Sự lựa chọn của 'Thượng đế'

15/08/2014 12:57 GMT+7

(TNO) Bạn nghề từ sân Gò Đậu (Bình Dương) điện thoại ra than vãn: 'Buồn quá ông ạ'. Buồn vì ngày nhận cúp của đội chủ nhà mà cái sân vẫn trống hoang trống hoải...

>> V-League không biểu tượng
>> Ông Miura cần người 'cộng cảm
>> Bình Dương tổ chức hoành tráng lễ rước cúp vô địch V-League 2014

 
Sự nghịch lý đang tồn tại ở bóng đá Việt Nam - Ảnh: DAD

Bạn bảo, ngoại trừ khán đài A với số đông khách mời cùng những khán giả thuộc vào dạng "ruột già" của CLB thì khán đài B và đặc biệt là hai khán đài C, D nhìn trống đến phải sợ. Rồi bạn nhận định: "Nhận cúp trong một cái sân trống thì có khác gì tổ chức sinh nhật mà chẳng có nến cũng chẳng có bánh gato!".
 
Biết trước tình trạng khán giả không buồn đến sân - cái tình trạng đã kéo dài từ mùa giải này qua mùa giải khác, Hội cổ động viên Bình Dương đã có nhiều biện pháp khắc phục, trong đó có cả việc đã cho xe loa chạy quanh thành phố Thủ Dầu Một kêu gọi khán giả. Thế mà...

Buổi trao cúp trên sân Gò Đậu đã vắng vẻ như vậy thì trận đấu chỉ có ý nghĩa xác định vị trí thứ ba cho đội khách Thanh Hóa trên sân Hàng Đẫy, khán giả vắng vẻ tới đâu là điều ai cũng có thể đoán biết.

Nói cho đúng thì một góc khán đài B sân Hàng Đẫy vẫn ít nhiều xôm tụ với những tiếng hò hét và điệu hò sông Mã, nhưng đấy là sự xôm tụ được tạo ra bởi những người con Thanh Hóa đang làm ăn sinh sống tại Thủ đô. Và sự xôm tụ hoen hoẻn ấy càng khắc chạm hình ảnh một cái sân thanh vắng đến lạnh người.

Thế nhưng cách sân Hàng Đẫy chừng 30 phút đi xe, ở sân bóng của Bộ Công An thì khán giả lại kéo tới sân ngùn ngụt. Khán giả đông tới mức cả một khán đài A với sức chứa 3000 con người (một con số không hề nhỏ với một sân bóng phong trào) đã không còn một ghế trống. Người ta thậm chí phải xuống cả đường piste, rồi vòng trong vòng ngoài hướng mắt vào trận đấu qua hàng rào bảo vệ.

Rồi người ta hân hoan, người ta hò hét, người ta bừng bừng sôi động sau một bàn thắng, một pha bóng đẹp. Cảm nhận rõ độ nhiệt của khán giả nên các cầu thủ thi nhau chạy, thi nhau trình diễn dưới cái nóng kinh người lên tới 38, 39 độ C.

Giải bóng đá nào mà lại tạo nên cơn sốt khán giả trong một  thời buổi mà ai cũng bảo "bóng đá không còn là hình thức giải trí thượng thừa" như thế? Giải bóng đá nào mà các "Thượng đế" lại chấp nhận đội nắng ngồi xem các cầu thủ rồi hòa mình vào từng bước chạy của các cầu thủ hệt như thời bóng đá bao cấp như thế?

Xin thưa, đấy là giải bóng đá phong trào Hà Nội mở rộng lần thứ hai. Tham gia giải phong trào này cũng có đây đó các cầu thủ chuyên nghiệp hoặc cựu chuyên nghiệp như Quốc Vượng, Huy Hoàng, Thành Lương, Văn Quyết..., và như nhận định rất đáng yêu của một khán giả mà người viết vô tình nghe trộm được thì: "Vẫn những con người ấy, nhưng khi họ đá V.League thì mình nghi ngờ, còn khi đá ở đây thì mình tuyệt nhiên tin tưởng".

Ồ, hóa ra là vậy! Hóa ra các Thượng đế bỏ V.League không phải vì tiếc vài chục ngàn mua vé vào sân, mà cái chính là V.League nói riêng (và bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung?) đã phản bội niềm tin của họ quá nhiều.

Để rồi bây giờ, trong tâm thế của những "con chim bị thương, sợ cành cây cong" họ chẳng thà đội nắng đến một cái sân phong trào, xem những trận đấu phong trào, nhưng là những trận đấu cho họ niềm tin vào cái thật, vào sự trong sáng của bóng đá còn hơn là đến sân xem V.League. 

Mà cũng chẳng riêng gì khán giả, chiều chủ nhật vừa rồi thì ngay cả giới phóng viên, trong đó có cả những phóng viên gạo cội của làng báo thể thao nước nhà cũng bỏ sân Hàng Đẫy, bỏ V.League để sống cùng cái thật, cái tử tế của sân chơi phong trào. 

"Thượng đế" V.League thì vắng như chua bà đanh, còn "Thượng đế" đến sân "phủi" thì đông như hội. Nên buồn cho cái thứ nhất hay nên vui với cái thứ hai?

Hãy nên ngợi khen "Thượng đế", vì hóa ra trong bất luận hoàn cảnh nào thì các "Thượng đế" nhà ta cũng rất tinh đời lựa chọn!?

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.