Bình luận bóng đá - Atalanta: Chiến thuật phòng ngự còn hay mất?

20/02/2020 14:42 GMT+7

Chúng ta vừa thấy Atalanta - một đại diện nhỏ nhoi của nền bóng đá nổi tiếng nhất thế giới về tư tưởng phòng ngự - ghi đến 4 bàn chỉ từ 5 cú sút đúng hướng cầu môn, đè bẹp Valencia 4-1 để trở thành đội bóng đang đứng gần nhất với vòng tứ kết Champions League .

Chúng ta cũng vừa thấy Atletico Madrid xuất sắc thắng nhà vô địch Liverpool 1-0 nhờ cách phòng thủ không thể chặt chẽ hơn nữa.
Nhưng, xen vào giữa hai kết quả đáng chú ý ấy lại là thất bại 0-1 ngay trên sân nhà của Tottenham, trước một đối thủ chỉ vừa thành lập cách đây khoảng chục năm. Thua vì chơi quá thận trọng, thiên hẳn về thủ, trong khi lẽ ra nên tận dụng ưu thế sân nhà để hướng tới chiến thắng!
Chúng ta còn có thể thấy gì nữa? Vẫn là đề tài phòng ngự, nhưng câu chuyện còn ở phía trước. Man City sẽ phòng ngự như thế nào trước Real Madrid?
Bị UEFA cấm dự các cúp châu Âu trong hai mùa bóng sắp tới, đây là cơ hội cuối cùng để Pep Guardiola tìm kiếm vinh quang cho Man City ở trận địa Champions League danh giá. Vả lại, Man City nói chung hoặc Pep nói riêng phải dốc hết sức vào canh bạc cuối cùng này, do họ đã thất bại thảm hại ở Premier League. Khó ở chỗ, Man City sẽ phải làm khách trên sân đối thủ nổi tiếng nhất Champions League xưa nay: Real Madrid, tại "thánh địa" Bernabeu.
Pep Guardiola thì ai cũng biết. Nói rằng ông là bậc thầy của thứ bóng đá tấn công đầy quyến rũ thì vẫn chưa đủ. Guardiola đồng nghĩa với bóng đá tấn công! Ông từng hỏi ngược báo giới: "Tắc bóng là gì? Tôi không biết. Tôi không huấn luyện cầu thủ của mình tắc bóng".

Atalanta - một đại diện nhỏ nhoi của nền bóng đá nổi tiếng nhất thế giới về tư tưởng phòng ngự - ghi đến 4 bàn chỉ từ 5 cú sút đúng hướng cầu môn

AFP

Khi Man City chơi bóng, trung vệ của họ thường đứng lởn vởn ở vòng tròn giữa sân. Hậu vệ biên dâng lên rất cao, trở thành cầu thủ tấn công. Tiền vệ thay nhau kiểm soát quả bóng trong chân, còn tiền đạo thì liên tục di chuyển để tạo khoảng trống, lăm le đón những cơ hội ghi bàn. Cơ hội của Man City là những đường chuyền cuối cùng, đưa bóng đến chân tiền đạo? Phải nói thêm: khi Man City triển khai tấn công thì đấy đã là cơ hội rồi!
Ngược lại, khi Man City mất bóng, đấy dứt khoát là một nguy cơ. Cách chơi ấy dẫn đến nguy cơ ấy. Còn đâu nhân sự sau lưng trung vệ để chống phản công nữa! Cho nên, thông thường thì Man City lập tức... chơi bẩn. Họ nhanh chóng phạm lỗi từ xa để chấm dứt tình huống bóng sống. Trong thời buổi của số liệu thống kê này, Pep dù nhiều lần cố cãi cũng không thể che đậy sự thật: Man City luôn đi đầu trong cái trò (cố ý) phạm lỗi từ xa, trong khoảnh khắc đối phương vừa hoán chuyển thế thủ sang thế công. Ngay trong nội bộ Man City thì "đầu tàu" về trò phạm lỗi từ xa cũng chính là những cầu thủ tấn công. Raheem Sterling và Bernardo Silva đều nằm trong "top 3" của đội về số lần lãnh thẻ vàng ở Premier League. Tất nhiên, không nên để các hậu vệ phạm lỗi hoặc dính thẻ vàng.

Tottenham cũng phòng ngự, nhưng không ghi bàn nào

AFP

Hiện thân của thứ bóng đá tấn công rực rỡ nhất, uy tín nhất, rút cuộc cũng phải chăm bẵm phòng thủ, theo cách riêng của họ. Ở đẳng cấp cao nhất, trong sự thiên vị rõ rệt của cả giới làm luật lẫn khán giả thuần túy đối với quan điểm tấn công, bóng đá phòng ngự vẫn không bao giờ chết. Khác biệt là ở chỗ, kết quả sẽ tùy thuộc vào việc phòng thủ như một nghệ thuật (Atalanta), phòng thủ một cách khoa học (Atletico), phòng thủ một cách tinh ranh, trong sự che đậy (Man City), hay phòng thủ thô thiển, vụng về (Tottenham).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.