Trên lối bộ hành ở Cape Town

04/07/2010 01:05 GMT+7

Hôm qua là một ngày tưng bừng ở thành phố đất mũi Cape Town, với bóng đá, bóng đá và bóng đá.

Kèn vuvuzela được làm riêng cho trận Argentina gặp Đức, bán với giá 50 - 100 rand mỗi chiếc - Ảnh: Đ.H

Hôm qua là một ngày tưng bừng ở thành phố đất mũi Cape Town, với bóng đá, bóng đá và bóng đá.

Buổi sáng sớm, trở về Cape Town sau một chuyến xe đò đầy sóng gió từ Port Elizabeth, tôi đã không khỏi bỡ ngỡ trước không khí tưng bừng nơi đây, dù mới xa thành phố có một ngày và hai đêm. Từ rất xa, tôi đã thấy trên đồi Mông Sư Tử - hay còn gọi là đồi Tín Hiệu (Signal) - một lá cờ Đức to tướng, phủ một mảng sườn đồi. Có lẽ đêm qua một nhóm cổ động viên Đức đã phóng lên trên kia để “phô trương hình ảnh” trước trận thư hùng giữa đội tuyển của họ với Argentina.

Từ nhà ga xe lửa, một lối đi bộ dành cho cổ động viên dài chừng 2 km đã được thiết lập, nối trung tâm với sân vận động. Lối đi này, cùng với sân đấu Cape Town và khu xem truyền hình công cộng, là những điểm chính của ngày hội bóng đá hôm qua.

Có xe buýt của Ban tổ chức địa phương đón lên sân, nhưng tôi vẫn thích cuốc bộ cùng các cổ động viên trên chặng đường ấy, mà nhiều người gọi là con đường hội hè. Hòa vào dòng cổ động viên cuồn cuộn, người ta mới có dịp cảm nhận hết cái không khí tưng bừng của World Cup, mới có dịp lắng nghe hoặc chứng kiến những câu chuyện của họ.

Trên chặng đường chừng 2 km ấy, hàng quán mở cửa từ rất sớm, với khách hàng nườm nượp. Ngoài những quán đã đóng ở đấy từ lâu là những cửa hiệu mới được dựng lên để kinh doanh trong mùa World Cup. Hàng hóa đủ thứ, một chiếc kèn vuvuzela quấn cườm tạo hình cờ Argentina hoặc Đức giá từ 50 rand (khoảng 124.000 đồng) đến 100 rand tùy kích cỡ. “Mua đi anh. Vuvuzela thì đâu cũng có, nhưng đây là hàng sản xuất tại Cape Town, có khắc chữ Cape Town”, chị chủ quán Selana Chris mời tôi. Tôi hỏi: “Người mua có đông không?”. “Rất đông, những ngày có trận đấu không đủ hàng để bán. Không chỉ vuvuzela mà khăn, áo, tóc giả cũng được ưa chuộng. Anh thấy đấy, cả dãy quán kéo dài hàng trăm mét vậy mà quán nào cũng cháy hàng cả”, chị đáp. Hàng bán chạy, nhưng vốn bỏ ra cũng không nhỏ. Để thuê những chỗ kinh doanh này, những người như chị phải bỏ ra số tiền tương đương 4.000 - 5.000 USD, và tất nhiên, quán chỉ hoạt động trong những ngày có trận đấu.

Bên cạnh các cửa hiệu đồ lưu niệm, đồ cổ vũ, nhiều hàng quán ăn nhậu cũng mọc lên. Đủ thứ bia, từ bia tươi đến bia lon, từ Castle đến Black Label, thức ăn thì tràn ngập: thịt cừu, bò, xúc xích. Tín đồ bóng đá tha hồ mà vẫy vùng ở chốn này, giữa những lúc khản cổ vì la hét và phấn khích.

