5 tỉ USD bảo hiểm World Cup

12/05/2010 10:00 GMT+7

Chưa kỳ World Cup nào số tiền bảo hiểm lên cao như kỳ này. Đơn giản bởi các tổ chức và cá nhân đều lo sợ tình hình an ninh tại Nam Phi.

An ninh không được tốt ở Nam Phi đã khiến FIFA phải bỏ ra số tiền lớn để mua bảo hiểm - Ảnh: Reuters

Chưa kỳ World Cup nào số tiền bảo hiểm lên cao như kỳ này. Đơn giản bởi các tổ chức và cá nhân đều lo sợ tình hình an ninh tại Nam Phi.

World Cup 2010 là giải đấu có mức độ an ninh đáng lo nhất trong các kỳ đại hội bóng đá từ trước đến giờ. Ngoài tình trạng tội phạm tại Nam Phi rất cao, giải đấu này còn nằm trong tầm ngắm của các tổ chức khủng bố. Và khi cảm thấy bất an điều gì đó, người ta thường gõ cửa các công ty bảo hiểm.

Theo Reuters, tổng số tiền bảo hiểm tại World Cup lần này phải trả trong trường hợp rủi ro nhất lên đến 5 tỉ USD. Những ai bỏ tiền ra mua bảo hiểm lần này? FIFA chính là khách hàng lớn nhất. Financial Times cho biết FIFA đã mua gói bảo hiểm cho phép họ được bồi thường 650 triệu USD trong trường hợp giải bị hủy vì động đất, khủng bố, chiến tranh hay bất kỳ lý do nào mang tính khách quan.

Ngoài bạn hàng lớn FIFA, các công ty du lịch cũng tích cực mua bảo hiểm. ABTA, hiệp hội du lịch Anh khuyên CĐV của họ cần phải mua bảo hiểm khi sang Nam Phi đề phòng rủi ro. Đó là lý do vì sao các tour du lịch sang Nam Phi trở nên đắt đỏ vì CĐV phải trả một số tiền khá lớn cho phí bảo hiểm. Ngay cả các công ty quảng cáo, các hãng tài trợ cũng mua bảo hiểm phòng trường hợp World Cup bị hủy vì họ đã bỏ rất nhiều tiền để quảng bá trong giải này.

Hai tập đoàn tái bảo hiểm hàng đầu thế giới là Munich Re và Swich Re ôm hầu hết các gói bảo hiểm, nhưng họ lại chia ra cho rất nhiều các công ty bảo hiểm khác. Hai tập đoàn tái bảo hiểm Allianz S.E và Hannover Reinsurance cũng có phần trong World Cup này. Các tập đoàn tái bảo hiểm thường nhận các gói bảo hiểm có mức độ bồi thường khổng lồ rồi chia lại từng phần cho các công ty bảo hiểm nhỏ hơn. Việc phân phối như vậy khiến các tập đoàn tái bảo hiểm kiếm ít tiền hơn nhưng họ sẽ không sạt nghiệp nếu có rủi ro. 

Bà Sabine Bach, người trong ban lãnh đạo của Munich Re, tỏ ra tự tin: “Chúng tôi không phải là những kẻ yếu bóng vía. Chúng tôi vẫn giữ phần lớn nhất trong gói bảo hiểm. Nam Phi có kinh nghiệm tổ chức các giải lớn như World Cup môn cricket, rugby. Do vậy, World Cup lần này không đáng lo lắm”. Nhưng ông Steffen, người của Swich Re, lại tỏ ra thận trọng: “Mối lo hàng đầu là khủng bố và chiến tranh. Tôi sợ nhất là cảnh khủng bố tấn công trong ngày khai mạc với hàng nghìn người chết. Khi bạn đang xem World Cup nhưng màn hình TV bỗng trắng xóa thì điều đó thật tồi tệ”.

Ngay từ lúc này, các tập đoàn bảo hiểm đã ngồi cầu nguyện để giải khai mạc đúng lịch và diễn ra thành công. Chỉ khi nào World Cup 2010 kết thúc trọn vẹn, các tập đoàn bảo hiểm mới bật champagne ăn mừng với niềm vui chẳng kém gì chính họ đoạt cúp vàng vô địch.

Nhật Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.