Barca đang đánh mất mình vì 'chạy đua vũ trang' với Real

24/06/2015 14:11 GMT+7

(TNO) ‘Một tài năng trẻ như Deulofeu sắp chuyển đến Everton và tôi cho rằng đây là minh chứng cho sự thất bại của hình mẫu mà chúng ta theo đuổi (La Masia)’, phát biểu của Toni Freixa, một ứng cử viên cho chức chủ tịch Barca vào tháng 7 tới.

(TNO) ‘Một tài năng trẻ như Deulofeu sắp chuyển đến Everton và tôi cho rằng đây là minh chứng cho sự thất bại của hình mẫu mà chúng ta theo đuổi (La Masia)’, phát biểu của Toni Freixa, một ứng cử viên cho chức chủ tịch Barca vào tháng 7 tới.

Deulofeu trong lần hiếm hoi khoác áo Barcelona gặp Mallorca năm 2014 - Ảnh: AFP

Deulofeu và sự thất bại của La Masia

Sinh ra tại Girona, Catalonia, Deulofeu gia nhập đội trẻ Barcelona vào năm 2003 khi mới 9 tuổi và liên tục gây ấn tượng mạnh ở các cấp độ đội trẻ Barca. Và ngay ở độ tuổi 16, Deulofeu đã được đôn lên đội hình Barcelona B. Một năm sau chàng trai với mái tóc vàng ánh này được Pep Guardiola triệu tập vào đội hình Barcelona hành quân đến Real Sociedad vào tháng 4.2011, khi mới tròn 17 tuổi.

Nhưng cũng như bao tài năng đầy hứa hẹn khác từ La Masia, Deulofeu đã phải rong ruổi qua các CLB nhỏ khác như một phần của quá trình tích lũy kinh nghiệm. Everton rồi đến Sevilla. Và bây giờ có thể lại là… Everton.

Tuy nhiên, tương lai của Deulofeu chắc chắn không còn ở Nou Camp. Đó không phải vì “Messi mới” này không thể hiện được khả năng, mà bởi vì con đường Barca đang đi hiện nay dường như không còn có chỗ cho những người như anh.

Trước những Messi, Neymar và Suarez thì cơ hội được thi đấu cho Barca của Deulofeu gần như bằng 0. Nhưng đó không phải là tất cả, Deulofeu chỉ là bề nổi của tảng băng La Masia đang bắt đầu tan vỡ.

Deulofeu (bên trái) tranh bóng cùng Vicente Iborra tại buổi tập trước thềm trận chung kết Europa League trong màu áo Sevilla - Ảnh: Reuters
Trước Deulofeu là Bojan Krkic, Thiago Alcantara, Marc Muniesa, Issac Cuenca. Họ đều là những mầm non từ vườn ươm La Masia, rất tài năng và triển vọng. Và rồi tất cả lần lượt kéo nhau ra đi, để tìm lối thoát cho bản thân, thay vì ở lại đợi chờ một tương lai không rõ lối ra.

Vẫn còn đó một Bartra, người được kỳ vọng sẽ thay thế Puyol trong tương lai gần, một Montoya - người hy vọng sẽ kế thừa Dani Alves. Hay như Sergi Roberto, một Xavi đệ nhị. Cả ba đều đang kiên nhẫn chờ đợi cơ hội đến với cuộc đời. Tuy nhiên sự kiên nhẫn dường như đã đến giới hạn tận cùng…

Bởi đã hơn 6 năm qua, La Masia, cái nôi đáng tự hào của Barcelona lại không có nổi một cầu thủ trẻ nào chen chân vô được đội hình chính. Đâu là lý do cho sự thất bại của La Masia đầy danh tiếng này ?

Toni Freixa liên tục nhắc nhở về sự đi xuống của La Masia - Ảnh: AFP
 Barca và Real phiên bản 2.0

Hình mẫu dùng 180 triệu euro mỗi mùa hè không phải là hình mẫu Barcelona có thể duy trì lâu dài”, Freixa cho biết.

Thực vậy, trong nhiều năm trở lại đây, Barca liên tục tạo ra những bản hợp đồng bom tấn. Khởi nguồn từ Ibrahimovic rồi đến David Villa, Sanchez, Neymar và giờ là Suarez. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến “cái chết” của La Masia.

