Tại sao lại phải rõ ràng?

02/10/2010 10:46 GMT+7

Bắt đầu từ ngày 1.10, hệ thống TMS (transfer matching system, tạm dịch là hệ thống chuyển nhượng cầu thủ) của FIFA sẽ chính thức được áp dụng. Trong hệ thống này, mọi cuộc chuyển nhượng quốc tế sẽ chỉ được FIFA thông qua sau khi các bên liên quan gửi khoảng 30 loại giấy tờ cần thiết để chứng minh sự rõ ràng của một cuộc chuyển nhượng.

Bắt đầu từ ngày 1.10, hệ thống TMS (transfer matching system, tạm dịch là hệ thống chuyển nhượng cầu thủ) của FIFA sẽ chính thức được áp dụng. Trong hệ thống này, mọi cuộc chuyển nhượng quốc tế sẽ chỉ được FIFA thông qua sau khi các bên liên quan gửi khoảng 30 loại giấy tờ cần thiết để chứng minh sự rõ ràng của một cuộc chuyển nhượng.

 Chủ tịch FIFA Sepp Blatter gọi thời điểm bắt đầu áp dụng TMS là một “thời điểm lịch sử”, vì tuy đấy chỉ là một hệ thống giao dịch qua e-mail nhưng nó lại có những ảnh hưởng to lớn đến cả thế giới bóng đá. Hệ thống này sẽ ngăn chặn nạn rửa tiền và góp phần chống tình trạng hối lộ trong bóng đá nhà nghề.

Giới quan sát hoài nghi về những giá trị to tát ấy. Nhưng phản ứng chung của số đông là tán đồng TMS, xem đấy như là một trong số ít những quyết định “nghe lọt tai” của FIFA. Nhờ có TMS, báo giới và người hâm mộ ít nhất cũng biết chính xác những con số mà họ muốn biết khi có một vụ chuyển nhượng đình đám xảy ra, thay vì chỉ “nghe vậy, biết vậy” trong cái thế giới đầy gian dối của bóng đá nhà nghề.

Xưa nay, những nguồn tin nghiêm túc thường cẩn thận ghi rõ là giá chuyển nhượng không được công bố, khi có một vụ chuyển nhượng quan trọng trở thành hiện thực. Một cách chính thức, cầu thủ và các CLB liên quan cũng thường không tiết lộ giá chuyển nhượng. Nhưng bên cạnh đấy luôn có hàng chục nguồn “tin riêng”, “tin độc” nói vanh vách giá chuyển nhượng và mức lương mà không ai phủ nhận, có khi lại chính là do những người trong cuộc tiết lộ. Tiết lộ làm gì thì tùy vào mục đích riêng của người trong cuộc. Còn hễ “đụng chuyện”, họ chỉ lạnh lùng: “Tôi không đọc báo. Tôi chưa bao giờ nói vậy”.

Biết rõ thông tin về giá chuyển nhượng và lương bổng của các ngôi sao bóng đá dĩ nhiên là cũng thú vị, với người hâm mộ. Nhưng chỉ vì nhu cầu “thú vị” thuần túy như thế mà lại áp đặt cả một hệ thống quy định mang tính luật lệ, xem ra không ổn.

Khi một cầu thủ yêu cầu mức lương 2 triệu USD/năm, sau thuế, ở nơi đánh thuế 50%, đội bóng phải trả 4 triệu USD. Nếu họ ký một mức lương 3 triệu kèm theo “phí sử dụng hình ảnh” là nửa triệu thì cầu thủ vẫn lĩnh đủ 2 triệu USD (1,5 triệu tiền lương và nửa triệu “phí sử dụng hình ảnh”). Trên thực tế, CLB tiết kiệm được nửa triệu USD so với cách trả lương 4 triệu. “Phí sử dụng hình ảnh” được trả cho một công ty quản lý nào đấy, ở một nơi nào đấy, thường là nơi không hoặc chỉ bị đánh thuế rất thấp. Ai nấy đều biết, công ty ấy thực chất là của chính cầu thủ ấy.

Mọi sự “không rõ ràng” trên thị trường chuyển nhượng đều liên quan đến những ví dụ đại loại như thế. Đã vậy, còn có khoảng 3 loại người đại diện tham gia trong một vụ chuyển nhượng, người ta thường không biết rõ những người đại diện ấy kiếm được bao nhiêu. Bây giờ, nhờ vào hệ thống TMS, một CLB có thể biết rõ đội bán ngôi sao cho họ chỉ nhận được 20 triệu USD trong khi đội mua ngôi sao phải chi 25 triệu USD. Họ sẽ biết là đã để lọt ra ngoài 5 triệu USD, thay vì mỗi bên chỉ biết về mình như trước.

Vấn đề là ở chỗ: phải cho phép các CLB muốn làm sao thì làm (miễn không vi phạm pháp luật). Những đội thua thiệt vì không rành rẽ tiểu xảo trên thị trường chuyển nhượng thì suy cho cùng, đấy cũng là chuyện không biết người biết ta. Đội tạm gọi là “láu cá” hơn phải xứng đáng hưởng lợi từ những ý tưởng thông minh của họ. Tại sao FIFA lại muốn mọi con số về tiền nong cứ phải rõ ràng, kể cả khi không ai vi phạm pháp luật?

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.