Sự tráo trở của giới chuyên môn

07/09/2010 08:57 GMT+7

Một đợt trận quốc tế rầm rộ nữa lại diễn ra trong đêm nay và rạng sáng mai. Một lần nữa, người ta sẽ lại bàn về những sơ đồ quen thuộc như 4-4-2, 4-2-3-1 hoặc 4-5-1. Với đội tuyển Đức, 4-2-3-1 là công thức bất di bất dịch. Với Hà Lan, 4-2-3-1 là chiến thắng của cả một sự đổi mới tư duy, bởi đã hàng chục năm qua nền bóng đá này luôn gắn với sơ đồ 4-3-3 truyền thống.

Một đợt trận quốc tế rầm rộ nữa lại diễn ra trong đêm nay và rạng sáng mai. Một lần nữa, người ta sẽ lại bàn về những sơ đồ quen thuộc như 4-4-2, 4-2-3-1 hoặc 4-5-1. Với đội tuyển Đức, 4-2-3-1 là công thức bất di bất dịch. Với Hà Lan, 4-2-3-1 là chiến thắng của cả một sự đổi mới tư duy, bởi đã hàng chục năm qua nền bóng đá này luôn gắn với sơ đồ 4-3-3 truyền thống.

Nhắc đến bóng đá Hà Lan là phải nhắc đến sơ đồ 4-3-3, giống như hễ nhắc đến bóng đá Anh là phải nhắc đến sơ đồ 4-4-2. Cũng có những đội tuyển chẳng bao giờ chơi với một công thức rõ rệt, như Pháp, Ý hoặc TBN. Đấy là đặc điểm quen thuộc của các đội bóng hàng đầu thế giới. Phải thừa nhận: đặc điểm (về mặt sơ đồ đấu pháp) là có, dù người ta thắng nhau không phải bằng việc dùng sơ đồ nào.

Hồi năm 2009, khi đội tuyển Anh của HLV Fabio Capello đang có khí thế rất cao trước thềm World Cup, người ta hỏi Capello: đoàn quân của ông liệu sẽ chơi 4-2-3-1 như trào lưu chung tại Nam Phi? Capello trả lời cụt lủn: “Hỏi ngốc quá”! Vị HLV nổi tiếng người Ý trả lời trịch thượng như thế bởi khi ấy, ông có cái địa vị cao cả của một nhà chuyên môn vĩ đại, đến quê hương bóng đá để cứu rỗi. Báo chí Anh từng giật tít: “Giả sử đến Capello mà còn không thể đem về danh hiệu vô địch World Cup cho nước Anh, sẽ chẳng ai làm được điều ấy cho thế hệ hiện tại”.

Capello chỉ việc mắng người hỏi là “ngốc”, còn việc suy diễn câu trả lời ấy thì đã có khối cây bút làm hộ. Người ta giải thích: cốt lõi của chiến thuật bóng đá là cách di chuyển của 10 cầu thủ trên sân (không tính thủ môn), bóng đá không bao giờ có chiến thuật 4-2-3-1 hay 4-4-2. Những sơ đồ ấy, dù có đi nữa, cũng “chết” ngay sau quả giao bóng. Để thêm trọng lượng, những bài báo nói thế dùng một thủ thuật cũ rích là mượn lại lời của Capello “trong một dịp tâm sự ở chỗ X, Y, Z nào đấy”, cứ như người viết và HLV vĩ đại Capello là chỗ quá thân tình.

Rỗng tuếch! Khi đội tuyển Anh của Capello thất bại nhục nhã ở World Cup 2010, đâu thấy ai giảng giải là bóng đá không có sơ đồ chiến thuật? Có chăng đấy chỉ là trường hợp của thầy trò Capello. Họ chơi bóng chẳng theo một sơ đồ nào, giống như… con nít, trong khi cả thế giới đã có những thay đổi lớn về sơ đồ đấu pháp, đã chịu chấp nhận là chơi 4-2-3-1 “theo Jose Mourinho”.

Bây giờ, khi Capello thở phào nhẹ nhõm nhờ trận ra quân thắng Bulgaria 4-0 ở vòng loại EURO 2012, ông lại nhanh chóng “tiết lộ”: thắng nhờ có sơ đồ mới hợp lý, mà trong đó, ông đã bảo Rooney phải chơi lùi lại một tí. Hóa ra, sơ đồ là có. Anh thắng vì Rooney khi nào cũng đứng thấp hơn tiền đạo còn lại trong đội hình là Jermain Defoe. Bây giờ, nếu như ai đó cho rằng chơi bóng là phải tùy theo tình huống, Rooney phải đứng cao hơn Defoe nếu thấy cần phải làm như vậy tùy theo tình huống, thì chắc đấy mới là những kẻ ngốc!

Dù là những nhà chuyên môn lỗi lạc, cỡ Capello đi nữa, thì ai cũng là người. FIFA nói rằng trọng tài vì chỉ là người nên không thể không sai sót. Còn Capello, cũng là người phàm, nên ông cũng có những lúc tráo trở...

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.