Barca đang đi ngược lại với “học thuyết” của chính mình, phương châm “cây nhà lá vườn” giờ là một điều xa xỉ ở Nou Camp. Họ bị ám ảnh bởi Real ư? Không! Nhưng họ không thể làm ngơ trước thói “ngông cuồng” của Real ở mỗi kỳ chuyển nhượng.

Real mua CR7, Barca đáp lại bằng Ibrahimovic, Real mua Bale, Barca kéo Neymar về. Dường như Barca đang bị Real kéo vào vòng xoáy của sự hào nhoáng mông lung. Họ "chạy đua vũ trang" với Real mà quên mất cội nguồn sự sống của họ đến từ đâu.

Tuy nhiên đó cũng chưa hẳn là tất cả. Bởi vì từ Pep cho đến Tito và bây giờ là Enrique, họ vẫn trao cơ hội cho những người xuất thân từ La Masia. Nhưng có một thứ có lẽ họ đã không thể trao được, đó chính là niềm tin vào La Masia.

Niềm sự thiếu tin tưởng vào chất lượng của “gà nhà” chính là thứ đã “diệt chủng” chính sách “Zidane và Pavon” ngày nào của Real. Barca đang trên con đường “dấn thân” mình vào vết xe đổ đó.

Những tài năng trẻ của La Masia như Deulofeu đều phải bơi ra ngoài để tránh cảnh chết dần mòn tại Barca - Ảnh: AFP

Lối thoát nào cho La Masia?

Chỉ còn một con đường. Đó chính là tái cấu trúc lại ở nơi thượng tầng Barca, vị trí mà những bất ổn chính trị đã làm Barca từ một CLB thuần khiết đánh mất chính mình. Từ một CLB của những nền tảng giá trị kế thừa, nay đã đánh mất bản sắc của tinh thần “Mes Que Un Club” (tạm dịch: “Còn hơn cả một câu lạc bộ”)

“Cruyff đã thay đổi triết lý của Barca và điều đó tạo nên những chiến thắng, những danh hiệu cho Barca. Chúng ta phải duy trì triết lý này làm nền tảng cho tương lai. Nó là mô hình của Barca chúng ta. La Masia đang là một dấu chấm hỏi về bản sắc”, lời Laporta, ứng cử viên chức chủ tịch Barca cho biết.

Tiếp đến, ông cho rằng “La Masia đã không hoạt động tốt như mong đợi, và về vấn đề này chúng ta cần phải khôi phục lại. Chúng tôi muốn La Masia trở lại mạnh mẽ. Được chứng kiến những cầu thủ La Masia đôn lên đội một mỗi mùa”.

Nhưng những lời hứa hẹn ấy có đem lại lợi ích gì cho La Masia ngày càng rũ rượi, khi Barcelona vẫn đang lao mình vào thị trường chuyển nhượng như một “con thiêu thân”?

Dù bị cấm chuyển nhượng một năm, nhưng họ vẫn mua sắm. Vidal từ Sevilla sẽ đến Barca đầu mùa đông 2016 tới. Bên cạnh đó là Paul Pogba cũng nhiều khả năng đến vào mùa hè 2016, tất nhiên lại là một cái giá “cắt cổ” nữa dù “đã đến lúc cho một cuộc cách mạng”, theo lập luận của Freixa.

Nhưng cách mạng từ đâu và như thế nào?

Eric Abidal, người đồng hành cùng Laporta trong chiến dịch tranh cử lần này cho biết :“Chúng tôi sẽ bắt đầu những dự án mới với La Masia, chúng tôi hy vọng có thể tạo những cầu thủ như Messi, Xavi hay Iniesta một lần nữa”.

Tổng quan lại, bên cạnh những lời hứa hẹn, những quan điểm cũng như những kế hoạch đề ra cho một La Masia tươi sáng hơn thì có một thực tế là La Masia đã không còn là một nguồn cung cấp “dinh dưỡng” cho Barca trong tương lai gần nữa.

Những Bartra, Montoya hay Roberto rồi cũng sẽ ra đi. La Masia vẫn còn đó, nhưng giá trị thì chỉ còn là quá khứ. Còn tương lai, đó vẫn sẽ là dấu chấm hỏi không có lời kết…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.