V-League có tài trợ mới: Tiền vào nhà khó…

31/12/2014 06:59 GMT+7

(TNO) V-League giờ chót may mắn có nhà tài trợ ngoại Toyota nhảy vào sau nửa năm từ lời nhắc nhở đi tìm nguồn tiền khác của chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng.

(TNO) V-League giờ chót may mắn có nhà tài trợ ngoại Toyota nhảy vào sau nửa năm từ lời nhắc nhở đi tìm nguồn tiền khác của chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng.

>> Có nhà tài trợ 'khủng', VPF cam kết V-League 2015 không tiêu cực
>> Một trợ lý trọng tài không đủ... sức làm nhiệm vụ ở V-League 2015
>> Công Phượng và các đồng đội đã sẵn sàng cho V-League 2015
>> Chờ lứa Công Phượng 'đốt cháy' V-League
>> V-League có Trưởng giải mới

 
Tại lễ ký kết tài trợ hôm 30.12, Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn (trái) đã cam kết V-League sẽ đẹp đẽ, trong sạch, không có tiêu cực - Ảnh: Minh Tú

Thương hiệu của Toyota là rất lớn và đương nhiên khi chịu nhảy vào đầu tư cho bóng đá Việt Nam thì họ cũng rất rạch ròi buộc đối tác cam kết V-League đẹp đẽ và trong sạch.

Có thể mức tài trợ của Toyota không cao hơn Eximbank (30 tỉ đồng mỗi năm) nhưng đã cứu khổ cứu nạn cho các nhà tổ chức giải rất nhiều, sau những cuộc bể dâu ở mùa bóng vừa qua làm giảm uy tín của giải đấu. Nó trần trụi như tiết lộ của chính ông chủ tịch VFF là các cổ đông của Eximbank mà ông làm chủ tịch hội đồng quản trị kêu gọi không tài trợ cho V-League nữa vì tác động xấu từ hình ảnh bạo lực và bán độ.

Thực chất Eximbank sau khi gắn bó với V-League ở một hai năm đầu tiên đã “ngửi” ra nhiều vấn đề nhưng họ rơi vào thế kẹt bởi người trong nhà nắm quyền hành cao nhất lại có chân ở VFF lẫn VPF (Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam).

Nó làm nhiều người nhớ đến ở buổi tái ký hợp đồng năm cuối cùng, chúng tôi có hỏi đại diện nhà tài trợ đồng hành cùng V-League đến bao giờ đã không có câu trả lời cho đến sau mùa giải 2014 thì chia tay. Giọt nước cuối cùng làm tràn ly chính là vụ dàn xếp tỷ số ở V-League mà 6 cầu thủ Đồng Nai tổ chức trong trận gặp Than Quảng Ninh.

Lần này, Toyota chỉ mới ký hợp đồng một năm kèm theo điều kiện V-League sạch đẹp rồi mới tùy cơ tái ký tiếp hay không, dù đối tác vẫn cam kết gắn bó lâu dài. Cái cách xã giao ấy của Toyota rất giống với Eximbank ngày đầu “se duyên” với V-League nhưng rốt cuộc phải vẫy tay chào nhau. Chỉ khác ở chỗ Toyota là người ngoài nên không dễ dãi như người trong nhà Eximbank ký hẳn ba năm phải chịu khổ nhiều hơn sướng.

V-League hai năm sau khi thuộc quyền tổ chức của VPF không lên giá mà còn đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro trong thời buổi kinh tế gay go khó tìm nhà tài trợ. Thậm chí nó còn mất giá theo tiết lộ của chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng rằng, nếu đội tuyển Việt Nam không thi đấu bất thường ở trận thua Malaysia 2-4 bán kết lượt về AFF Cup thì mức tài trợ sẽ còn cao hơn nữa.

Dẫu sao Toyota chịu chi cho V-League đã là một may mắn lớn của Bóng đá Việt Nam. Cái khó hơn là làm sao để giữ chân nhà tài trợ để VPF không phải vất vả chạy ăn từng bữa.

Tất nhiên để cuộc sống mới bền vững cần phải có nhiều sự đổi mới theo hướng tích cực hơn ở V-League thông qua tính chuyên nghiệp của nhà tổ chức, của CLB theo hệ quy chiếu là lượng khán giả đến sân.

Không khó để Toyota đối chiếu và so sánh sự tương tác của thị trường bởi họ cũng chính là nhà tài trợ cho giải vô địch Thái Lan (Thai-League) rồi cân nhắc hợp tác hay không.

Tiền đã vào nhà khó!

Hy vọng giải vô địch quốc gia sắp khởi tranh sẽ trở nên thân thiện và sạch đẹp hơn để thỏa lòng mong muốn giản đơn lấy bóng đá nuôi bóng đá.

Thiên Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.