Thầy nào dám lên thay ông Miura

28/01/2016 13:12 GMT+7

Chiếc ghế của HLV Miura sau vòng chung kết U.23 châu Á đang khiến Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) phải lao vào một vòng luẩn quẩn mới là tìm thầy cho các đội tuyển quốc gia.

Chiếc ghế của HLV Miura sau vòng chung kết U.23 châu Á đang khiến Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) phải lao vào một vòng luẩn quẩn mới là tìm thầy cho các đội tuyển quốc gia.

HLV Miura đã hết bài với bóng đá Việt Nam - Ảnh: Mai Nhung
Từ sau cuộc chia tay với HLV Calisto hậu AFF Cup 2010, bóng đá Việt Nam luôn hối hả chọn thầy mà không thấy lối ra.

Cho đến bây giờ vẫn còn nhiều người tiếc HLV Calisto không còn gắn bó với bóng đá Việt Nam sau chức vô địch AFF Cup 2008 vì quá chạy theo thành tích của VFF mà đánh mất mình. Kể từ ấy, VFF rơi vào khủng hoảng trầm trọng vì “bói” mãi không tìm ra người khác dẫn dắt các đội tuyển quốc gia một cách hợp lý hơn.

Thời của Falko Goetz nhanh chóng chìm vào quên lãng dù VFF lúc đặt bút ký hợp đồng với một ông thầy bằng cấp đầy mình và đặt nhiều niềm tin thì khi vào cuộc chơi thật ở SEA Games 2011 mới biết đá biết vàng. 

Còn nhớ hồi ấy VFF sa thải HLV Goetz, cả cái Hội đồng HLV quốc gia mới ngã ngửa biết rằng, họ không được mời tham vấn thuê HLV và cũng không hề giám sát hay tư vấn gì về cách làm của thầy ngoại. Lần đó, chịu trách nhiệm lớn nhất còn có Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn vì chịu không nổi sức ép đã tự nguyện xin rời ghế về lại Tổng cục TDTT.

Trở lại chuyện của ông Miura bây giờ. Việc chia tay với VFF chỉ còn là thời gian vì sau gần hai năm ông lật bài ngửa cả rồi.

Cái chính là ai sẽ thay ông Miura để làm tốt hơn cho bóng đá Việt Nam là một câu hỏi không dễ trả lời của VFF. 

Gần đây lại có một số hiến kế cho thầy nội lên nắm các đội tuyển quốc gia nhằm tận dụng chất xám có sẵn và hiểu cầu thủ hơn là tốn tiền mời thầy ngoại.

Thực chất có rất nhiều HLV, chuyên gia bóng đá nội phân tích rất cặn kẽ và chỉ ra nhiều cái sai, sự bất hợp lý của đồng nghiệp Miura nhưng họ chưa bao giờ sẵn sàng dám ngồi lên chiếc ghế nóng.
HLV Nguyễn Hữu Thắng nổi lên như ứng cử viên sáng giá thay thế ông Miura - Ảnh: Khả Hòa
Cũng đã từng có thời VFF trọng dụng thầy nội nhưng rồi chẳng ai để lại dấu ấn gì khi chưa thể thoát ra khỏi quan niệm “bụt chùa nhà không thiêng” hay “áo mặc sao qua khỏi đầu”. Chẳng hạn, HLV Phan Thanh Hùng hồi chuẩn bị AFF Cup 2012 đã không thể toàn tâm toàn ý cho các đội tuyển khi ông phải quán xuyến công việc ở Hà Nội T&T. 

Vấn đề lớn hơn không chỉ là ông phải chịu nhiều sức ép gấp nhiều lần thầy ngoại để không bị mang tiếng “quân anh, quân tôi” mà còn là những chỉ tạo áp đặt từ trên xuống. Có khi ông phải bỏ đội tuyển sắp sửa lên đường đá giải chỉ để bay ra Hà Nội báo cáo tình hình với cấp trên rồi lật đật trở về với cầu thủ.

HLV Phan Thanh Hùng không thành công, người kế thừa Hoàng Văn Phúc cũng thất bại với những lý do gần giống với tiền nhiệm. Thậm chí, ông Phúc còn bị “hạ thấp” một cách đau đớn khi người ta quyết định kỷ luật ông ở giải giao hữu BTV Cup và mãi đến gần SEA Games 2013 mới hồi chức.

Nhắc lại một số chuyện cũ về thầy nội để nhấn mạnh rằng, cửa cho các HLV trong nước lên nắm các đội tuyển quốc gia rất hẹp. Đấy là chưa kể đến cách mời của VFF thường chưa trọng thị và chế độ đãi ngộ thiếu tương xứng với công sức của họ.

Chuyện mời thầy ngoại thay ông Miura thì lâu nay ai cũng thấy VFF làm theo kiểu… hên xui và chẳng khác gì thầy bói xem voi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.