Bóng đá sẽ không có việt vị?

05/03/2010 00:01 GMT+7

Mới đây thông tin từ một số báo mạng quốc tế cho biết, ngài Sepp Blatter, Chủ tịch FIFA đang có ý định bãi bỏ luật việt vị. Dù đây chỉ mới là ý tưởng và chưa chính thức đưa ra FIFA, nhưng dư luận đã xem đây là một vấn đề nhạy cảm liên quan đến sự sống còn của bóng đá.

Bỏ luật việt vị, những tiền đạo chuyên “ăn cắp trứng gà” như Filippo Inzaghi sẽ rất mừng - Ảnh: Reuters

Mới đây thông tin từ một số báo mạng quốc tế cho biết, ngài Sepp Blatter, Chủ tịch FIFA đang có ý định bãi bỏ luật việt vị. Dù đây chỉ mới là ý tưởng và chưa chính thức đưa ra FIFA, nhưng dư luận đã xem đây là một vấn đề nhạy cảm liên quan đến sự sống còn của bóng đá.

Chủ tịch LĐBĐ thế giới (FIFA), Sepp Blatter mới đây đã có cuộc nói chuyện với người bạn thân Leandro Negre - Chủ tịch Liên đoàn Khúc côn cầu (hockey) thế giới (IHF), về việc bãi bỏ luật việt vị và liệu xem ý tưởng này (nếu áp dụng) có mang lại lợi ích cho môn bóng đá hay không.

Theo ông Negre, “Blatter đã hỏi tôi rất nhiều câu hỏi, xung quanh sự thành công của môn khúc côn cầu sau khi bãi bỏ luật việt vị cách đây 12 năm. Dĩ nhiên, ông ấy chưa đưa ra bất cứ ý định gì cụ thể cả, nhưng Blatter có vẻ rất quan tâm về cách thức mà chúng tôi đang áp dụng và đạt những thành công ngoài mong đợi. Tuy nhiên, cũng thật khó tưởng tượng một trận bóng đá sẽ như thế nào nếu không còn luật việt vị?”.

Sau thông tin này, giới hâm mộ bóng đá khắp thế giới đã phản ứng rất mạnh mẽ và gọi “đó là ý tưởng điên khùng” nếu ông Blatter chính thức đưa ra đề xuất bãi bỏ điều luật lâu đời nhất của môn bóng đá (xuất hiện ở nước Anh từ đầu thế kỷ 19), và cũng là luật tạo ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử bóng đá thế giới dù liên tục được cải tiến để tạo sự công bằng và tăng tính hấp dẫn cho các trận đấu. Tuy nhiên, một số khác cũng cho rằng đó là một ý tưởng hết sức táo bạo và cần được xem xét, nhưng lẽ dĩ nhiên là phải thuyết phục được dư luận lẫn giới bóng đá.


Lại một lần nữa Chủ tịch FIFA lại gây tranh cãi với ý định của mình - Ảnh: AFP

Được biết, một trong những lý do chính mà ông Blatter muốn bãi bỏ luật việt vị là để các trận đấu có nhiều bàn thắng hơn (giống như bóng đá kiểu Mỹ), nhờ đó tính hấp dẫn sẽ tăng cao và kéo khán giả đến sân đông hơn.

Bình luận viên Paul Wilson của tờ The Guardian cho rằng: “Nếu chỉ nghĩ đến khía cạnh này thì việc bỏ luật việt vị sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cả, có khi còn giết chết bóng đá. Bởi vì khúc côn cầu không thể so sánh với bóng đá được, cả tính hấp dẫn và sự quan tâm của khán giả”. Paul Wilson đã đưa ra các dẫn chứng thuyết phục và tin tưởng rằng không cần phải thay đổi bất cứ thứ gì hiện có trong môn bóng đá, như lượng khán giả của môn khúc côn cầu (sau khi bỏ luật việt vị) chắc chắn không thể vượt qua được các trận bóng đá hiện nay và càng không thể lấy khúc côn cầu để so sánh với bóng đá được. Chưa kể, sự hấp dẫn của bóng đá giờ đã tạo ra một sức ảnh hưởng rất lớn ở khu vực Bắc Mỹ (nơi bóng đá kiểu Mỹ là số 1).

