UEFA chuẩn bị công diễn... hài kịch

15/05/2011 16:45 GMT+7

(TNO) Bạn lưu ý nhất điều gì khi mùa bóng 2010-2011 chuẩn bị khép lại? Dĩ nhiên, mỗi người sẽ có mỗi câu trả lời khác nhau, tùy theo sở thích.

Chủ tịch của UEFA - Michel Platini (giữa) - Ảnh: Reuters

(TNO) Bạn lưu ý nhất điều gì khi mùa bóng 2010-2011 chuẩn bị khép lại? Dĩ nhiên, mỗi người sẽ có mỗi câu trả lời khác nhau, tùy theo sở thích.

Nhưng gần như chắc chắn, sẽ không có ai nói rằng đây là mùa bóng cuối cùng của “thị trường tự do” trong bóng đá đỉnh cao. Bắt đầu từ mùa bóng tới, UEFA sẽ áp dụng quy định fair-play tài chính.

Nguyên tắc mấu chốt của quy định fair-play tài chính là một đội bóng kiếm được bao nhiêu tiền thì chỉ được chi tiêu bấy nhiêu tiền để mua sắm và trả lương cầu thủ. Thoạt nghe, có vẻ công bằng. Các đội làm ăn thua lỗ, nợ ngập đầu mà cứ vay tiền mua sắm ngôi sao, trả lương hậu hĩnh để có lực lượng hoành tráng hơn các đội chi tiêu hợp lý, từ đó chiếm luôn ưu thế trong các cuộc đua quan trọng, thì quả là điều bất công.

Vấn đề là ở chỗ: làm sao UEFA kiểm soát được sổ sách kế toán của các đội bóng, khi mà cảnh sát dù muốn điều tra tội phạm cũng không dễ được phép nhìn vào tài khoản hoặc sổ sách của các tập đoàn kinh tế lớn? Đấy chỉ mới là một câu hỏi nhỏ. Còn có cơ man những rắc rối khác. Một đội kiếm được rất nhiều tiền nhưng vẫn lỗ thì có được phép mua sắm nhiều hơn một đội kiếm rất ít tiền nhưng vẫn lời?

Bây giờ, hầu hết các bản hợp đồng “nặng ký” đều không có giá chuyển nhượng cụ thể. Đa số các đội trả trước một phần tiền chuyển nhượng, phần còn lại sẽ được trả theo thành tích cụ thể mà cầu thủ đóng góp cho đội bóng mới. Những khoản tiền ấy lại được trả trong 4 hoặc 5 năm.

Lại còn có chuyện, đôi khi người ta không tiết lộ giá chuyển nhượng. Cái giá ấy chỉ có những người trong cuộc tự biết với nhau, có khi còn được “phiên” thành những hình thức chi trả khác nhau. Còn khuya... UEFA của Michel Platini mới kiểm soát được sổ sách hàng năm của các đội bóng khổng lồ như AC Milan hoặc Real Madrid.

 
AC Milan - nhà vô địch Serie A mùa giải 2010-2011 là "đại gia" hiếm hoi bị lỗ ít - Ảnh: Reuters

Ở thời điểm UEFA chuẩn bị áp dụng quy định fair-play tài chính, báo chí công bố: AC Milan kiếm được 193,1 triệu bảng trong mùa bóng gần nhất (tức doanh thu), lỗ 8,8 triệu bảng. Barcelona kiếm được 325,9 triệu bảng, lỗ 79,6 triệu bảng. Chelsea kiếm được 205,8 triệu bảng, lỗ 70,9 triệu bảng. Manchester City kiếm được 125,1 triệu bảng, lỗ 121 triệu bảng. Manchester United kiếm được 286,4 triệu bảng, lỗ 83,6 triệu bảng! Hóa ra, các CLB vào loại giàu nhất thế giới đều không biết gì về cách kinh doanh, chỉ lỗ ít hoặc lỗ nhiều? Và họ sẽ bị UEFA trừng phạt bằng cách cấm dự các cúp châu Âu nếu không thay đổi?

Khó tin. Bảo quy định fair-play tài chính là trò hề cũng được. Và đấy chính là lý do vì sao sẽ có rất ít người thật sự quan tâm đến "vở kịch" mà UEFA quảng cáo ầm ĩ là đang chuẩn bị công diễn trong mùa bóng tới. Trước mắt, UEFA tuyên bố sẽ có bước đệm, khoảng 2-3 năm, để các đội thích nghi dần, trước khi quy định này được áp dụng một cách tuyệt đối.

Điều lố bịch nhất là ở chỗ: UEFA đe dọa cấm các đội mạnh dự Champions League (nếu không tuân thủ quy định của họ), nhưng UEFA lại từng run rẩy khi các đội mạnh dọa tách ra chơi riêng ở một giải mới gọi là Super League. Ai sẽ sợ ai?

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.