Bi kịch Nga

18/06/2012 03:46 GMT+7

Không ai nghĩ Nga sẽ bị loại bởi một Hy Lạp chơi không có gì đặc sắc và chỉ có 1 điểm. Trong khi Nga ung dung 4 điểm. Nhưng chính sự cách biệt về điểm số ấy đã mang lại cái chết cho “gấu Nga”.

Không ai nghĩ Nga sẽ bị loại bởi một Hy Lạp chơi không có gì đặc sắc và chỉ có 1 điểm. Trong khi Nga ung dung 4 điểm. Nhưng chính sự cách biệt về điểm số ấy đã mang lại cái chết cho “gấu Nga”.

Từ chỗ được ví là “sóc Nga”, đội Nga đã “hoàn gấu” - một chú gấu chậm chạp, thiếu ý chí và thiếu cả sức mạnh. Nga đã tự mang bi kịch tới cho mình, mà Karagounis - tiền vệ kỳ cựu của Hy Lạp - chỉ là người đóng dấu chấm hết cho bi kịch về sự ngộ nhận đó. Ngộ nhận về mình đã là khổ, đằng này Nga lại ngộ nhận cả về đối thủ của mình, trong khi họ quên rằng Hy Lạp đã từng vô địch Euro 2004 là giải đấu mà Nga bị loại từ vòng bảng. Hy Lạp có thể thua Nga năm 2004, còn bây giờ họ chỉ có kinh nghiệm làm vốn, nhưng cái vốn kinh nghiệm ấy khi được phát huy đúng lúc và trước một đối thủ thiếu kinh nghiệm thì nó sẽ là một vũ khí rất lợi hại. Trong khi Nga khởi đầu trận đấu với khá nhiều sự chủ quan, liên tục tấn công và bắn phá khung thành Hy Lạp (nhưng không trúng đích) thì Hy Lạp âm thầm chờ đợi. Họ có rất ít cơ hội, nhưng lại có thừa sự kiên nhẫn.

Bi kịch Nga
Nỗi buồn của Nga trong niềm vui của Hy Lạp - Ảnh: AFP 

Ngay sau khi Nga thắng Czech 4-1 ở trận ra quân, tôi vừa vui mừng vừa lo lắng cho Nga, vì nếu họ tung hết năng lượng trong trận đầu, họ sẽ khó tích trữ được năng lượng cho trận cuối, dĩ nhiên chỉ là ở vòng bảng. Nga, vô cùng chủ quan, khi nghĩ gần như mình sẽ đương nhiên vượt qua vòng bảng, và họ không giấu sự coi thường với đối thủ “già nua” Hy Lạp mà hai trận đầu đã chứng tỏ là một đội yếu. Nhưng Hy Lạp lại không nghĩ như vậy. Họ đang bị thất thế, họ chấp nhận điều đó, nhưng họ luôn nghĩ mình sẽ có cơ hội để vượt lên ở trận cuối cùng. Và cơ hội vàng đã tới vào cuối hiệp 1, khi Ignashevich đánh đầu phá bóng không chuẩn, và Karagounis băng tới đúng cách anh vẫn thường thực hiện động tác này. Bóng nằm gọn trong lưới Malafeev.

Trong một trận cầu căng thẳng như thế, tâm lý đóng vai trò rất quan trọng. Không phải những Dzagoev, Arshavin hay Pavlyuchenko không biết cách ghi bàn, nhưng sự căng thẳng khiến đôi chân họ như đeo chì, và trong hoàn cảnh ấy, nếu không có một “sát thủ máu lạnh” thì Nga không làm sao đưa được bóng vào lưới Hy Lạp.

Lối chơi “khổ nhục kế” của Hy Lạp trong suốt hiệp 2 đã mang lại cho họ một kết quả vừa đủ... tiễn Nga về nước. Ai cũng biết đội Nga yếu về tinh thần, thường thi đấu thiếu ý chí, nhưng ít ai lại dám nghĩ họ “yếu” đến thế! Và vô duyên đến thế! Phải khẳng định: ngoài kinh nghiệm và một vài cầu thủ có khả năng ghi bàn, Hy Lạp nếu bình thường không phải là đối thủ của Nga. Họ chẳng có gì đặc sắc đã đành, lối chơi của họ cũng rất kém hấp dẫn. Người hâm mộ vì vậy, đã ủng hộ đội Nga hết mình, vì họ chơi đẹp, kỹ thuật cá nhân cao, phối hợp đồng đội ăn ý, và tấn công rất có nét. Họ lại có một ứng cử viên cho chức “Vua phá lưới” là Dzagoev. Vậy mà không ai khác, chính Nga đã “Một mình làm cả cuộc chia ly” (thơ Nguyễn Bính). Thôi thì đành “vẫy tay tự tiễn mình” vậy!

Thanh Thảo

>> Anh loại Thụy Điển bằng chiến thắng nghẹt thở 3-2
>> UEFA điều tra nghi án “trái chuối”
>> Torres, giờ mèo lại hóa thành sư tử! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.