Bạo loạn bóng đá kinh hoàng ở Ai Cập

03/02/2012 03:19 GMT+7

Bóng đá thế giới vừa trải qua một ngày đen tối sau vụ bạo loạn kinh hoàng diễn ra ở một trận đấu thuộc giải vô địch quốc gia Ai Cập. Ít nhất 74 người thiệt mạng và khoảng 1.000 người khác bị thương.

Bóng đá thế giới vừa trải qua một ngày đen tối sau vụ bạo loạn kinh hoàng diễn ra ở một trận đấu thuộc giải vô địch quốc gia Ai Cập. Ít nhất 74 người thiệt mạng và khoảng 1.000 người khác bị thương.

Vụ bạo loạn xảy ra sau trận thắng 3-1 của đội chủ nhà Al-Masry trước CLB Al-Ahly ở lượt trận vòng 16 diễn ra hôm 1.2 (theo giờ địa phương) tại Port Said, một thành phố nằm ở vùng đông bắc Ai Cập. Theo thông tin từ Bộ Nội vụ nước này, ngay sau khi trận đấu kết thúc, khoảng 13 ngàn CĐV của đội chủ nhà bất ngờ lao đến tấn công khoảng 1.200 CĐV của CLB Al-Ahly có mặt trên sân. Hàng ngàn người hoảng loạn giẫm đạp lên nhau để chạy ra khỏi sân vận động. Người kêu cứu thất thanh giữa đám đông, người bị đánh đập túa máu, người gục tại chỗ... Những ai chứng kiến vụ bạo loạn không khỏi bị sốc. CĐV của đội khách sau đó tìm phương tiện để thoát khỏi thành phố Port Said, một số được máy bay quân sự chở về thủ đô Cairo. “Họ (CĐV của CLB Al-Masry) đã dùng dao phay, thanh kim loại, đá và pháo sáng để tấn công chúng tôi ở trong lẫn ngoài sân tạo nên một cảnh tượng đẫm máu, hệt như một cuộc chiến tranh đang xảy ra”, một CĐV của CLB Al-Ahly nói với kênh truyền hình tư nhân ONTV.

 
Cầu thủ của CLB Al-Ahly tháo chạy trước sự truy đuổi của CĐV đội Al-Masry - Ảnh: Reuters

Cảnh quay của kênh truyền hình quốc gia Ai Cập cho thấy hình ảnh hàng trăm CĐV chủ nhà truy đuổi các cầu thủ và ban huấn luyện của đội khách chạy “bán sống bán chết” vào phòng thay đồ. Một trợ lý HLV bị đánh đập máu me đầm đìa trước khi được một số người đàn ông giải cứu. Quân đội nước này đã điều khẩn cấp 2 máy bay để đưa những người bị thương nặng khỏi đám đông đi cấp cứu. “Chúng tôi vô cùng sợ hãi khi chứng kiến hàng loạt người chết và bị thương được đưa vào phòng thay đồ. Các cầu thủ của đội đã quyết định sẽ không chơi bóng đá nữa”, thủ môn Sharif Ikrami của CLB Al-Ahly, người cũng bị thương trong vụ bạo loạn, chưa hết bàng hoàng kể lại. Nhiều nhân chứng cho biết, vụ bạo loạn càng lan rộng và dữ dội hơn do cảnh sát và quân đội đã không can thiệp mạnh, mà chỉ bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông.

Đến cuối ngày 2.2, AFP dẫn lời Thủ tướng Ai Cập Kamal al-Ganzuri ra lệnh sa thải toàn bộ ban lãnh đạo của LĐBĐ nước này cũng như chỉ huy lực lượng an ninh của Port Said, nơi xảy ra thảm họa, là ông Essam Samak. Theo hãng tin Adnkronos của Ý, giới công tố cũng phát lệnh bắt ông Samak cùng người đứng đầu chính quyền Port Said là Ahmad Abdallah với cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo thống kê ban đầu của Bộ Nội vụ Ai Cập, vụ bạo loạn khiến ít nhất 74 người thiệt mạng do chấn thương sọ não, bị đâm và ngạt thở cùng hơn 248 người khác bị thương, trong đó có nhiều sĩ quan cảnh sát, đồng thời có 47 người bị bắt giữ. Còn một quan chức y tế địa phương lại cho hay khoảng 1.000 người bị thương, trong đó hàng chục người đang trong tình trạng nguy kịch, gây nên tình trạng quá tải ở bệnh viện, số người thiệt mạng có thể gia tăng trong vài ngày tới.

