UEFA và chuyện “thằng bé nói dối”

25/09/2010 08:40 GMT+7

Đáng lẽ UEFA tức trung tâm điều hành bóng đá châu Âu phải là nơi cuối cùng để giới hâm mộ bóng đá đặt trọn niềm tin, bởi nếu không có UEFA và thứ bóng đá đỉnh cao quanh năm diễn ra ở châu Âu, thì chẳng còn gì đáng xem trong môn thể thao vua nữa.

Đáng lẽ UEFA tức trung tâm điều hành bóng đá châu Âu phải là nơi cuối cùng để giới hâm mộ bóng đá đặt trọn niềm tin, bởi nếu không có UEFA và thứ bóng đá đỉnh cao quanh năm diễn ra ở châu Âu, thì chẳng còn gì đáng xem trong môn thể thao vua nữa.

FIFA bây giờ đã sặc mùi chính trị và thương mại rồi. Bóng đá châu Phi thì thối nát về mặt tổ chức đến nỗi người ta có thể đóng giả cả một ĐTQG đi thi đấu giao hữu. Bóng đá châu Á thì kém cỏi đến nỗi chẳng nghĩ ra được cách bầu chọn cầu thủ hay nhất châu lục sao cho không trở thành trò hề.

Giả sử bóng đá châu Âu - ở đẳng cấp cao nhất, như giai đoạn tranh ngôi vô địch Champions League hoặc Europa League, mà còn bị dàn xếp tỷ số, thì đấy thật sự là chỗ “tận thế” của bóng đá. Nếu là người hâm mộ bóng đá đích thực, bạn sẽ cảm thấy kinh hãi khi đọc những dòng sau đây: “CLB vĩ đại nhất nước Đức đã bị mafia mua chuộc. Cảnh sát xét nhà của các quan chức điều hành Bayern. Một triệu USD tiền mặt và một số lượng lớn cocaine bị phát hiện ở nhà của một cầu thủ”.

Tất nhiên, đấy là những chuyện quá xấu xa, quá kinh tởm để có thể trở thành hiện thực. Tạp chí Stern của Đức không thể tin vào may mắn của họ, khi có cơ sở để viết ra những nội dung như vậy. Dĩ nhiên, viết sai thì phải cải chính, thậm chí phải ra tòa và chịu mọi hình phạt, nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng tờ Stern không hề bị phạt.

Vậy thì chẳng lẽ chuyện về Bayern (nghi vấn bán độ ở trận thua Zenit St Petersburg 0-4 ở Cúp UEFA năm nào) là sự thật? Không phải như vậy. Bayern lập tức đâm đơn kiện UEFA, vì chính các quan chức UEFA đã cung cấp loại thông tin rác rưởi như vậy cho báo chí. Hóa ra, nhân vật Peter Limacher mà UEFA giao phó vai trò cực kỳ quan trọng – đứng đầu bộ phận chống tiêu cực, hợp tác với cảnh sát châu Âu để phanh phui các đường dây tội phạm bóng đá – đã phó thác việc điều tra cho một nhân vật người Croatia sống ở Munich, có tên là Robin Boksic. Toàn bộ nguồn tin mà Limacher có được là do Robin Boksic cung cấp, chẳng hề thông qua kiểm chứng. Chính quan chức Limacher nọ đã kể với tờ báo Stern và một công tố viên ở TBN về món tiền “gồm 8 chữ số được chuyển vào tài khoản Bayern”, về chuyện “tài khoản riêng của Uli Hoeness và (quan chức Bayern) Karl Hopfner bị cảnh sát điều tra”, và về “một cầu thủ bị phát hiện cất nhiều ma túy và tiền mặt ở nhà”…

Tóm lại, chính quan chức đứng đầu bộ phận chống tiêu cực của UEFA đã… nói dối toàn bộ, dù đấy là chuyện nói dối theo một nguồn tin sai. Chưa biết Bayern có quyết kiện tới cùng hay không, bởi UEFA đã thừa nhận sai, đã năn nỉ Bayern “sao lại giận dữ đến thế”, đã lớn tiếng tuyên bố khắp nơi rằng họ chẳng bao giờ nghi kỵ Bayern! Và UEFA đã sa thải nhân vật Robin Boksic nọ. Thật ra, Boksic chỉ là cộng tác viên. Sao UEFA không kỷ luật quan chức Limacher?

Vì sao quan chức Limacher (gọi là UEFA cũng được) nói dối? Thiên hạ mặc sức suy diễn. Chỗ tai hại nhất là như thế này: đã có một trận bán độ thì từ đó trở đi, người ta có thể hoài nghi bất cứ trận nào. Quan chức cao cấp của UEFA mà đã một lần nói dối thì từ đó trở đi, người ta sẽ chẳng bao giờ tin UEFA nữa. Giờ mà Bayern tha thứ, không kiện UEFA nữa, người ta liệu có nghi rằng đấy là vì chính UEFA hối lộ Bayern, theo kiểu “có ba trăm lạng vụ này mới êm”?

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.