Thấy gì từ chức vô địch của Dortmund?

01/05/2011 18:31 GMT+7

(TNO) Dortmund đã trở lại ngôi vô địch Bundesliga lần đầu tiên sau gần chục năm bằng những cầu thủ ít được biết đến.

Shinji Kagawa (áo vàng) là nhân tố chủ chốt giúp Dortmund vô địch Bundesliga mùa 2010-2011 - Ảnh: AFP

(TNO) Dortmund đã trở lại ngôi vô địch Bundesliga lần đầu tiên sau gần chục năm bằng những cầu thủ ít được biết đến.

Hồi đầu mùa, Shinji Kagawa từ Nhật Bản lần đầu tiên sang Đức thi đấu với giá chuyển nhượng thấp đến nỗi nhắc ra có thể làm cho người ta mắc cỡ. Mua Kagawa với 350.000 euro? Có người trong cuộc giải thích: đấy chỉ là chút tiền tài trợ để đội bóng cũ của Kagawa ở Nhật phát triển đội trẻ, chứ ai lại chuyển nhượng cầu thủ với giá ấy!

Vậy mà Kagawa (thậm chí đã bị người Nhật ngó lơ, không có chỗ trong đội tuyển Nhật tham dự World Cup 2010) lại là ngôi sao số 1 Bundesliga trong suốt lượt đi. Khi Kagawa về Nhật khoác áo đội tuyển quốc gia tranh Cúp châu Á và bị chấn thương, thì vai trò tấn công trong hàng tiền vệ Dortmund được trao cho Mario Goetze. Dĩ nhiên, Goetze cũng chẳng được ai biết đến, anh mới 18 tuổi.

Goetze hoặc Kagawa chỉ là một vài ví dụ điển hình. Ngoài ra, Dortmund còn vô địch nhờ Nuri Sahin, Marcel Schmelzer, Sven Bender, Mats Hummels, Kevin Grosskreutz… tất cả đều đáng gọi là những "cánh chim lạ" trước khi mùa bóng khởi tranh. Bây giờ, họ đều nổi tiếng cả rồi, đố ai dám gọi đấy là những cầu thủ “vô danh tiểu tốt”.

Thật ra, giả sử Dortmund sẩy chân thì chức vô địch Bundesliga lại về tay Leverkusen, cũng với những ngôi sao trước đó hầu như không được biết đến, như Arturo Vidal hoặc Lars Bender. Mainz và Hannover đều bất ngờ vươn lên “top 5” ở Đức bởi những cầu thủ không hề có giá chuyển nhượng bộn bạc. Andre Schuerrle, Lewis Holtby hoặc Didier Ya Konan chẳng hạn.

Ngược lại, loại ngôi sao đã nhẵn mặt, khiến các đội bóng Đức phải tốn bộn tiền để đón rước, như Ruud Van Nistelrooy, Anatoliy Tymoschuk, Rafael Van der Vaart, Mauro Cameranesi, thì không làm nên trò trống gì. Có ngôi sao, như Camoranesi, còn trở thành của nợ.

So sánh thì hơi khập khiễng. Nhưng hãy cứ nhìn vào những đội bóng tạm gọi là “dream team” (đội bóng ước mơ) ở V.League. Gọi là “dream team” chẳng qua vì các đội ấy quy tụ được những cái tên đã quen thuộc trong làng bóng nước nhà. Đấy có thể là các tuyển thủ quốc gia, những trụ cột của đội U.23 tham dự SEA Games, hoặc những chân sút “ngoại” đã thành công trước đó.

Xứ ta có lệ: chỉ biết nhìn vào những cái tên cũ, và khi kể hết những cái tên cũ thì vội khẳng định “hết rồi”! Cũng từ cái chỗ “hết rồi” ấy, huấn luyện viên Calisto từng lôi ra được Minh Phương, Tài Em, Xuân Thành, Trường Giang… khi ông tuyển chọn đội hình tham dự Tiger Cup 2002.

Những gì Minh Phương, Tài Em thể hiện sau đó trên sân cỏ Việt Nam thì cũng giống như những gì Goetze hoặc Kagawa sẽ thể hiện ở Bundesliga trong tương lai, sau khi họ bước ra từ bóng tối. Vấn đề là còn bao nhiêu tài năng bóng đá không được biết đến trong làng bóng Việt Nam? Khó trả lời. Bởi ở xứ ta, không thấy nghĩa là không có. Không biết cũng nghĩa là không có.

Khi huấn luyện viên tuyển Đức Joachim Loew chúc mừng và khen ngợi đồng nghiệp Juergen Klopp về chức vô địch Bundesliga vừa đoạt được, Loew nói: “Klopp thành công nhờ sự sáng tạo và can đảm trong công việc”.

Ý ông Loew muốn nói: Klopp sáng tạo và can đảm ở chỗ: ông dám tin rằng Kagawa hoặc Goetze sẽ là ngôi sao, khi mà số đông coi như không thấy hoặc không biết những cầu thủ ấy. Chỗ này thì bóng đá đỉnh cao cũng khá tương đồng với bóng đá “vùng trũng”. Huấn luyện viên Klopp không nhất thiết phải tuân theo cách đánh giá chung của số đông, đơn giản là vì người giỏi thật sự thì đâu có đông!

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.