Hôm qua, truyền hình quốc gia Ai Cập cũng kêu gọi người dân tình nguyện hiến máu để cứu chữa các CĐV bị thương nặng ở Port Said.

Âm mưu chính trị?

Các công tố viên nhà nước của Ai Cập đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra khẩn cấp để tìm ra nguyên nhân dẫn đến vụ bạo loạn, trong khi LĐBĐ nước này quyết định đình chỉ vô thời hạn các trận đấu của giải. Theo AFP, sự cố trên xảy ra có thể xuất phát từ một âm mưu chính trị kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ. Tuy nhiên, giới chức Ai Cập lại cho rằng vụ bạo loạn nhiều khả năng xuất phát từ sự kình địch lâu đời giữa 2 đội bóng.

Trong hôm qua, Chủ tịch LĐBĐ châu Phi Issa Hayatou cho hay tổ chức bóng đá châu lục này sẽ dành những phút mặc niệm để tưởng nhớ những người xấu số tại CAN đang tranh ở Gabon và Ghi nê Xích đạo. Còn Chủ tịch FIFA Sepp Blatter thì đau buồn nói: “Đó thực sự là một ngày đen tối của bóng đá thế giới. Tôi không thể tưởng tượng nổi một cảnh tượng kinh hoàng như thế lại xảy ra trong bóng đá”.  

Đây là một sự cố đẫm máu nhất trong lịch sử bóng đá thế giới kể từ vụ CĐV giẫm đạp lên nhau ở Guatemala City trong trận đấu vòng loại World Cup giữa tuyển Guatemala và Costa Rica vào ngày 16.10.1996, khiến 78 người chết và 180 người khác bị thương.

Bóng đá Ai Cập khủng hoảng trầm trọng

Ở lượt đấu này, trận đấu giữa Al-Ismaili và Zamalek diễn ra tại Cairo cũng bị hoãn giữa chừng do CĐV quá khích đốt pháo sáng tràn lan trên khán đài. Mặc dù không có người nào bị thương, nhưng nếu lực lượng chữa cháy không có mặt kịp thời, các đám cháy nhiều khả năng sẽ lan rộng, thiêu hủy nhiều tài sản. Năm 2011, hàng trăm cảnh sát bị vô hiệu hóa khi để hàng ngàn CĐV tràn xuống sân rượt đánh cầu thủ trong trận đấu giữa chủ nhà Zamalek (Ai Cập) và Club Africain (Tunisia) trong khuôn khổ giải African Champions League.

Vì sao lực lượng an ninh không can thiệp?

Hôm qua, các chính trị gia ở thủ đô Cairo đã kêu gọi sa thải Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ai Cập, Thống đốc và Giám đốc an ninh Port Said khi để cảnh sát tỏ ra thờ ơ trong vụ bạo loạn. Theo AFP, trước cảnh tượng CĐV ẩu đả lẫn nhau, hàng trăm cảnh sát mặc đồng phục đen, đội mũ bảo hiểm chỉ đứng thành hàng và không có biện pháp ngăn chặn để bạo loạn lan rộng. Một quan chức an ninh Ai Cập cho biết, cảnh sát trước đó đã nhận “lệnh” không can thiệp sau khi bị lên án do những cuộc đụng độ gần đây giữa lực lượng này với người biểu tình dẫn đến 40 người thiệt mạng.

T.Nguyên

Phản ứng của dư luận

Hãng tin Al Jazeera dẫn nguồn tin từ phóng viên Rawya Rageh có mặt tại hiện trường cho rằng: “Nguyên nhân vụ bạo loạn dẫn đến chết người là do phía CĐV CLB Al-Ahly (đội khách đến từ Cairo) đã nhục mạ khiêu khích CĐV đội chủ nhà Al-Masry suốt trận. Thế nên sau trận đấu bạo loạn bùng nổ dẫn tới thảm kịch”.

