Từ đâu ra, lứa trẻ của Đức?

21/07/2010 09:06 GMT+7

Dĩ nhiên là từ 2 nguồn chủ yếu mà bất cứ nền bóng đá hùng mạnh nào cũng có. Đó là hệ thống đào tạo trẻ của các CLB và hệ thống phát triển bóng đá trẻ của LĐBĐ quốc gia.

Dĩ nhiên là từ 2 nguồn chủ yếu mà bất cứ nền bóng đá hùng mạnh nào cũng có. Đó là hệ thống đào tạo trẻ của các CLB và hệ thống phát triển bóng đá trẻ của LĐBĐ quốc gia.

Trong lứa trẻ cực kỳ xuất sắc vừa được đội Đức giới thiệu trên sân cỏ Nam Phi vừa qua thì Dennis Aogo, Stefan Kiessling, Mario Gomez, Toni Kroos vươn lên từ các trung tâm bóng đá trẻ do LĐBĐ Đức (DFB) thành lập. Jerome Boateng, Thomas Mueller, Mesut Oezil, Sami Khedira thì xuất thân từ lò trẻ của các CLB ở Bundesliga.

Có 6 cầu thủ trong thành phần đội Đức lọt vào bán kết World Cup 2010 (Aogo, Khedira, Oezil, Boateng, Neuer, Marko Marin) vừa vô địch giải U.21 châu Âu ngay trong mùa hè năm ngoái.

Vấn đề đặt ra: Đức có hệ thống đào tạo trẻ cấp quốc gia thì Anh hoặc Pháp cũng có. Người ta đã nghe nói đến trung tâm Clairefontaine nổi tiếng của bóng đá Pháp từ hơn chục năm về trước, chứ ít ai nghe nói nước Đức có trung tâm đào tạo trẻ nổi tiếng nào. Lò trẻ cấp CLB cũng vậy. Chưa bao giờ các CLB Đức nổi tiếng là có “lò trẻ” danh tiếng trong bóng đá đỉnh cao. Người ta chỉ biết đến các “lò” nổi tiếng của Ajax Amsterdam, Barcelona, hoặc khoảng chục “lò” bên Anh, trong đó West Ham danh tiếng chỉ là một trong rất nhiều ví dụ.

Mới hay, có nơi đào tạo trẻ là một chuyện. Quan điểm trong cách sử dụng cầu thủ trẻ lại là chuyện khác. Và do vậy, cần phải nói lại: đội tuyển Đức có một lứa trẻ tuyệt vời, vào đến bán kết World Cup, không phải nhờ các “lò trẻ” cấp CLB, cũng không nhờ vào hệ thống phát triển bóng đá trẻ của LĐBĐ Đức. Nguyên nhân lớn nhất là nhờ vào quan điểm phải phát triển bóng đá trẻ của Đức. Anh hoặc Pháp cũng có đủ các cơ sở mà Đức có được, nhưng họ không có quan điểm trẻ hóa lực lượng nên thất bại.

Quan điểm trẻ hóa lực lượng của bóng đá Đức đến từ thất bại của chính họ. Đội Đức do Franz Beckenbauer xây dựng từ sau Euro 1984 đã đoạt chức vô địch World Cup 1990. Nhưng bóng đá Đức cứ dùng mãi lực lượng ấy, để phải chấp nhận thất bại nhục nhã trước Bulgaria và Croatia ở 2 kỳ World Cup liền ngay sau đó. Đức cúi đầu chia tay World Cup 1998 với trận thua 0-3 trước Croatia. Và 2 năm sau, họ lại chia tay Euro 2000 ngay sau vòng bảng vì thua đội hình 2 của BĐN, thua các cầu thủ xoàng xĩnh chỉ được ra sân trong hoàn cảnh BĐN đã có vé vào tứ kết.

Horst Hrubesch khóc sau những thất bại tủi nhục ấy. Mãi đến năm ngoái, người ta mới được chứng kiến nước mắt của Hrubesch lần nữa, nhưng là nước mắt hạnh phúc, khi Đức vô địch châu Âu ở cả 3 cấp độ trẻ: U.17, U.19, U.21. Hrubesch khóc vì ông đã thấy rõ tương lai tươi sáng của bóng đá Đức, không chỉ ở World Cup 2010. Đức không chỉ có Oezil, Mueller, Khedira, Marin, Boateng, Aogo, Neuer mà còn có 2-3 thế hệ liền sau đó nữa (chúng ta chỉ việc chờ xem). Nhưng xin nhắc lại: Đức có được thế hệ trẻ xuất sắc như bây giờ là nhờ quan điểm trẻ hóa, nhờ các thất bại cay đắng trong nửa sau của thập niên 1990. Tây hay ta cũng vậy thôi, hệ thống đào tạo trẻ thì ở đâu cũng có. Thành công nằm ở suy nghĩ chứ không nằm ở các trung tâm đào tạo trẻ, vốn chỉ cần có tiền là xây được.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.