Rèn luyện tính chuyên

15/09/2010 09:25 GMT+7

Chuyện HLV Calisto vào “thị sát” mấy buổi tập của U.23 và phát hiện hai thủ môn Tấn Trường và Khoa Điển tới sân tập muộn với trạng thái uể oải khiến “thầy Tô” phải nổi trận lôi đình, dường như không phải chuyện đầu tiên, có lẽ cũng không phải chuyện cuối cùng trong loạt “truyện cầu thủ thiếu kỷ luật” này.

Chuyện HLV Calisto vào “thị sát” mấy buổi tập của U.23 và phát hiện hai thủ môn Tấn Trường và Khoa Điển tới sân tập muộn với trạng thái uể oải khiến “thầy Tô” phải nổi trận lôi đình, dường như không phải chuyện đầu tiên, có lẽ cũng không phải chuyện cuối cùng trong loạt “truyện cầu thủ thiếu kỷ luật” này.

Phải là ông Calisto, một người thầy yêu thương học trò rất mực nhưng luôn hết sức nghiêm khắc với học trò mới “ra chuyện”, chứ nếu với một HLV quen dĩ hòa vi quý, hoặc không mấy “quan tâm tới chi tiết” thì những chuyện như thế này rất dễ bị bỏ qua.

Thầy cũng không muốn phiền mà học trò thì phấn khởi. Nhiều khi “phấn khởi” quá lại đâm ra làm bậy tiếp. Dạy các cầu thủ trẻ cũng không khác dạy học trò đi học là mấy. Nếu thầy vừa yêu thương vừa quan tâm vừa nghiêm khắc thì trò mau tiến bộ, học và hành đều “vô ngọt”. Còn ngược lại, “thầy vui đằng thầy, trò chơi đằng trò”, hồn ai nấy giữ, và như thế, chuyện học hành, từ học chữ tới học đá bóng khó có đường tiến.

Cái mà bây giờ người ta hay gọi là “ý thức chuyên nghiệp”, thực ra nằm trong quy tắc giáo dục. Nếu thầy giáo dục chuyên nghiệp, học trò sẽ học hành chuyên nghiệp. Và khi ra ngoài đời, dù là xí nghiệp doanh nghiệp hay sân cỏ, ý thức chuyên nghiệp mà các ông chủ, các ông bầu đòi hỏi đã được dạy và học từ trong nhà trường. Thời gian huấn luyện của đội tuyển quốc gia hay của U.23 VN đều có thể coi là những khóa học chuyên nghiệp. Nếu học trò học được từ những buổi tập ý thức chuyên nghiệp, không chỉ “nuốt trôi” giáo án, mà còn làm được hơn thế, như nhiều cầu thủ nổi tiếng thế giới đã làm: đi tập sớm, về nghỉ muộn. Nhiều khi thầy đã cho nghỉ, đồng đội đã ra về, nhưng mình còn ở lại tập thêm một số kỹ năng, trau dồi thêm những động tác khó, thực hành những “chiêu thức độc”. Mục đích cũng là để cho mình trở thành một cầu thủ giỏi, và giỏi toàn diện. Ý thức chuyên nghiệp giúp cầu thủ dù ở bất cứ đâu, đang làm bất cứ việc gì cũng đều canh cánh về những kỹ năng bóng đá, đều ám ảnh về những tình huống cần xử lý, những tuyệt chiêu mà đàn anh hay đồng đội mình thực hiện được, về những mảng miếng mới mà thầy mới truyền thụ. Nếu cầu thủ trẻ Việt Nam làm được những điều đó, chứ không chỉ mải “tư duy” về lương bổng, về thu nhập, về “cách sống” của một “ngôi sao”, thì bóng đá Việt Nam còn tiến bộ nhiều hơn nữa, và những tiêu cực trong bóng đá có thể giảm hơn được rất nhiều.

Điều này không chỉ đúng với các cầu thủ U.23, mà còn đúng với các cầu thủ trẻ trong đội tuyển quốc gia nữa. Từ ý thức chuyên nghiệp mới dẫn tới sự tuân thủ kỷ luật một cách tự giác, chứ không phải tuân theo trong ép buộc. Mọi sự ép buộc hay ức chế đều có hại trong bóng đá, với cầu thủ. Nhưng ý thức chuyên nghiệp bao giờ và ở đâu cũng khiến cầu thủ trẻ sống lành mạnh, có mục đích và luôn có sự phấn đấu vươn lên.

Trong bóng đá, sự phấn đấu vươn lên không hề là một khẩu hiệu suông. Nó thể hiện ngay trên sân cỏ, với sự tiến bộ nhiều khi đến bất ngờ của các cầu thủ, nhất là cầu thủ trẻ.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.