Bóng đá Malaysia bất cập giữa mục tiêu nhập tịch và đào tạo cầu thủ trẻ

Giang Lao
Giang Lao
03/07/2020 16:15 GMT+7

Nhà báo Ajitpal Singh của tờ New Straits Times cho rằng LĐBĐ Malaysia (FAM) có lý khi nhập tịch cầu thủ ngoại và có gốc gác để tăng sức mạnh đội tuyển, nhưng phần còn lại thì quá chênh vênh.

Hiện FAM đang bị chỉ trích dữ dội vì chính sách nhập tịch của mình khiến tuyển Malaysia hiện trở thành đội bóng “hợp chủng quốc” đa sắc tộc.
Tuy nhiên, theo Ajitpal Singh, điều này không quá quan trọng vì nhiều đội tuyển ở châu Á cũng theo chính sách “đi tắt” kiểu này để tăng sức mạnh đội tuyển như Qatar đã thành công khi vô địch Asian Cup 2019. Sắp tới, với lực lượng đa sắc tộc này, Qatar cũng là chủ nhà kỳ World Cup 2022.
Mặc dù vậy, Qatar khác Malaysia là có tiềm lực tài chính và một hệ thống rộng lớn để tiếp tục tuyển mộ tài năng trẻ từ khắp nơi, kể cả ở trong nước để đào tạo dài hạn, nhập tịch và cung cấp cho đội tuyển liên tục.
Trong khi đó, Malaysia chỉ thực hiện được một nửa chính sách này, đó là nhập tịch cầu thủ cho mục tiêu hiện tại, trong khi chính sách đào tạo cầu thủ trẻ từ các bang và CLB thuộc hệ thống giải M-League thì hoàn toàn bỏ trắng.
Chưa kể, mặt trái của việc nhập tịch cầu thủ ngoại và có gốc gác đòi hỏi áp lực cho đội tuyển Malaysia phải giành kết quả như mong muốn.

Tuyển Malaysia vào chung kết AFF Cup 2018, nhưng thua tuyển Việt Nam 2-3 sau hai lượt đấu chung kết

Độc Lập

Đó là các mục tiêu vô địch AFF Cup trong năm nay, hoặc phải lấy được suất dự Asian Cup 2023 và đi tiếp vào vòng loại thứ 3 tranh vé dự World Cup 2022.
Ở những mục tiêu này tuyển Malaysia đều phải cần vượt qua tuyển Việt Nam và Thái Lan, 2 đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á hiện nay.
Nếu các cầu thủ nhập tịch và có gốc gác hiện nay (khoảng 6 - 7 cầu thủ) giúp tuyển Malaysia đạt các thành tích trên, thì hy vọng tình thế sẽ xoay chiều và FAM có lý do để hối thúc các CLB và LĐBĐ các bang đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Thế nhưng vấn đề này không hề dễ.

Mohamadou Sumareh (trái) là cầu thủ ngoại 100% nhập tịch và đã khoác áo tuyển Malaysia

Độc Lập

Theo Ajitpal Singh, hầu hết các CLB ở Malaysia không có nguồn tài chính để tập trung vào đào tạo cầu thủ trẻ. Đa số vẫn sống từ mùa này qua mùa khác bằng nguồn tài chính chủ yếu được cung cấp từ nhà nước và các bang, hoàn toàn không tự chủ hoặc có nguồn đầu tư từ các nhà tài trợ, và nếu có cũng chỉ nhỏ giọt.
Tại M-League, hiện chỉ có 2 CLB có lò đào tạo cầu thủ trẻ chất lượng là Johor Darul Ta'zim và Selangor. Trong khi Trung tâm kế hoạch phát triển bóng đá quốc gia (NFDP) đến nay chỉ cho ra lò 1 cầu thủ trẻ chất lượng là Luqman Hakim Shamsudin.

Hậu vệ La'Vere Corbin-Ong (trái) có gốc gác từ nước Anh

Độc Lập

Nhưng NFDP nay cũng không còn được quan tâm nữa sau khi HLV Lim Teong Kim (từng làm việc ở Học viện CLB Bayern Munich) chuyên trách đào tạo trẻ ra đi vì thất bại ở giải U.16 châu Á 2018.
Do đó, Ajitpal Singh cho rằng kế hoạch không đồng bộ của bóng đá Malaysia hiện nay quá chênh vênh. Nếu sắp tới tuyển Malaysia thành công ở AFF Cup và vòng loại World Cup 2022, thì cũng chỉ là trong thời điểm hiện tại, còn về lâu dài sẽ là khoảng trống rất lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.