Thầy đánh thầy, và...

19/01/2010 10:26 GMT+7

Chuyện vừa xảy ra tại CLB võ thuật quận Tân Bình, khi thầy dạy võ lại nhằm mặt đồng nghiệp của mình, cũng là thầy dạy võ, mà… thụi, trước mặt bao nhiêu học trò nhỏ, là chuyện xưa không hề có. Nhưng bây giờ thì có.

Chuyện vừa xảy ra tại CLB võ thuật quận Tân Bình, khi thầy dạy võ lại nhằm mặt đồng nghiệp của mình, cũng là thầy dạy võ, mà… thụi, trước mặt bao nhiêu học trò nhỏ, là chuyện xưa không hề có. Nhưng bây giờ thì có.

Nghề võ xưa, nhất là cùng môn phái, kỵ nhất là học trò đánh nhau. Chứ đừng nói thầy đánh nhau. Lại đánh nhau trước mặt học trò. Ngày xưa mà như thế, người ta kêu bằng… vô phúc. Vô phúc không chỉ cho thầy, cho trò, mà cho cả môn võ học. Dù bây giờ là karate, judo hay karatedo, thì tinh thần thượng võ tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, đồng môn yêu thương nhau là chuyện phải được đặt ra trước khi học võ, trước khi tu tập võ thuật.

Cũng như chuyện trò đánh thầy đến ngất xỉu ngay trên bục giảng vừa xảy ra tại An Giang, và còn nhiều chuyện trò đánh thầy khác đã được báo chí nêu lên, thì ta phải đau đớn nhận với nhau rằng đối với ngành giáo dục, đây là một trong những thất bại lớn nhất! Nếu chúng ta đào tạo thành công hai vạn tiến sĩ ở nước ngoài, mà ở ngay tại nước mình vẫn thường diễn ra cảnh trò đánh thầy, rồi bây giờ là thầy đánh thầy, thì liệu hai vạn tiến sĩ kia có vực dậy được đạo đức giáo dục đang bị xuống cấp đến mức đáng… sợ kia hay không? 

Ở đây, không thể chối bỏ một thực tế đáng buồn là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức công dân đã ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến đạo đức trong nhà trường. Nhưng như người ta nói, nhà trường phải là “pháo đài” của đạo đức, của sự làm gương, của sự trong sạch, của tình thầy trò, tình đồng nghiệp. Đã nói “pháo đài” là nói đến tính khép kín tương đối của nó, để bảo toàn những giá trị nhân văn và đạo đức, để chống lại những sự xâm nhập của cái xấu từ bên ngoài. Thế thì ở đây, rõ ràng là có sự xói mòn, sự xuống cấp của đạo đức ngay trong nội bộ “pháo đài”, đã có chuyện thầy không coi đồng nghiệp ra gì, và trò cũng tiến tới không coi thầy ra gì, mới nên nỗi!

Người ta cho rằng có thực tế đáng buồn ấy là do sự lên ngôi của đồng tiền, đẩy những giá trị “bên ngoài tiền” xuống hàng thứ yếu, thậm chí không còn là…cái đinh gì! Nói thế cũng đúng, nhưng chưa đủ. Phải thấy rằng trong việc dạy và học bây giờ ở các nhà trường, kể cả trường dạy võ, là còn những “lỗ hổng” đáng báo động. Những “lỗ hổng” ấy nằm ngay ở sự thiếu sót của chương trình, là không dạy cho cả thầy và trò biết phải học…làm người trước đã, trước khi học thành tài những môn học gì. Không được học để làm người, thì làm sao trụ vững được với kiến thức hay tài năng của mình, kể cả khi thủ đắc được kiến thức và tài năng?

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.