Vì sao tôi tình nguyện?

07/07/2010 00:24 GMT+7

Mkhaloti Thabo và Shaunt Sowatlo nói rằng các anh làm tình nguyện viên vì muốn góp phần giới thiệu đến thế giới hình ảnh một đất nước Nam Phi tươi đẹp.

Các tình nguyện viên đã tạo được ấn tượng đặc biệt tại World Cup - Ảnh: Đỗ Hùng

Mkhaloti Thabo và Shaunt Sowatlo nói rằng các anh làm tình nguyện viên vì muốn góp phần giới thiệu đến thế giới hình ảnh một đất nước Nam Phi tươi đẹp.

Dọc đường từ sân Soccer City ở Johannesburg ra bến xe đò để đi xuống Durban vào hôm qua, tôi giết thời gian bằng cách trò chuyện với hai nhân viên tình nguyện. Thật dễ nhận ra họ bởi màu áo xanh lá cây cùng chiếc thẻ đeo tòng teng trước ngực. “Xin chào, các anh từ đâu tới ạ?”, tôi làm quen. “Chúng tôi ở Nam Phi?”, một người đáp. “Nhưng ở thành phố nào?”. “Germiston. Cách đây cũng không xa”. Câu chuyện phiếm mà ban đầu tôi chỉ nhằm giết thời gian thôi rốt cuộc lại thấy hay hay. Tôi tò mò muốn biết cơ duyên nào đưa những con người từ khắp mọi miền Nam Phi và thế giới về đây làm việc trong ngày hội bóng đá này.

“Làm thế nào để các anh trở thành tình nguyện viên?”, tôi hỏi. Mkhaloti Thabo - cái thẻ trên ngực cho tôi biết tên của anh này - kể rằng để trở thành những người phục vụ World Cup các anh phải điền vào đơn trên mạng internet. “Sau một thời gian, người của ban tổ chức gọi điện tới và nói “đơn anh đã được chấp nhận, xin mời anh tới phỏng vấn”. Sau đó tôi đã vượt qua cuộc phỏng vấn và tham gia chương trình huấn luyện đặc biệt”, Thabo kể. Anh bạn Shaunt Sowatlo giải thích thêm: “Chúng tôi được huấn luyện từ cách giao tiếp, đường sá đi lại, các quy định về an ninh và cả tập thể lực nữa. Những người làm nhiệm vụ bên trong sân còn được đào tạo kỹ hơn, bao gồm cả biện pháp xử lý các nguy cơ bạo lực trên khán đài”.

Điều quan trọng nhất mà tôi muốn biết, đó là động cơ nào đã thúc đẩy những con người này phục vụ cho World Cup một cách tình nguyện. “Vì tôi muốn chứng minh rằng Nam Phi có thể tổ chức được, người châu Phi có thể đảm đương tốt một sự kiện lớn như World Cup. Tôi biết trước đây người ta từng lo ngại về năng lực của Nam Phi, nhưng với nỗ lực của mỗi người dân, chúng tôi đã chứng tỏ được sự sẵn sàng gánh vác của mình và tới nay thì World Cup đang đi theo một lộ trình tốt đẹp”, Thabo nói. Và Sowatlo góp thêm: “Báo chí thường nói về một đất nước Nam Phi mất an ninh trầm trọng. Thế nên, chúng tôi muốn chứng minh rằng báo chí đã sai. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình, chu đáo đến từng chi tiết để bất kể ai đến đây cũng giữ lại một hình ảnh tốt đẹp về World Cup”.

Nghe hai anh chàng - một người Sotho, một người Zulu - này nói, tôi có cảm tưởng như được đứng trước một vị đại sứ đang quảng bá cho hình ảnh đất nước Nam Phi vậy. Họ nói thật hay, và tất nhiên, rất có tính thuyết phục đối với tôi, sau khi tôi đã chứng kiến những gì họ làm. Xuyên suốt kỳ World Cup tuyệt vời trên đất nước Nam Phi, tôi đã gặp không biết bao nhiêu người khoác áo tình nguyện, từ Pretoria tới Port Elizabeth, từ Cape Town tới Johannesburg. Họ để lại cho tôi một ấn tượng rất đẹp ngay lần đầu đặt chân xuống sân bay OR Tambo, cửa ngõ vào đất nước Nam Phi và lục địa đen.

“Anh đừng đi trong đêm tối một mình. Hãy tìm những người đeo thẻ như chúng tôi để nhờ giúp đỡ mỗi khi cần”, tôi nhớ một anh chàng tình nguyện viên ở sân Ellis Park đã nói như thế, khi thấy tôi đứng bên đường chờ taxi. Hôm đó, anh ấy đã cùng một tình nguyện viên nữa hộ tống tôi suốt một quãng đường dài - như hai vệ sĩ bao bọc một yếu nhân vậy - để đến chỗ đón xe. Gặp họ, tôi như gặp người quen và luôn có cảm giác bình an tuyệt đối.

Tôi chợt hỏi Thabo và Sowatlo: “Các anh có được trả lương không?”. “Không có lương đâu. Sau giải đấu, chúng tôi có thể nhận được những món quà để biểu dương những đóng góp của mình cho World Cup, chứ không có một khoản lương nào hết. Anh biết đấy, chúng tôi là tình nguyện viên mà”, Thabo giải thích. “Còn chỗ ở thì sao?”, tôi vẫn chưa hết tò mò. “Ban tổ chức có bố trí một số chỗ ở. Nhưng nếu ai tự lo được thì thôi. Chúng tôi ở nhà người quen”, Sowatlo đáp.

Lâu nay, tôi thường tiếp xúc với các tình nguyện viên khi có việc cần đến họ, chẳng hạn hỏi đường, hỏi giờ xe buýt chạy. Sự dồn dập của các sự kiện sân cỏ đã khiến tôi không có một phút giây nào để trò chuyện với những con người thường hay giúp đỡ mình. Không ngờ một cuộc tán gẫu nho nhỏ đã cho tôi một góc nhìn thú vị về tình nguyện viên World Cup. Họ đến đây từ mọi nơi, làm đủ mọi nghề - như Thabo và Sowatlo, mới 22 và 23 tuổi, làm giáo viên và nhân viên kỹ thuật nhiếp ảnh ở Germiston. Họ có một cuộc sống bình thường, với thu nhập rất bình thường. Thế rồi, World Cup đến và họ tới đây làm tình nguyện viên, để “giới thiệu tới thế giới một hình ảnh Nam Phi tốt đẹp”, như Thabo nói.

World Cup đang đi vào chặng cuối và mọi thứ dường như đang diễn tiến tốt đẹp. Tôi nghĩ trong cái trọn vẹn của một kỳ World Cup, sự đóng góp của các tình nguyện viên không hề nhỏ. Trước khi giải đấu này kết thúc, tôi muốn bắt tay họ - những người như Thabo và Sowatlo - đã cho chúng tôi có được một World Cup tuyệt vời, đã cho chúng tôi được thấy một Nam Phi đẹp đẽ.

Đỗ Hùng
(từ Johannesburg)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.