Thủ môn giỏi và người đại diện

25/10/2010 09:14 GMT+7

Người ta nói rằng thủ môn giỏi – nhất là các thủ môn Nam Mỹ – thường có… máu điên. Cho đến nay, vẫn chưa ai bắt kịp “chiến tích” kỳ lạ của thủ môn Peru Ramon Quiroga, khi anh này lĩnh thẻ vàng vì chơi xấu ngôi sao Ba Lan Grzegorz Lato… trên phần sân đối phương, tại World Cup 1978.

Người ta nói rằng thủ môn giỏi – nhất là các thủ môn Nam Mỹ – thường có… máu điên. Cho đến nay, vẫn chưa ai bắt kịp “chiến tích” kỳ lạ của thủ môn Peru Ramon Quiroga, khi anh này lĩnh thẻ vàng vì chơi xấu ngôi sao Ba Lan Grzegorz Lato… trên phần sân đối phương, tại World Cup 1978.

Thủ môn Chi-lê Roberto Rojas tự… rạch mặt để ngụy tạo chấn thương hòng làm cho trận Brazil – Chi-lê ở vòng loại World Cup 1990 phải chấm dứt sớm. Thủ môn Rene Higuita, biệt danh El Loco (tức “gã điên”) của Colombia thì lại muốn làm tiền vệ, đến nỗi thua đau tại World Cup 1990. Đấy chỉ là một vài trong rất nhiều ví dụ về máu điên của các thủ môn Nam Mỹ.

Người ta cũng nói rằng trong giới bóng đá thì đáng ghét nhất không phải là cầu thủ, HLV, bác sĩ, săn sóc viên, chủ tịch CLB, hay thậm chí trọng tài. Nhân vật đáng ghét nhất trong giới bóng đá chính là những “quý ông 10%”, tức các tay đại diện có thể ăn mòn những núi tiền khổng lồ của bóng đá nhà nghề. Ngay đến “người đặc biệt” Jose Mourinho tưởng như không biết sợ ai rút cuộc cũng phải sợ các tay đại diện. Gần đây, cả thế giới té ngửa, “việt vị” khi trót phóng bút về chuyện Wayne Rooney khước từ M.U, rút cuộc đành ngỡ ngàng khi thấy Rooney ký tiếp hợp đồng 5 năm với M.U. Không phải ngài Alex Ferguson với quyền lực tối thượng tại Old Trafford, cũng không phải chính Rooney, mà là chính giới đại diện khuynh đảo sự kiện nổi đình nổi đám này.

Có thật là các thủ môn Nam Mỹ vẫn điên, và giới đại diện vẫn cứ đáng ghét? Vụ ẩu đả giữa Jose Luis Chilavert và Pablo Seijas tại phi trường Silvio Pettirossi ở Paraguay mới đây cho thấy hình như cả hai “triết lý” nêu trên đều đang tỏ rõ giá trị. Chilavert là cựu thủ môn đội tuyển Paraguay, và… vâng, chúng ta không cần giới thiệu thêm nữa về cái tên này. Còn Seijas là ai? Khi nghe nói anh chàng liên tục hứng lấy những cú thôi sơn của Chilavert ngay giữa thanh thiên bạch nhật là một nhà đại diện trong bóng đá, đám đông lập tức… tản ra, không can nữa.

Hành động đấm người ngay giữa bàn dân thiên hạ của Chilavert là điên đến 9 phần rồi. Thế còn Seijas? Cũng là điều đáng suy nghĩ khi ông này bị đánh mà những người xung quanh lại tỏ thái độ bàng quan. Ở đồn cảnh sát, Seijas giải thích nguyên nhân bằng đúng khẩu khí của loại “quý ông 10%”: Chilavert yêu cầu ông ta thanh toán một phần chi phí trong vụ môi giới chuyển nhượng các cầu thủ Rolando Zarate sang Mexico và Sebastian Romero sang Hy Lạp. Seijas không chịu trả tiền vì cho rằng Chilavert không liên quan gì đến những vụ chuyển nhượng ấy. Phần mình, Chilavert nói anh đánh Seijas vì bị đối phương miệt thị là “gã Paraguay chết đói”.

Thực hư thế nào chúng ta không biết, cũng chẳng cần biết. Nhưng rõ ràng: nhà đại diện bị đánh vì một lý do liên quan đến chuyện tiền nong trong lĩnh vực chuyển nhượng, còn hành động choảng nhau giữa chốn đông người của cựu thủ môn Paraguay là hành động mà người bình thường không làm. Quá đúng với bản chất của họ rồi!

Câu chuyện chẳng hề liên quan đến các vấn đề chuyên môn của bóng đá, nhưng nó làm cho đời sống bóng đá thêm phần sinh động. Chứ theo dõi bóng đá mà cứ quanh quẩn với các trận đấu như Real – Milan thì mãi cũng nhàm. Ít ra, vụ Chilavert đánh tay đại diện ở Paraguay cũng không nặng nề, nhàm chán như chuyện đi hay không đi của Wayne Rooney ở M.U. Nếu không phải là fan ruột của M.U, bạn có thể cười khẩy: “Rooney là cái thá gì mà quan trọng thế?”.

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.