tỏ với tôi, chắc cũng là tâm sự của không ít người dân địa phương khi đến sân Ellis Park để cổ vũ cho bóng đá, cho một World Cup tưng bừng. Nhưng khoảng lặng đó nhanh chóng bị chìm ngập trong bầu không khí háo hức phấn chấn trước một trận đấu lớn vào hôm qua: Argentina - Nigeria. Từ khắp mọi ngõ ngách của Johannesburg, và cả những vùng miền lân cận, cổ động viên đã kéo về phủ ngập khán đài sân Ellis Park và những con phố xung quanh. Một ngày hội nữa lại diễn ra, sau ngày hội tưng bừng vào hôm trước trên sân Soccer City.

“Maradona, Argentina chiến thắng”, một nhóm cổ động viên khoác áo màu xanh da trời hô lớn. Một nhóm khác giương cao lá cờ với dòng chữ: “Hãy quên Brazil đi. Argentina là số 1”. “Maradona, Messi, vô địch!”, anh Juan Viguero đến từ vùng La Plata chỉ hét lên có thế khi tôi hỏi đội nào sẽ chiến thắng trong trận này. “Tôi phải mua vé chợ đen, 500 USD cho một chiếc vé ở xa tít trên cao, nhưng không sao, tôi tới đây để xem Messi và đồng đội giành chiến thắng. Maradona vô địch. Messi vô địch. Argentina vô địch”, ông Nuno Duantes, người đồng hành với Viguero, gần như thét lên, một phần vì phấn khích, một phần để cho tôi nghe rõ giữa mớ âm thanh vuvuzela ồn ào.

Trong dòng chảy cổ động viên Argentina, những người ủng hộ Nigeria trở nên lép vế hoàn toàn. Trước cổng sân, tôi hỏi một cô gái rất xinh: “Chị đội mũ màu xanh lá cây, chị đến từ Nigeria phải không?”. “Không, tôi từ Áo tới đây xem World Cup. Tôi ủng hộ Nigeria vì đội này yếu hơn. Kẻ yếu cần được ủng hộ”, cô cười. Tôi bật cười trước lý lẽ hồn nhiên của cô. Bóng đá quả là muôn màu, tình yêu bóng đá thật là đa dạng.

Sau những màn cổ động tưng bừng, sau những hồi kèn vuvuzela đinh tai nhức óc, trái bóng World Cup đã lăn trên thảm cỏ Ellis Park. Thầy trò Maradona và một Siêu đại bàng châu Phi sung sức đã cống hiến cho khán giả một bữa tiệc bóng đá với nhiều pha bóng đẹp. Trái bóng lăn, niềm vui vỡ òa, che khuất đi những buồn đau của quá khứ Ellis Park.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.