Thách thức ở VPF chờ bầu Tú

04/12/2017 16:29 GMT+7

Ông Trần Anh Tú vừa được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thay ông Võ Quốc Thắng xin rút lui sau hai nhiệm kỳ.

Ông Trần Anh Tú hiện ngồi ghế Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) và còn là Ủy viên Thường trực VFF. Ông chủ của đội chủ lực futsal Thái Sơn Nam lẫn nhiều đội bóng futsal khác có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của môn này và người ta đang kỳ vọng khi chuyển sang sân 11, bầu Tú sẽ nâng cấp VPF lên một tầm cao mới.
Phải nói ngay rằng thời của cựu Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đã tạo ra một bước đột phá mới cho công tác tổ chức các giải vô địch quốc gia, từ năm 2011. Sự ra đời VPF là muộn mằn, bởi lẽ nó phải có ngay từ khi V-League khai sinh để tránh cho VFF bị mang tiếng vừa đá bóng vừa thổi còi.
Những mùa đầu tiên, VPF của ông Thắng dưới sự trợ giúp đắc lực của bầu Đức, bầu Kiên,… đã chạy rất trơn tru. Quan trọng nhất là dưới sức ảnh hưởng của các ông bầu, VPF có các gói tài trợ lớn hơn rất nhiều các thời kỳ của VFF hồi còn nắm quyền tổ chức giải. VPF đã giải tốt bài toán “đầu tiên” bởi những nhân sự chủ chốt có tâm, có tầm và có cùng chí hướng.
Các giải đấu quốc gia, đặc biệt là V-League dần hoàn chỉnh công tác tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, chăm lo lợi ích cho các CLB, nâng chất giải đấu,… Tuy nhiên, dần dà VFF có cảm giác bất an và lo lắng cho thân phận người thừa đã dùng quyền cổ đông góp vốn lớn nhất (35,4%) chi phối sâu hơn vào VPF. Cơ cấu nhân sự VPF có nhiều sự tham gia kiểm soát và tác động hơn từ VFF, nắm giữ phần lớn quyền điều hành.
Bầu Tú (giữa) và bộ sậu ở Công ty VPF VPF
Trong khi đó, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng sau này do bận bịu hoặc vì những lý do nào khác, đã ít xuất hiện lên tiếng ở những sự vụ cụ thể cần chính kiến của VPF. Đặc biệt sau lần Long An của người em trai Võ Thành Nhiệm “quậy tưng” trên sân Thống Nhất dưới sự chứng kiến của ông và đội rớt hạng cũng có phần nào dính tới quyết định xin nghỉ khỏi VPF.
Thế nhưng ở hậu trường người ta thấy rõ hơn sự bất lực của VPF với quyền lực vượt mặt từ các ban chức năng VFF phủ xuống. Chẳng hạn, những bản án kỷ luật thiếu thuyết phục hoặc ngó lơ hành vi xấu xí, hoặc giơ cao đánh khẽ của Ban kỷ luật VFF như trêu chọc VPF lẫn dư luận vẫn chẳng hề hấn gì. Công tác trọng tài do Ban trọng tài VFF mùa nào cũng bị kêu ca, thậm chí là lên án nhưng lại vấp phải sự bao che, dung dưỡng của người trong cuộc, làm nó không tiến bộ.
Hai vấn đề nổi cộm nêu trên còn tồn tại ở các giải đấu cũng là nỗi lo của bầu Tú khi thay thế bầu Thắng ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT VPF. Ông Trần Anh Tú rất sòng phẳng nói VPF lo kiếm tiền để làm giải tốt hơn nhưng lại bị đặt ngoài cuộc, không thể kiểm soát là hỏng.
Mong cho bầu Tú trong nhiệm kỳ III sẽ biết cách tháo gỡ hết những trục trặc mà tiền nhiệm còn gặp khó ở VPF, ít nhất là người của VFF có vuốt mặt cũng phải nể mũi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.