Wilson cho rằng: “Dĩ nhiên, luật việt vị hiện nay của bóng đá gây tranh cãi suốt, như mới đây là bàn thắng của Miroslav Klose trong trận Bayern Munich và Fiorentina tại giải Champions League. Tuy nhiên, đó cũng chính là sự hấp dẫn chết người của bóng đá, vì nó tạo ra sự tranh cãi triền miên. Ngay cả FIFA cũng “nhức đầu” trong việc có nên áp dụng công nghệ kỹ thuật để xác định chuyện bàn thắng qua hay chưa qua vạch vôi. Bởi vậy, nếu bỏ luật việt vị thì quả là lộn xộn”.

Trên website của kênh truyền hình SkySports, nhiều độc giả cho rằng: “Tất nhiên, có rất nhiều ý tưởng cần được xem xét, nhưng với ý tưởng bỏ luật việt vị thì không thể tưởng tượng được và càng không thể đem ra thử nghiệm”.

Bình luận viên kênh truyền hình BBC Barry Davies: Nên thử nghiệm bỏ luật việt vị ở những giải thấp


Bỏ luật việt vị, vai trò của trợ lý trọng tài sẽ “vô duyên”! - Ảnh: Reuters

Tôi từng làm việc trong cả 2 môn bóng đá và khúc côn cầu nên tôi hiểu được theo thời gian cũng cần phải có những thay đổi luật lệ theo hướng tích cực hơn. Nếu được, thì hãy thử nghiệm trong các trận đấu ở giải cấp thấp để xem liệu việc bỏ luật việt vị có khả thi không. Tôi nghĩ cầu thủ nào ra sân cũng muốn ghi bàn để đem chiến thắng về nên khi không có luật việt vị biết đâu sẽ kích thích tinh thần xông lên phía trước nhiều hơn.

Chris Morris (CĐV CLB Aston Villa): Ý tưởng hay

Thật sự, luật việt vị này từ bấy lâu nay đã gây quá nhiều cuộc tranh cãi, cầu thủ có việt vị hay không việt vị là đề tài muôn thuở. Người hâm mộ cần xem nhiều bàn thắng. Vậy thử nghiệm để có nên bỏ luật việt vị cũng là một ý tưởng hay đấy chứ.

HLV Trần Văn Phúc: Bóng đá sẽ bị khai tử

Nếu bỏ luật việt vị thì đấu pháp của mọi đội bóng sẽ thay đổi. Nếu như một đội cứ cắm hai cầu thủ ngay cầu môn khung thành đối phương, thì bắt buộc đối thủ cũng phải cắm người ở nhà để bảo vệ khung thành. Như vậy ở tuyến giữa sẽ trống vắng và trận đấu sẽ mất hay vì đội nào cũng cố gắng chơi bóng dài, không còn những pha phối hợp bóng đẹp mắt và hiệu quả. Bỏ luật việt vị sẽ như một lời khai tử với bóng đá.

Trọng tài FIFA Phùng Đình Dũng: Hệ thống chiến thuật sẽ bị phá sản!

Nếu FIFA có ý tưởng như vậy thì phải có một hội đồng chuyên môn phân tích rõ việt vị là lợi hay hại? Quan điểm của tôi, việt vị là phần không thể thiếu của bóng đá. Khi mới ra đời, bóng đá không có việt vị nhưng sau này không phải ngẫu nhiên mà việt vị lại được sản sinh. Không có việt vị, bàn thắng có thể được ghi dễ dàng hơn nhưng còn đâu tính hấp dẫn nữa. Mọi tinh hoa, óc sáng tạo của HLV, cầu thủ sẽ hoàn toàn mất tác dụng.

