Phải cố nhớ, sao lại cố quên?

05/08/2010 08:37 GMT+7

Mùa bóng mới lại sắp bắt đầu trên sân cỏ Anh. Và ngôi sao số 1 trong làng bóng Anh là Wayne Rooney lại nhận được những lời khuyên cũ kỹ: hãy cố quên quá khứ để hướng đến tương lai. Cụ thể: Wayne Rooney phải chôn vùi nỗi cay đắng tại World Cup 2010 để bắt đầu mùa bóng mới trong tâm lý tích cực, như một bài viết mới đây trên tờ Guardian.

Mùa bóng mới lại sắp bắt đầu trên sân cỏ Anh. Và ngôi sao số 1 trong làng bóng Anh là Wayne Rooney lại nhận được những lời khuyên cũ kỹ: hãy cố quên quá khứ để hướng đến tương lai. Cụ thể: Wayne Rooney phải chôn vùi nỗi cay đắng tại World Cup 2010 để bắt đầu mùa bóng mới trong tâm lý tích cực, như một bài viết mới đây trên tờ Guardian.

Năm 1994, đội Anh không được góp mặt ở VCK World Cup. Kể từ đó, đội bóng Tam sư chưa bao giờ vượt qua ngưỡng cửa tứ kết. Nếu gặp đối thủ mạnh sớm hơn, như Argentina tại World Cup 1998 hoặc Đức tại World Cup 2010, Anh thậm chí phải về nước ngay sau vòng 2. Lời khuyên “hãy quên World Cup đi” bây giờ cũ rồi là vì thế. Cứ 4 năm một lần, các ngôi sao của bóng đá Anh (nếu không phải tất cả thì cũng là nhiều ngôi sao) lại khởi đầu mùa bóng mới trong nỗ lực quên đi nỗi buồn World Cup.

Sao không ai khuyên các tuyển thủ Anh là hãy cố nhớ thất bại của họ?

Rooney chỉ là một trong khá nhiều ngôi sao không những cần nhớ thất bại, mà còn phải nhớ vì sao họ đã thất bại. Robert Green là một ngôi sao khác cần nhớ chứ không phải cần quên World Cup 2010. John Terry, Gareth Barry hoặc Frank Lampard cũng đều như vậy.

Quên đi thất bại (và nhớ đến thành công) là hai điều rất dễ, hầu như ai cũng làm được, thậm chí là ai cũng thích làm, chẳng cần phải cố. Người ta chỉ phải cố nhớ thất bại hoặc cố quên thành công mà thôi. Phải cố trước tiên vì đấy mới là chuyện khó. Và phải cố vì đấy mới là chuyện có ích.

Rooney phải cố nhớ rõ vì sao anh đã thất bại thì mới rút ra được bài học quý, kinh nghiệm quý, từ đó nâng cấp được lối chơi, bản lĩnh, nâng cấp cả mức độ thông minh trong cách chơi bóng của mình. Green phải cố nhớ rõ vì sao anh phải vào lưới nhặt bóng một cách ngớ ngẩn thì mới mong không lặp lại kiểu thua như vậy. Terry là một trung vệ danh tiếng mà lại đứng sai vị trí. Barry và Lampard cũng phạm sai lầm cơ bản như vậy… Thử hỏi, đấy là những chuyện nên nhớ hay đáng quên? Chẳng lẽ các ngôi sao đàn anh như Terry hoặc Lampard lại nên quên đi nỗi nhục đã bị các ngôi sao trẻ của Đức xỏ mũi, để rồi sai lầm của họ sẽ lặp lại một cách thường xuyên hơn?

Một cách tổng quát, có những sai lầm vẫn hay lặp lại trong bóng đá đỉnh cao, như các bàn thua ngớ ngẩn của thủ môn hoặc kỷ luật chiến thuật của hậu vệ và tiền vệ trung tâm trong làng bóng Anh. Những lời khuyên rỗng tuếch, hoặc nhẹ nhàng hơn, những lời khuyên vô vị theo kiểu “công thức” chiếm bao nhiêu phần nguyên nhân trong tình trạng ấy? Chắc là không nhỏ. Người ta khuyên kẻ thất bại hãy nhanh chóng quên đi thất bại, vì khuyên như vậy mới ra vẻ vị tha, cao cả. Còn tác hại của những lời khuyên như vậy thì ít thấy ai bàn đến.

Không phải tự nhiên mà David Beckham gượng dậy sau thất bại nặng nề ở World Cup 1998, rồi còn tỏa sáng ở một mức độ hơn trước đó. Bêu riếu Beckham chưa đủ, giới hâm mộ Anh lôi cả vợ Beckham ra làm đề tài châm chọc mỗi khi ngôi sao này xuất hiện sau World Cup 1998. Đau đớn lắm, muốn cũng không quên được. Và thật tốt đẹp khi Beckham không thể quên sự đau đớn ấy. Từ đó, một ngôi sao Beckham mới nhanh chóng xuất hiện ở đẳng cấp cao hơn Beckham tại World Cup 1998.

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.