Tái phạm liên hồi: Xử sao?

09/03/2010 09:47 GMT+7

CĐV đội XM.Hải Phòng lại tiếp tục đốt pháo sáng và quậy tưng trên sân Ninh Bình, trong một trận đấu mà người Hải Phòng tưởng chừng đã yên tâm bỏ túi 3 điểm khi vẫn dẫn trước 2-1 cho tới phút đá bù giờ cuối cùng. Nhưng từ một pha lộn xộn trước khung thành Hải Phòng, Gustavo đã nhanh chân đưa bóng vào lưới kiếm được 1 điểm quý giá cho V.Ninh Bình.

CĐV đội XM.Hải Phòng lại tiếp tục đốt pháo sáng và quậy tưng trên sân Ninh Bình, trong một trận đấu mà người Hải Phòng tưởng chừng đã yên tâm bỏ túi 3 điểm khi vẫn dẫn trước 2-1 cho tới phút đá bù giờ cuối cùng. Nhưng từ một pha lộn xộn trước khung thành Hải Phòng, Gustavo đã nhanh chân đưa bóng vào lưới kiếm được 1 điểm quý giá cho V.Ninh Bình.

Thế là, trên sân, Aniekan đánh nhau với thủ môn Quang Huy vì đổ lỗi cả hai bàn thua cho thủ môn này, còn trên khán đài, CĐV Hải Phòng bắt đầu... quậy.

Một trận hòa trên sân khách chưa phải là thảm họa, nhưng cách mà cả cầu thủ và CĐV Hải Phòng xử sự trên sân khách, trước hàng vạn người Ninh Bình như thế thì không thể chấp nhận được! Đó không thể biện minh rằng do... tính người Hải Phòng vốn thế, hay do CĐV Hải Phòng... cuồng nhiệt quá mới nên cơ sự vậy.

Nước có kỷ cương, có phép nước, bóng đá có luật bóng đá, có quy chế cho mỗi giải đấu. Tất cả đều đã có, kể cả ban kỷ luật của VFF, chỉ thiếu... sự thực hiện nghiêm túc. Chính vì kiểu xử lý qua quýt “chín bỏ làm mười” đó mà những hooligan của bóng đá VN bây giờ tỏ ra còn “chuyên nghiệp” hơn cả các cầu thủ VN trên sân. Và họ cũng đã từng nổi tiếng hơn cả các cầu thủ, do những thành tích… quậy trên khán đài và ngoài sân cỏ trong nhiều trận đấu nóng.

Trong khi những hooligan quậy, thì chúng ta đã chứng kiến những nạn nhân đều là những CĐV lương thiện ngồi xem trên khán đài bị “vạ lây”. Điều đó khác nào trong những cuộc đua xe bất hợp pháp, nạn nhân thường là những người lương thiện đang tham gia giao thông trên đường và bị tai họa. Với những kẻ đua xe, pháp luật đã ra tay trừng trị, mức độ ngày một cao hơn, nghiêm khắc hơn, dù tệ nạn nguy hiểm này vẫn chưa chấm dứt, nhưng nó không thể bùng phát mạnh mẽ vượt tầm kiểm soát. Còn với những hooligan sân cỏ, nếu những phương án xử trị không nghiêm khắc, không ngày càng mạnh mẽ và hữu hiệu, thì sẽ tới lúc, những vụ “bùng nổ” trên khán đài sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát. Và, nói thật, sự nguy hiểm của nó với tính mạng con người còn cao hơn trong những cuộc đua xe rất nhiều.

Chỉ cần xô xát nổ ra dữ dội, khán đài bị sập, lúc đó thử tưởng tượng xem, khán giả sẽ hoảng loạn giẫm đạp lên nhau và gây nên những tai họa kinh khủng đến mức nào. Sân cỏ thế giới đã có quá nhiều kinh nghiệm về những “sự cố” loại này, và ban tổ chức sân cũng như liên đoàn bóng đá quốc gia họ đã làm mọi thứ có thể làm được để kiểm soát nạn hooligan và bảo đảm an toàn tới mức tối đa cho người vào xem.

Còn ở ta, cái cách cho tới khi tai họa xảy ra mới tìm cách “trút trách nhiệm”, lúc “chưa thấy quan tài” thì cứ “bình chân như vại” là một lối làm việc tắc trách và vô cùng đáng trách. Tới khi xảy ra tai họa thì còn gì để nói nữa!

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.