Paolo Rossi qua đời, tinh thần Catenaccio... đi theo

11/12/2020 16:09 GMT+7

Một thời, hễ nhắc đến bóng đá Ý, người ta phải nhắc ngay đến một khái niệm đặc biệt: Catenaccio. Kỳ thực, Catenaccio là gì, lại không dễ nói.

Đấy là tên của một cách chơi thiên về phòng ngự - phản công? Nhưng đâu phải đội nào chơi phòng ngự - phản công thì cũng là Catenaccio! Kỳ thực, khái niệm Catenaccio đã không còn được nhắc đến, trong khi bây giờ người ta vẫn đang phòng ngự - phản công ầm ầm. Đôi khi, các đội mạnh như Arsenal hoặc M.U thất bại và giới phân tích cho rằng họ thua vì không phát huy được sở trường phản công! Vả lại, phản công là sở trường gắn liền với nét đẹp trong lối chơi của Arsenal, mà HLV Arsene Wenger dày công gây dựng. Ngược lại, Catenaccio của người Ý lại bị cho là cách chơi... dễ ghét, phản bóng đá hoặc chống lại bóng đá.
Trên lý thuyết, Catenaccio (nghĩa đen là cái then cửa) là một hệ thống chiến thuật, được nghĩ ra bởi Karl Rappan - HLV huyền thoại người Áo, dẫn dắt đội tuyển Thụy Sĩ trong những năm 1930. Trong cách chơi rất nặng về phòng ngự này, mỗi hậu vệ đều "kèm chết" một cầu thủ tấn công cố định bên phía đối phương, trong khi vẫn còn một trung vệ quét, chơi tự do phía trước thủ môn để bọc lót.
Tại Tây Ban Nha, HLV Helenio Herrera (người Argentina) ứng dụng cách chơi này và thành công rực rỡ ở nhiều đội mạnh. Nhưng khi sang Ý dẫn dắt Inter trong thập niên 1960 thì Herrera mới nâng Catenaccio lên hàng "nghệ thuật". Dân Ý say mê trong khi thế giới nguyền rủa, ghét bỏ hoặc sợ hãi Catenaccio. Đến thập niên 1970 thì Catenaccio bị lối chơi "Tổng hợp" (Total Voetbal - tổng hợp chứ không phải "tổng lực") của người Hà Lan hạ bệ. Chỗ mấu chốt của Catenaccio là cách thủ "một kèm một" đã phá sản khi gặp chỗ mấu chốt trong cách chơi "tổng hợp" là sự hoán chuyển vị trí liên tục.

Nhờ vào chiến thuật Catenaccio, tuyển Ý đã đăng quang World Cup 2006

AFP

Vậy, tại sao Catenaccio vẫn gắn liền với chiến tích vô địch World Cup 1982 của Paolo Rossi và đồng đội? Thậm chí Catenaccio còn được nhắc kèm với chức vô địch World Cup 2006 của Azzurri? Đấy là vì trong bóng đá Ý, Catenaccio được tôn thờ, chứ không chỉ là ngưỡng mộ như lúc đầu. Và Catenaccio của người Ý đã trở thành một cách nghĩ, tinh thần, chứ không còn là một lối chơi thuần túy nữa. Điểm chung giữa hai chức vô địch World Cup 1982 và 2006: Azzurri đều đã tan nát bởi những "trọng án" khét tiếng nhất trong lịch sử bóng đá. Với bất kỳ đội bóng nào khác, suy sụp sẽ là kết cục tất yếu. Nhưng thế hệ của Rossi, Cabrini, Conte, Tardelli và thế hệ của Cannavaro, Gattuso, Pirlo đều đã siết chặt tay nhau và chiến thắng vang dội, trong hoàn cảnh khó nhất có thể.
Tinh thần Catenaccio là phải thắng bằng mọi giá và càng khó khăn thì càng phải cố thắng. Trên sân, Catenaccio của người Ý không phải là phòng thủ kín như bưng (đã "cài then" rồi mà) trong cách nghĩ thô thiển của thiên hạ. Dẫn trước ở phút thứ 5, người Ý có thể dùng cả 85 phút còn lại chỉ để "bóp nghẹt trận đấu" bằng mọi cách có thể. Họ dùng mọi tiểu xảo để câu giờ, chơi xấu... và khán giả sẽ tán thưởng nếu được chứng kiến một biện pháp nào đó mang tính sáng tạo.
Thế còn khả năng chiến thắng hoàn cảnh khó khăn? Đấy đã là đặc điểm sẵn có rồi. Hãy xem: hậu vệ phải luôn "kèm chết" đối phương trong khi phải dùng thêm một libero bọc lót nữa, thì phía trên còn bao nhiêu người để tấn công. Người Ý chơi bóng trước tiên là để không thua. Vậy nên, ghi bàn - vốn đã là việc làm khó nhất trong môn bóng đá - lại càng khó hơn, trong bóng đá Ý. Rossi chính là biểu tượng của sức mạnh này.
Paolo Rossi không bao giờ thuộc mẫu "thiên tài", kiểu Pele, Diego Maradona, hay Lionel Messi. Rossi ghi bàn - toàn những bàn quan trọng - nhờ khả năng xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ, chắt chiu cơ hội như thể sẽ không bao giờ cơ hội xuất hiện lần nữa. Anh vươn lên từ Como, Vicenza, Perugia, và phải khó khăn lắm mới lọt vào hàng ngũ Juventus. Cũng như anh đã vươn lên từ chỗ không thể tầm thường hơn được nữa, trong suốt 4 trận đấu tiên, và trở thành ngôi sao sáng chói trong 3 trận cuối cùng để vô địch World Cup. Nhanh nhẹn, chính xác, đúng lúc, thông minh - các đặc điểm được nhắc đến trong cách chơi của Rossi đều là do nỗ lực của bản thân anh, chứ không bao giờ là cái hay sẵn có. Toàn đội nỗ lực phòng ngự - bằng mọi giá, mọi thủ đoạn - trong suốt trận. Tiền vệ trung tâm sẽ tung đường chuyền xoay chuyển tình thế trong những cơ hội hiếm hoi. Và Rossi sẽ đảm trách toàn bộ phần phần việc còn lại để có bàn thắng quý giá.
Thế giới không còn Paolo Rossi nữa. Và tinh thần Catenaccio cũng đã đi theo Rossi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.