Triết lý của Platini: Bảo vệ cuộc chơi

29/04/2010 08:50 GMT+7

Khi tôi còn trẻ, tôi nhìn thấy vài người không có tiền mà mua được xe hơi hiệu Ferrari. Và có xe thì họ có thể có những cô gái đẹp nhất vây quanh.

Khi tôi còn trẻ, tôi nhìn thấy vài người không có tiền mà mua được xe hơi hiệu Ferrari. Và có xe thì họ có thể có những cô gái đẹp nhất vây quanh.

Điều đó rõ ràng là không đúng, nhưng nó đang xảy ra trong bóng đá: bạn không có tiền, bạn vẫn có thể có được những cầu thủ tốt và giành được các danh hiệu. Đó là sự lừa dối. Michel Platini, chủ tịch UEFA, đã kể câu chuyện như vậy để viện dẫn đến trường hợp của Portsmouth, CLB Anh đang đứng bên bờ vực phá sản.

Như vậy, một lần nữa Platini lại chỉ trích, lên án bóng đá Anh, lại đào sâu những thù oán giữa ông với người Anh? Nếu bạn gõ cụm từ “Michel Platini” vào website tìm kiếm Google thì một trong những gợi ý đầu tiên của website này sẽ là “Michel Platini hates England” (M.P ghét nước Anh) chứ không phải là “Michel Platini UEFA President” (M.P chủ tịch UEFA) hay “Michel Platini European Footballer of the Year” (M.P cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu trong năm). Điều đó có nghĩa là trong suốt 3 năm qua, từ khi Platini lên ngồi ghế chức chủ tịch UEFA, luận điệu “Platini ghét nước Anh” được phát đi phát lại trên các phương tiện truyền thông.

Nhưng sự thật thì Platini không ghét người Anh, không chống lại bóng đá Anh. Câu chuyện ông nói ở phần mở đầu trên cho thấy ông ghét sự lừa dối, sự thiếu công bằng, và ở vị trí của người đứng đầu làng bóng đá châu Âu, ông phải làm mọi cách để đảm bảo những thứ đó không xảy ra trong bóng đá châu Âu. Và thật buồn là giải Premier League không chỉ có mỗi Portsmouth lâm vào tình trạng cùng kiệt, nhiều CLB khác cũng đang nợ như chúa Chổm, trong đó có cả các đội giàu truyền thống nhất M.U, Liverpool...

Bóng đá châu Âu đã thay đổi nhiều từ 15 năm qua, khi luật Bosman ra đời, sau đó là các hợp đồng truyền hình khổng lồ và các khoản tiền kếch sù đầu tư vào bóng đá của các trùm tài phiệt. Tất cả những điều đó khiến sự lạm phát trong bóng đá tăng đến độ chóng mặt. “Chúng ta như quả bóng đang căng ra tới mức chuẩn bị nổ tung, tôi phải tháo bớt hơi của nó”.

Người ta thường ca ngợi người tiền nhiệm của Platini, ông Lennart Johansson, người đã mang lại sự thịnh vượng cho bóng đá. Và người ta coi thường những hành động “tháo hơi” của Platini. Điều đó rõ ràng là thiếu công bằng. Nếu Platini không cho “tháo hơi” quả bóng này bây giờ thì đến khi nó nổ tung, lúc đó ông mới là kẻ đáng bị nguyền rủa.

Vấn đề tài chính thiếu lành mạnh, làm ăn thua lỗ không chỉ xảy ra ở bóng đá Anh, mà còn xảy ra ở nhiều nước tại châu Âu. Và Platini muốn ngăn chặn nó trên diện rộng. Bộ luật về tài chính lành mạnh mà UEFA dự tính thực hiện vào mùa giải 2012-13 đâu chỉ áp dụng ở mỗi nước Anh, nó áp dụng trên toàn châu Âu. Vì thế, không thể nói Platini chống bóng đá Anh.

Ngoài vấn đề tài chính, Platini còn phải lo rất nhiều việc khác: bạo lực gia tăng trên các khán đài, tệ phân biệt chủng tộc, doping, dàn xếp tỷ số, tệ “câu trộm” cầu thủ trẻ của các CLB lớn. Ông đáng được ca ngợi vì mạo hiểm đối mặt với các vấn đề đó thay vì lờ đi. “Công việc của tôi, một chủ tịch UEFA, là bảo vệ cuộc chơi. Triết lý của tôi là bảo vệ”. Và Platini đã chọn rất đúng triết lý làm việc cho mình vào thời kỳ này: Bảo vệ cuộc chơi. Chứ ông không có thời gian để chống đối lại ai hết.

Đinh Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.