Sẽ còn nhiều “Heskey” nữa!

26/07/2010 07:51 GMT+7

Giới hâm mộ Anh thở phào nhẹ nhõm khi tiền đạo Emile Heskey chia tay ĐTQG. Nói rằng Heskey bất tài thì cũng vô lý, bởi chưa có HLV nào của đội tuyển Anh gạt bỏ chân sút này kể từ khi anh xuất hiện lần đầu tiên trong ĐTQG.

Giới hâm mộ Anh thở phào nhẹ nhõm khi tiền đạo Emile Heskey chia tay ĐTQG. Nói rằng Heskey bất tài thì cũng vô lý, bởi chưa có HLV nào của đội tuyển Anh gạt bỏ chân sút này kể từ khi anh xuất hiện lần đầu tiên trong ĐTQG.

Anh đã khoác áo đội tuyển đến 62 lần, không thể là ít. Nhưng ra sân 62 lần chỉ để ghi được 7 bàn thì đấy không bao giờ là tiền đạo giỏi. Hồi Anh thắng Đức 5-1 ngay trên sân đối phương ở vòng loại World Cup 2002, báo chí Anh giật tít: “Heskey mà cũng ghi bàn”!

Vấn đề đặt ra: Heskey có phải là mẫu tiền đạo hiếm hoi, ra sân mà không phải để ghi bàn? Giới hâm mộ hẳn phải giật mình khi nhân chuyện Heskey chia tay đội Anh mà họ xem lại thống kê về các tiền đạo nổi tiếng và phát hiện ra rằng Heskey không phải là chân sút duy nhất hiếm khi ghi bàn cho đội tuyển. Chính Roberto Mancini, hiện là HLV trưởng Man City, ghi bàn còn ít hơn Heskey khi ông khoác áo đội tuyển Ý. Với vỏn vẹn 4 bàn trong 36 lần khoác áo Squadra Azzurri, Mancini coi như chỉ có 1 bàn trong 9 trận đấu. Đội Pháp từng có Christophe Dugarry, ghi 8 bàn trong 55 trận. Đức có Gerald Asamoah với 6 bàn trong 43 trận. Thậm chí đến siêu sao Gianluca Vialli, một thời được xếp vào đẳng cấp hàng đầu thế giới, cũng chỉ có 16 bàn trong 59 trận. Hoặc Francesco Totti với 9 bàn trong 58 trận (cả Vialli lẫn Totti đều là thành viên Azzurri).

Người ta khen Vialli bởi anh tuy không ghi bàn nhưng hễ chơi cặp với Fabrizio Ravanelli hoặc Roberto Mancini ở cấp CLB hoặc đội tuyển, người còn lại luôn phá lưới đối phương một cách đều đặn. Ở CLB Sampdoria, Mancini bay bổng nhờ sự phục vụ của Vialli, nên đến lúc chính Mancini phải sắm vai phục vụ trong ĐTQG, anh phải vui vẻ chấp nhận vai trò ấy. Thôi thì, bóng đá hiện đại là vậy.

Trong bóng đá hiện đại, nhiệm vụ ghi bàn không nhất thiết chỉ dành cho các tiền đạo. Và trong bóng đá hiện đại, tiền đạo ra sân không nhất thiết chỉ để ghi bàn. Bàn thắng đưa TBN vào trận chung kết World Cup 2010 là do một hậu vệ ghi được. Và trong toàn giải, David Villa là tiền đạo duy nhất ghi được bàn thắng cho TBN. Từ các giải lớn dành cho các ĐTQG đến đấu trường CLB diễn ra quanh năm suốt tháng, chúng ta sẽ còn thấy nhiều tiền đạo như Heskey nữa. Hãy nhìn vào đội tuyển Hà Lan, á quân World Cup 2010: Robin Van Persie luôn đá chính trong 7 trận đấu, nhưng anh chỉ ghi được vỏn vẹn 1 bàn, trong trận đấu chủ yếu mang tính thủ tục ở vòng bảng (Hà Lan đã có vé vào vòng 2).

Khoan nói đến những tiền đạo ra sân chủ yếu để tạo cơ hội ghi bàn cho tiền đạo còn lại, như Mancini hoặc Heskey nêu trên. Van Persie luôn là tiền đạo duy nhất trong đội hình 4-2-3-1 của Hà Lan. Vậy mà tiền đạo duy nhất ấy lại không bao giờ ghi bàn ở giai đoạn knock-out. Người xem cứ thất vọng, đấy là việc của họ. Xếp Van Persie đá chính lại là việc của HLV Bert Van Marwijk. Và ông này lại không tỏ ra thất vọng về việc đưa một tiền đạo vào đội hình chính mà anh ta không ghi bàn!

Bóng đá như thế là hay về mặt chuyên môn, hay bóng đá như thế thì ngày càng chán? Tùy quan điểm. Nhưng cần nhắc lại: bóng đá đỉnh cao thường rập khuôn những công thức đã thành công ở giải lớn trước đó. Những gì TBN và Hà Lan vừa thể hiện ở World Cup 2010 rất dễ được cả làng bóng châu Âu rập khuôn trước mùa bóng 2010-2011. Hãy chờ xem!

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.