Cầu thủ Phạm Thành Lương (Hà Nội ACB): Trận đấu sẽ không còn kịch tính

Bỏ việt vị trận đấu sẽ mất hẳn cái hay. Không còn yếu tố bất ngờ và kịch tính nữa. Cầu thủ cứ thế mà đá, chẳng cần phải vận dụng đấu pháp này nọ. HLV cũng chẳng cần mất công chỉ đạo. Một trận đấu như vậy thì thử hỏi tính hấp dẫn ở đâu? Việt vị cần phải tồn tại như một phần tất yếu của bóng đá.

G.L - L.P - Q.H

Cái mới cần xem xét kỹ

Dĩ nhiên không phải cái mới nào đưa ra cũng đều đúng với thực tế và chắc chắn sẽ chịu nhiều áp lực. Nhưng một khi ý tưởng mới ươm mầm cho sự thay đổi để làm cho thể thao hấp dẫn hơn thì cần phải được xem xét kỹ trên tinh thần làm cho môn thể thao đó tiến bộ hơn.

Còn nhớ trước đây khi Liên đoàn Bóng chuyền thế giới (FIVB) đổi luật bóng chuyền từ việc nếu bên đỡ giao bóng thắng điểm đối phương thay vì đổi giao bóng sẽ thắng điểm trực tiếp cũng đã có nhiều tranh cãi. Thậm chí, có ý kiến phản ứng gay gắt khi cho rằng điều đó làm cho bóng chuyền mất đi sự giằng co và có lợi cho đội đỡ giao bóng. Nhưng thực tế cho thấy nhờ quy định này mà trận đấu không kéo quá dài và đã gây hiệu ứng tốt hơn với nhiều tình tiết hấp dẫn, tốc độ xử lý bóng nhanh hơn, giúp cho bóng chuyền trở nên lôi cuốn.

Báo Thanh Niên nhận thấy có nhiều tranh luận xung quanh vấn đề này. Bạn đọc có thể tham gia ý kiến bằng cách gửi về địa chỉ toasoan@thanhnien.com.vn.

Tương tự, khi Liên đoàn Bóng bàn thế giới (ITTF) đổi từ việc rút ngắn điểm số từng trận từ 21 xuống còn 11 điểm cũng như thay đổi luật 5 quả mới đổi giao bóng chỉ còn 2 quả đổi giao bóng cũng đã vấp phải phản ứng từ một số tay vợt chủ yếu của Trung Quốc, nơi đã thống trị gần đủ cả 7 nội dung của môn bóng bàn. Có lúc một số giải được tổ chức đã không áp dụng luật của ITTF như một cách chống chế. Nhưng rồi dần dần mọi người thấy những điểm mới rất tích cực từ việc thay đổi này và giờ đây bóng bàn cũng trở nên sinh động hơn.

Riêng bóng đá với những đặc thù của nó đã tồn tại hơn 100 năm và có sức lan tỏa rộng lớn đến hàng tỉ người thì bất cứ cái mới nào ra đời cũng cần phải điều nghiên kỹ. Trước đây, FIFA từng dự định mở rộng khung thành để tăng tỷ lệ bàn thắng cho thêm hấp dẫn. Điều đó cũng thú vị, nhưng cuối cùng vấp phải sự chống đối của các thủ môn nên rồi thôi. Hay cũng có lúc FIFA đã nghĩ ra việc kẻ một đường biên ngang song song với đường biên cuối sân ở khoảng cách 16m50. Nếu cầu thủ đứng dưới hàng thủ nhưng trong khu vực trên đường biên ngang đó vẫn không bị tính là việt vị. Làm như thế FIFA cũng muốn tăng thêm sự hấp dẫn với nhiều cơ hội hơn cho tiền đạo. Song ý tưởng này mới manh nha cũng phải gác lại vì chưa có sự đồng thuận cao.

Thế nên với luật việt vị nếu thay đổi cho tốt hơn cũng rất đáng lưu ý, tuy nhiên nên chăng xem xét thêm quy định đường biên ngang ở khu vực 16m50 trước đây chứ nếu bãi bỏ e sẽ mất đi những nét đẹp vốn có của bóng đá.

Q.T

Giang Lao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.