UEFA có quan tâm đến các đội nhỏ?

11/09/2010 08:54 GMT+7

Bồ Đào Nha sa thải HLV trưởng Carlos Queiroz sau cú khởi đầu bết bát, thua Na Uy và chỉ hòa Síp trên sân nhà trong khúc dạo đầu vòng loại Euro 2012.

Bồ Đào Nha sa thải HLV trưởng Carlos Queiroz sau cú khởi đầu bết bát, thua Na Uy và chỉ hòa Síp trên sân nhà trong khúc dạo đầu vòng loại Euro 2012.

Đấy là màn kịch vụng về, bởi HLV Queiroz đâu có cầm quân trong những trận ấy (do đang bị kỷ luật). Nhưng ở đây, chúng ta hãy nhìn từ một góc độ khác: chiến tích của Síp. Đâu là phần thưởng cho đội bóng bé xíu này khi họ làm cho đội mạnh Bồ Đào Nha mất toi 2 điểm, bằng cách ghi đến 4 bàn trên sân đối phương?

Chẳng có gì cả, dù đấy là kỳ tích mà các đội bóng nhỏ như Síp họa hoằn lắm mới làm được. Kết quả bất ngờ ấy chỉ đem lại phần thưởng, tức lợi thế quan trọng, cho Đan Mạch và Na Uy, trong cuộc đua với BĐN. Còn với Síp, 1 điểm lấy được tại BĐN sẽ không đưa họ đến Ukraine và Ba Lan dự VCK EURO 2012. Chắc chắn là vậy. Cũng giống như đội bóng nhỏ Liechtenstein, vừa thua Scotland 1-2 vì thủng lưới ở phút 90+7 trên sân đối phương. Giả sử Liechtenstein đứng vững thêm vài chục giây nữa, họ đã hoàn thành được cú bất ngờ động trời. Nhưng trong trường hợp ấy, Liechtenstein cũng chắc chắn không cải thiện được chút hy vọng nào trong cuộc đua vào VCK EURO. Hệ quả sẽ chỉ là các đối thủ chính của Scotland, như TBN, hưởng lợi mà thôi.

Tâm lý chung của giới hâm mộ bóng đá là ủng hộ đội yếu (trong trường hợp đội bóng yêu thích của họ không thi đấu trên sân). Mặt khác, sức hấp dẫn của môn bóng đá cũng đến từ những kết quả bất ngờ, khi đội yếu thắng hoặc không thua đối thủ mạnh. Có chút gì đấy không ổn, khi chiến công tạo ra bất ngờ thú vị của các đội bóng nhỏ gần như không đem lại điều gì có ý nghĩa cho các “tác giả”, không chỉ ở vòng loại EURO mà cả vòng loại World Cup cũng vậy.

Vả chăng, do gần như không có hy vọng tranh chấp nên không phải bao giờ các đội bóng nhỏ cũng vào cuộc với quyết tâm như nhau. Lối chơi và mục tiêu cũng vậy. Hình như vì “chấm” Scotland mà các cầu thủ Liechtenstein chơi rất quyết liệt trong trận đấu này. Có những pha vào bóng ác đến mức có thể chấm dứt sự nghiệp cầu thủ của đối phương, nếu tình huống xấu nhất xảy ra. Cố giảm thiểu thời gian bóng “sống” là một cách khác đã được đội tuyển Liechtenstein áp dụng. Còn khi bóng ở trong cuộc thì Liechtenstein cũng… không muốn đá. Họ không nỗ lực tấn công, chỉ ưu tiên duy trì tình trạng bóng thuộc về mình. Khi Scotland có bóng thì Liechtenstein “đỗ xe buýt”. Đấy là nguyên nhân vì sao Scotland suýt bị cầm hòa. Rõ ràng, Liechtenstein không đá như vậy khi gặp TBN (thua 0-4). Đội tuyển San Marino chẳng hề nỗ lực trong 2 trận vừa qua (thua 0-5 và 0-6). Đấy là vì họ gặp Hà Lan và Thụy Điển. Nhưng hãy đợi đấy. San Marino sẽ quyết chơi trận để đời khi gặp Hungary hoặc Phần Lan cho xem. Đấy mới là những trận đấu mà San Marino có thể làm nên bất ngờ, nếu thật sự quyết tâm.

Tóm lại, chính các đội bóng nhỏ đang làm cho cuộc đua giữa các đội trung bình và các đội mạnh trở nên lệch lạc. UEFA và FIFA nên tính toán sao đó để tránh tình trạng này, cũng để làm cho chiến thắng của các đội “tí hon” có ý nghĩa hơn. Lập ra một sân chơi riêng cho các đội nhỏ, như nhiều người từng đề nghị, chỉ là một trong nhiều ví dụ. Chẳng biết đây có phải là vấn đề đáng để các ông Sepp Blatter hoặc Michel Platini suy nghĩ hay không.

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.