Từ vụ "bán lúa non thế kỷ"

28/12/2011 16:15 GMT+7

(TNO) Nếu lâu nay người ta bất bình với VTV ở cách ứng xử nhiều khi cửa quyền hay “khệnh khạng” của đài này với bản quyền truyền hình bóng đá, thì bây giờ mọi người té ngửa ra vì có một nhà đài còn “hắc xì dầu” hơn cả VTV trong lĩnh vực này, đó là nhà đài AVG.

(TNO) Việc ban lãnh đạo VFF nhiệm kỳ này bán bản quyền truyền hình cho AVG - nhà đài mà chưa ai biết mày ngang mũi dọc - độc quyền truyền hình trong vòng 20 năm cả hai giải bóng đá lớn nhất quốc gia là giải V.League và giải hạng Nhất, có thể coi là cuộc “bán lúa non thế kỷ”.

Chính vì cuộc “bán lúa non vĩ đại” ấy mà khi chỉ còn mấy ngày nữa chính thức khởi tranh mùa giải bóng đá 2011-2012 tại Việt Nam (VN), cả 3 đài truyền hình lớn nhất VN là VTV, VTC, HTV (TP.HCM) vẫn chưa biết mình có được quyền truyền hình các trận đấu mà mình cho là hay nhất mỗi vòng đấu hay không ?

Chuyện cạnh tranh bản quyền truyền hình, nhất là truyền hình bóng đá bây giờ là chuyện đương nhiên. Nhưng nếu lâu nay người ta bất bình với VTV ở cách ứng xử nhiều khi cửa quyền hay “khệnh khạng” của đài này với bản quyền truyền hình bóng đá, thì bây giờ mọi người té ngửa ra vì có một nhà đài còn “hắc xì dầu” hơn cả VTV trong lĩnh vực này, đó là nhà đài AVG.

Không cần tỏ ra “ta đây kẻ giờ”, họ âm thầm… mua đứt bản quyền truyền hình bóng đá VN trong suốt 20 năm, như kiểu các nhà buôn bất động sản mua đất nền, sau đó họ “thành kính phân lô” và… bán lại. Gần 40 đài địa phương được AVG “tình cho không biếu không” phát sóng trực tiếp các trận bóng ở V.League và hạng Nhất, với một điều kiện nhỏ: phải phát nguyên chương trình do AVG sản xuất, kèm cả logo và quảng cáo của đài này trong suốt trận đấu.

Đó là một nước cờ cao, khi AVG dùng các đài địa phương vốn không có tham vọng quảng cáo trong các trận bóng VN mà họ truyền lại, để “đối đầu” với 3 nhà đài lớn luôn có nhu cầu và khả năng quảng cáo mạnh mẽ trong các trận bóng, nhất là những trận bóng hay.

Có thể do “khệnh khạng” hóa chậm chân, nên đài truyền hình quốc gia VTV đã lần đầu tiên “về sau”, không thể chủ động trong việc truyền sóng các trận bóng đá V.League phục vụ người xem cả nước. Đó là thiệt thòi hết sức lớn cho người xem, và cũng không hề là lợi thế của VTV, ít nhất là trong lĩnh vực truyền hình bóng đá giải vô địch quốc gia VN này.

Nhớ hồi năm ngoái, K+ cũng từng dùng “độc chiêu” này để “thôn tính” giải Ngoại hạng Anh, khiến các đài khác như VTC hay HTV (TP.HCM) và HTV (Hà Nội) đành ngậm đắng nuốt cay “ngồi ngoài” ở những trận cầu Super Sunday - ngày chủ nhật. Mà K+ là ai ? Cái này thì VTV quá rõ!

Dùng đúng chiêu thức cũ của K+, AVG đã “thôn tính” để độc quyền truyền hình giải bóng đá quốc gia VN. May là AVG đã gặp một đối tác quá “thoáng” là VFF nhiệm kỳ này, đã không chỉ bán bản quyền nhiệm kỳ mình trách nhiệm, mà “bán hộ” luôn cho ít nhất là 3 nhiệm kỳ sắp tới của VFF.

Cú “bán lúa non” ấy không biết có mang lại lợi ích gì cho bóng đá VN không, nhưng đã khiến người hâm mộ bóng đá VN có cơ không thể xem miễn phí các trận cầu mình yêu thích tại V.League.

Trong cái gọi là “trận chiến bản quyền truyền hình” này, chỉ có người xem vô tư là chịu thiệt. Trong khi bóng đá VN lại đang rất cần người xem, kể cả xem miễn phí, chứ chưa phải là “mặt hàng ăn khách” để bán cho truyền hình.

Tôi nghĩ chưa chắc AVG đã thu lợi được nhiều từ chiêu độc quyền truyền hình này, nhưng có lẽ họ muốn “dạy một bài học” về kinh doanh cho những ai đó. Có điều, “ai đó” ở đây không gồm người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Thanh Thảo

>> VPF sẽ ký lại bản quyền truyền hình với AVG?
>> Bài toán truyền hình của VPF
>> “Dứt khoát phải chống được tiêu cực bóng đá”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.