Thấy gì từ một cuộc tranh luận vô nghĩa?

10/10/2010 08:23 GMT+7

Có hay không có chuyện một cầu thủ cố ý chơi xấu chỉ để làm cho đối phương chấn thương? TTK Hiệp hội cầu thủ nhà nghề thế giới (FIFPro) Theo van Seggelen nói “không”, còn trưởng ban y tế FIFA Michel d’Hooghe nói “có”.

Có hay không có chuyện một cầu thủ cố ý chơi xấu chỉ để làm cho đối phương chấn thương? TTK Hiệp hội cầu thủ nhà nghề thế giới (FIFPro) Theo van Seggelen nói “không”, còn trưởng ban y tế FIFA Michel d’Hooghe nói “có”.

Quan chức hàng đầu trong một lĩnh vực của FIFA thì dĩ nhiên là quá “to” rồi, còn TTK FIFPro, tổ chức đại diện khoảng 50.000 cầu thủ nhà nghề trên khắp thế giới, cũng là người có danh phận. Những nhân vật quan trọng như thế mà nói sai thì chẳng còn ra thể thống gì. Chưa cần kết luận ai đúng, nhưng ít nhất phải có một người sai. Bóng đá đỉnh cao còn hy vọng gì vào những giá trị tốt đẹp, khi các nhân vật chóp bu như họ lại nói… sai bét, về đề tài thời sự nóng bỏng này?

Bảo rằng TTK Van Seggelen sai thì quá dễ. Ông này nói: “Tôi không tin là trên thế giới lại có cầu thủ cố tình làm cho đồng nghiệp của mình chấn thương. Đấy là điều kinh khủng không thể tin được”. Chẳng những xa rời thực tế, Van Seggelen còn tạo cảm tưởng là ông ta hô khẩu hiệu một cách rỗng tuếch. Chỗ tai hại của việc hô khẩu hiệu vớ vẩn như Van Seggelen là từ đó trở đi, sẽ chẳng còn ai tin vào ông ta, kể cả khi ông ta nói thật, về một câu chuyện đầy giá trị đạo đức nào đó. Chỉ cần hỏi ngược TTK Van Seggelen là ông đã đọc hồi ký của Roy Keane hay chưa, có biết việc FIFA từng phạt Keane sau khi cầu thủ này thừa nhận trong hồi ký là đã cố ý… đá cho què Alf-Inge Haland?

Nói như Van Seggelen thì chẳng khác gì nói rằng bạn không tin trên đời này có kẻ ăn cắp.

Thế còn Michel d’Hooghe? Ông ta chỉ nói như một khán giả bình thường: “Tôi có 2 con mắt. Tôi thấy rõ mọi việc chứ đâu có mù. Tôi thấy rõ người ta đã cố ý làm cho đối thủ chấn thương như thế nào”. Một khán giả bình thường có thể nói như vậy. Đằng này, trưởng ban y tế của FIFA mà lại nói ra những lời như thế – và không có bất cứ cơ sở nào để chí ít cũng cho thấy lời nói của mình không đến nỗi vô lý – thì cũng chỉ như một lời chửi đổng thấp kém. Chẳng lẽ chúng ta cũng có 2 mắt, cũng có những suy nghĩ riêng của mình, thì có quyền nói thẳng trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng FIFA là ổ mafia, rằng các trận đấu của World Cup đều có bán độ, với cách lý giải “chúng ta không mù” giống như ông Michel d’Hooghe nọ?

Karl Henry chơi xấu Jordi Gomez, Nigel de Jong chơi xấu Hatem Ben Arfa, và nhiều chuyện tương tự nữa – giới hâm mộ bóng đá đều biết cả. Đấy là những “tai nạn” hay đấy là những tình huống ác ý, có chủ đích? Sẽ không bao giờ có câu trả lời “hai 5 rõ 10” trong kiểu tranh cãi như thế này. Thế nên, phải nhìn vấn đề từ góc độ khác. Ben Arfa phải biết rõ thứ bóng đá giúp anh trở thành triệu phú khốc liệt như thế nào. Anh đã có những bộ óc siêu phàm làm đại diện để đàm phán hợp đồng sao cho quyền lợi của mình không hề bị sứt mẻ, kể cả khi chấn thương. Tóm lại, Ben Arfa đã phải chấp nhận mọi rủi ro trong bóng đá đỉnh cao và đã được bóng đá đỉnh cao đền bù thỏa đáng. Hàng chục ngàn đồng nghiệp của anh cũng đều như thế cả. Có ai buộc họ phải chơi bóng đâu?

Bỗng dưng các quan D’Hooghe và Van Seggelen nhảy vào một cuộc tranh luận vô nghĩa, chỉ để chứng tỏ rằng họ không xứng tầm với các vị trí chóp bu trong thế giới bóng đá nhà nghề mà họ đang nắm giữ.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.