Tương lai rộng mở cho bóng đá trẻ VN

27/03/2010 09:16 GMT+7

Chuyện cầu thủ Nguyễn Thái Sung giành được suất đi đào tạo dài hạn 3 năm tại Qatar mang đến niềm vui không chỉ cho riêng em và gia đình mà còn cho các cấu thủ nhí VN. Không phải ngẫu nhiên mà Sung lại được chọn.

Chuyện cầu thủ Nguyễn Thái Sung giành được suất đi đào tạo dài hạn 3 năm tại Qatar mang đến niềm vui không chỉ cho riêng em và gia đình mà còn cho các cấu thủ nhí VN. Không phải ngẫu nhiên mà Sung lại được chọn.

Hồi tháng 1.2010, khi tháp tùng bộ ba Sung-Đặng Anh Tuấn-Ma Văn Tuấn của Đà Nẵng sang học viện Aspire thi với các cầu thủ trạc tuổi 16 nhưng có thể hình to cao, sức mạnh cơ bắp cuồn cuộn, ban đầu tôi cũng thoáng lo.

 Nhưng khi xem các buổi kiểm tra của cầu thủ VN với các cầu thủ cạnh tranh từ Kenya, Cameroon, Nigeria, Bờ Biển Ngà, Paraguay, Costa Rica hay Thái Lan, tôi thấy cầu thủ VN không hề kém. Lúc đó do Anh Tuấn bị chấn thương lưng và Ma Văn Tuấn vừa mới hết cảm nên trạng thái thể lực không được tốt, nhưng bù lại Thái Sung đã làm ngạc nhiên hội đồng tuyển chọn khi càng chơi càng chứng minh được cầu thủ trẻ VN đến với sân chơi Aspire không phải chỉ để đi dạo. Sung đã thể hiện những phẩm chất kỹ thuật, những động tác khéo léo, đặc biệt là tư duy chiến thuật ấn tượng.

Chính điều đó giúp anh lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển trạch đến từ Barcelona. Với thắng lợi này của Thái Sung, chân trời mới đang mở ra trước mắt anh khi vừa nhận được tiền học bổng vừa có cơ hội phát triển tài năng tại Qatar để hy vọng trong 3 năm tới, Sung biết đâu sẽ trở thành cầu thủ có giá trị chuyển nhượng cao nhất của VN, được chơi ở những nước có nền bóng đá phát triển cao.

Từ chuyện Thái Sung mới thấy bóng đá  trẻ VN rất nhiều tiềm năng, có nhiều cơ hội phát triển nếu có sự đầu tư đúng đắn. Năng khiếu, phẩm chất ban đầu là một chuyện, cái chính là phải có người phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo để thành tài.

Trong thời gian qua đáng mừng là hàng loạt trung tâm đào tạo trẻ bóng đá ra đời theo chủ trương xã hội hóa của Chính phủ để tiếp sức với nhà nước trong việc sản sinh ra lứa cầu thủ trẻ có triển vọng. Đi đầu chính là Hoàng Anh Gia Lai. Bầu Đức đã không tiếc tiền xây dựng học viện rất bề thế và hợp tác với CLB danh tiếng Arsenal để đào tạo cầu thủ trẻ. Chính những gương mặt được tuyển chọn từ hơn 40 tỉnh thành tập trung về Hàm Rồng huấn luyện trong 7 năm hứa hẹn sẽ tạo ra một lớp cầu thủ có chất lượng.

Rồi đến Trung tâm đào tạo trẻ thuộc quỹ đầu tư phát triển bóng đá VN (PVF). Học viện này sinh sau đẻ muộn nhưng tỏ ra chắc chắn trong từng bước đi, bộ máy tuyển sinh đều là các cầu thủ tên tuổi một thời nên có con mắt rất tinh tường trong việc tìm kiếm tài năng. Thành quả ban đầu của lứa PVF chính là chức vô địch U.13 giải bóng đá hội khỏe Phù Đổng TP.HCM. Không dừng lại ở lứa đầu, PVF cũng học gương HAGL tuyển sinh rầm rộ tiếp đợt 2 và sẽ tiếp tục mài ngọc cho 50 cầu thủ nữa.

Bên cạnh đó còn là những trung tâm tư nhân khác như Scavi Rocheteau, VST hay Football Dreams sắp hình thành tại Long An cùng với lứa cầu thủ được các CLB V-League trực tiếp đào tạo cũng tạo nên một thế hệ mới say mê bóng đá, hết mình chinh phục quả bóng da và học được những đặc tính của một cầu thủ chuyên nghiệp

Vấn đề còn lại chính là bàn tay của VFF. Họ cần phải hỗ trợ các học viện đào tạo bằng những hành động thiết thực để các học viện này vận hành tốt hơn, để họ cho ra lò những tài năng đích thực cho nền bóng đá Việt Nam.

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.