Phóng viên thường trú của BBC News ở Cairo, Jon Leyne cũng cho rằng: “CĐV CLB Al-Ahly rất dữ dằn và được biết tới với biệt danh “Ultras” (CĐV quá khích như ở Ý). Họ có thể là nguyên nhân gây ra vụ bạo động. Nhưng trên hết, trách nhiệm thuộc về cảnh sát khi không lường hết tai họa và không có biện pháp ngăn chặn”.

Cầu thủ Abo Treika (CLB Al-Ahly): “Đây không phải bóng đá. Đây là chiến tranh. Tôi đã chứng kiến nhiều người chết trước mắt mình. Chẳng có gì để bảo vệ cả, không có nhân viên an ninh và cũng chẳng có xe cứu thương”.

Phóng viên Mike Collett, hãng tin Reuters nhận định: “Thảm kịch chết người ở Ai Cập hoàn toàn là do CĐV gây ra, khác hẳn với những vụ khác trước đây với nguyên nhân do tai nạn”.

Ai Cập quyết định tổ chức quốc tang 3 ngày để tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ thảm kịch vừa rồi.

G.Lao (tổng hợp)

 

Những thảm họa của bóng đá thế giới

5.1964: 318 người thiệt mạng trong một vụ bạo động khi trận đấu Peru và Argentina đang diễn ra tại sân National ở Lima.

6.1968: Hơn 70 người chết do giẫm đạp nhau trong lúc tìm cách rời khỏi sân sau trận “siêu kinh điển” River Plate - Boca Juniors tại Buenos Aires, Argentina.

1.1971: 66 người chết do chen lấn xô đẩy sau trận derby giữa Rangers và Celtic ở Glasgow, Scotland.

2.1974: 49 người chết do giẫm đạp nhau trong một trận đấu ở Cairo, Ai Cập.

10.1982: Hơn 300 người được cho là đã thiệt mạng khi chen lấn giẫm đạp trong một cầu thang chật hẹp, băng giá và duy nhất ở trận đấu UEFA Cup giữa 2 CLB Spartak và Haarlem trên sân Luzhniki ở Moscow, Nga.

5.1985: 56 người chết do mái che khán đài bị bốc cháy dữ dội trong trận Bradford gặp Lincoln City ở Bradford, Anh. 39 CĐV khác (đa số là người Ý) cũng bị chết ở trận chung kết Cúp C1 giữa Liverpool - Juventus trên sân Heysel ở Brussels, Bỉ, mà ngày nay gọi là “thảm họa Heysel” khi CĐV bị nhồi nhét trên các khán đài chật cứng khiến một bức tường sụp xuống.

3.1988: 93 người chết do chen lấn giẫm đạp khi tìm cách chạy đến nơi trú ẩn tránh cơn mưa đá tại sân vận động quốc gia ở Kathmandu, Nepal.

4.1989: 96 CĐV bị chết vì chen lấn xô đẩy nhau trong trận bán kết FA Cup giữa Liverpool gặp Nottingham Forest trên sân Hillsborough ở Sheffield.

1.1991: Ít nhất 40 người chết do tháo chạy tán loạn tránh một vụ bạo động trong trận giao hữu giữa 2 CLB cùng thành phố Orkney, Nam Phi.

5.1992: Trước trận đấu tại Cúp nước Pháp giữa Bastia và Marseille tại Corsica, khán đài sân Furiani bất ngờ đổ sập khiến 18 CĐV bị chết và 2.400 người khác bị thương.

5.2001: 126 CĐV bị chết trong lúc chạy tán loạn trên khán đài sân Accra, Ghana khi cảnh sát bắn đạn hơi cay nhằm dẹp một vụ bạo động

3.2009: 19 CĐV bị chết cũng do chen lấn giẫm đạp tại sân vận động Houphouet-Boigny trước trận vòng loại World Cup giữa Bờ Biển Ngà và Malawi.

G.Lao (Theo Reuters, BBC Sports)

Nguyên Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.