Thần đồng bóng đá VN đâu rồi?

05/04/2011 15:36 GMT+7

(TNO) Đây là câu hỏi không chỉ những nhà quản lý mà cả người hâm mộ bóng đá Việt Nam đều quan tâm. Tuy nhiên, để tìm được câu trả lời này xem ra không dễ chút nào.

Samson Kayode - cầu thủ đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới V.League 2011 với 9 bàn thắng - Ảnh: Bạch Dương

(TNO) Đây là câu hỏi không chỉ những nhà quản lý mà cả người hâm mộ bóng đá Việt Nam đều quan tâm. Tuy nhiên, để tìm được câu trả lời này xem ra không dễ chút nào.

Nếu tính từ khi bước vào thời kỳ hội nhập với bóng đá thế giới (tham gia các kỳ SEA Games, AFF Cup, Asian Cup, vòng loại World Cup và các giải trẻ…), bóng đá VN đã xuất hiện rất nhiều thần đồng. Nếu trong thập niên 90 của thế kỷ trước bóng đá miền bắc từng tự hào khi có Nguyễn Hồng Sơn (Thể Công) đoạt chức vua phá lưới ở tuổi 20 tại giải Vô địch quốc gia (VĐQG) 1990 thì bóng đá miền nam cũng hân hoan không kém khi cho “ra lò” tiền vệ 19 tuổi Lư Đình Tuấn tại giải VĐQG 1987. Ở miền trung, người Khánh Hòa cũng từng nở mày nở mặt khi giới thiệu một thần đồng ở tuổi 17 dự giải VĐQG năm 1987 là Nguyễn Hữu Đang. Tất cả những cái tên này sau đó đều là trụ cột của đội tuyển VN tại các giải trong khu vực.

Khi bóng đá VN chuyển mình bước vào bóng đá chuyên nghiệp ở đầu thế kỷ 21, các lò đào tạo bóng đá trong nước cũng giới thiệu khá nhiều cái tên thần đồng như Văn Quyến, Như Thuật, Quốc Vượng, Lâm Tấn (Sông Lam Nghệ An), Thanh Bình, Quý Sửu (Đồng Tháp), Anh Đức (Bình Dương)... Những cái tên này sớm nổi danh tại các giải đấu trong nước và sau đó trở thành trụ cột của đội tuyển quốc gia cũng như U.23 VN ở độ tuổi đôi mươi.

Nhưng nếu các cầu thủ thế hệ trước thường kéo dài tuổi thọ nghề đến hơn 30 tuổi thì các cầu thủ thế hệ sau đều chững lại khi mới 25, 26 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của nghề cầu thủ.

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả trên khiến những thần đồng bóng đá của VN mai một rất sớm. Một là các cầu thủ ngày nay được các đội bóng hậu đãi quá tốt, từ lương, thưởng, nhà cửa, đất đai... Từ đó khiến các cầu thủ này mắc bệnh "sao" quá sớm, dẫn đến sinh hoạt thiếu điều độ, thậm chí sa vào những thói hư tật xấu đến mức không thể gượng dậy nổi.

Còn nhớ năm 1989 Nguyễn Hữu Đang từng bị kỷ luật rất nặng phải nghỉ thi đấu một thời gian dài. Nhưng khi trở lại sân cỏ anh vẫn giữ được phong độ rất tốt và trở thành cầu thủ không thế thiếu của đội tuyển quốc gia. Hoặc như Hồng Sơn cũng từng phải nghỉ một thời gian dài vì chấn thương đầu gối nhưng do sinh hoạt điều độ và có nghị lực vượt khó, anh đã trở lại sân có với phong độ như cũ. Tất cả những điều này dường như các cầu thủ thế hệ sau đều thiếu.

Trường hợp thứ hai là do bóng đá nước nhà bước vào chuyên nghiệp, nên cầu thủ ngoại tràn ngập trong đội hình chính (cả ngoại binh nhập tịch như trường hợp của V.Ninh Bình). Điều này đã khiến nhiều cầu thủ dần mất chỗ trong đội hình do không cạnh tranh nổi, dẫn đến tâm lý buông xuôi không còn ý chí phấn đấu vươn lên nữa.

Có lẽ cũng nên nhắc lại, giải ngoại hạng Anh dù cũng tràn ngập cầu thủ ngoại nhưng họ rất biết cách giữ những thần đồng, giúp các cầu thủ này phát triển đúng hướng và giữ được sự ổn định lâu dài. Như trường hợp của Owen (Liverpool) trước đây hoặc Rooney (M.U), Walcott, Wilshere (Arsenal) sau này, dù huấn luyện viên các đội bóng này đều là người nước ngoài.

Trong khi đó, ở ta giải hạng Nhất ban đầu được định hướng là sân chơi cho các cầu thủ trẻ phát triển tài năng, giúp đội tuyển U.23 tìm ra những nhân tố mới. Nhưng kể từ khi hình thành đến nay, sự xuất hiện của ngoại binh ở giải đấu này chẳng kém cạnh gì giải V.League, khiến các cầu thủ nội, nhất là những cầu thủ trẻ, không còn đất dụng võ. Nhìn vào danh sách các cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất ở giải hạng Nhất 2011 cho đến thời điểm này, chỉ duy nhất một cái tên nội là Nguyễn Anh Bá Tư của đội Huế xuất hiện cùng các chân sút ngoại. Một thực trạng quá đáng lo.

Nếu không giải được những bài toán này, câu hỏi thần đồng bóng đá VN đâu rồi sẽ còn lặp đi lặp lại mãi.

Phương Quỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.