Trên con đường bộ hành dẫn tới thánh đường bóng đá đó, tôi còn gặp nhiều nhóm nhạc bắt đầu “bày hàng”. Những dàn âm thanh đồ sộ, những chiếc đàn guitar, trống, organ… được bày ra chuẩn bị cho một ngày sôi động. “Các anh chơi nhạc ở đây để làm gì?”, tôi tò mò. “Cho vui ấy mà. Nhóm chúng tôi gồm những tay chơi nghiệp dư, nhân dịp này góp thêm chút âm thanh cho ngày hội thêm sôi động”, anh chàng Antonio Ruer nói. Chưa lắp xong dàn âm thanh, nhưng ban nhạc của anh Ruer đã bị một nhóm cổ động viên Argentina vây lấy, đòi chơi thử.

Xen giữa các hàng quán và nhóm nhạc, nhiều chàng trai cô gái với bộ cọ, hộp màu trên tay rao lớn: “Vẽ mặt đây! Vẽ mặt đây! Miễn phí! Miễn phí!”. Những khuôn mặt rạng ngời, sạch sẽ  chìa ra, và ngay lập tức người ta kẻ lên đó những lá cờ Đức và Argentina rực rỡ, những trái tim và những thông điệp cổ vũ vui vui. “Sao chị không kiếm tiền từ việc làm này?”, tôi hỏi cô gái trẻ Martina Hartelan. “Bỏ chút công sức để cho mọi người cùng vui. Tôi không vào sân, nhưng những cổ động viên kia sẽ mang các tác phẩm của tôi vào sân. Góp một chút để mọi người đến đây không bao giờ quên thành phố này”, cô đáp, trong khi đang loay hoay vẽ lá cờ Đức lên mặt một cậu bé. Chú nhóc này là người Cape Town, nhưng chọn ủng hộ đội tuyển Đức vì mê Miroslav Klose.

Lời của Hartelan đã nói lên phần nào những nỗ lực, tự nguyện và âm thầm, của mỗi người dân Nam Phi để cho hình ảnh đất nước được đẹp trong mắt du khách và không chỉ trong dịp World Cup. Ban đầu, giữa những thông tin về bất an, về những hiểm nguy rình rập, tôi cũng như nhiều người đến với ngày hội bóng đá ở Nam Phi luôn mang trong mình tâm trạng âu lo, thấp thỏm và luôn ra đường với một tư thế đề phòng. Thì bây giờ, trước sự mến khách của người dân, mỗi người chúng tôi đã có thể hòa nhập cuộc chơi một cách tự nhiên hơn. Cùng cuốc bộ với dân bản địa, lang thang ở các khu chợ trời, nhà ga xe lửa và khi cần thì cùng hát hò, chụp ảnh chung với dân địa phương. Hình ảnh của đất nước Nam Phi từ đó đã đổi thay theo chiều hướng đẹp hơn trong mắt du khách, đặc biệt là cánh nhà báo tới dự World Cup. Mới đây, thông qua một cổng thông tin, Chính phủ Nam Phi đã lấy ý kiến du khách quốc tế và sự phản hồi cho thấy hơn 80% du khách cho biết họ ngạc nhiên thú vị với những trải nghiệm ở đất nước này, trước sự hiếu khách của người dân nơi đây.

Cảm phục trước sự cởi mở và nhiệt tình của những người như Hartelan, tôi quyết định… làm phiền: “Chị vẽ mặt cho tôi được chứ?”. “Tại sao không? Anh muốn vẽ gì nào?”, cô gái sôi nổi. “Ba lá cờ, một Đức, một Argentina và một Nam Phi. Nhưng vẽ nho nhỏ thôi nhé”, tôi đề nghị. “Ồ, sao nhiều thế?”, Hartelan vừa cười vừa hỏi. Tôi đáp rằng tôi thích cả hai đội bóng trong trận đấu vào buổi chiều nên quyết định… ủng hộ cả hai, và nữa, những con người như chị đã làm tôi trở thành cổ động viên của Nam Phi rồi, tất nhiên không đơn thuần chỉ là bóng đá. 

Đỗ Hùng
(từ Cape Town)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.