Cách trốn thuế của các đội bóng Anh

21/05/2010 08:37 GMT+7

Premier League là giải đấu hàng đầu thế giới hiện nay và các CLB tại Anh cũng có nguồn thu nhập rất cao. Tuy nhiên, cơ quan thuế của nước này lại không thu được tiền thuế từ những đội bóng giàu có. Nguyên nhân là do phần lớn các CLB tại Anh đều có công ty quản lý được đặt trụ sở ở nước ngoài.

Trụ sở của công ty Manchester United ở Anh chỉ mang vỏ bọc bên ngoài - Ảnh: Reuters

Premier League là giải đấu hàng đầu thế giới hiện nay và các CLB tại Anh cũng có nguồn thu nhập rất cao. Tuy nhiên, cơ quan thuế của nước này lại không thu được tiền thuế từ những đội bóng giàu có. Nguyên nhân là do phần lớn các CLB tại Anh đều có công ty quản lý được đặt trụ sở ở nước ngoài.

Theo điều tra của cơ quan thuế vụ Anh, gần ¾ các đội bóng Anh được quản lý bởi các công ty có trụ sở nước ngoài. Điều này giúp cho các ông chủ giàu có của các đội bóng không phải đóng mức thuế thu nhập cao đang được áp dụng. Số lượng các đội bóng có công ty quản lý đặt tại nước ngoài đang có xu hướng tăng lên tại Anh. Tuy nhiên, việc làm ấy đã gây sự chú ý của cơ quan thuế vụ. Một quan chức cấp cao của cơ quan nói trên cho biết họ đang tiến hành điều tra vụ việc.

Theo báo cáo tài chính gửi về cơ quan quản lý doanh nghiệp Anh thì có đến 14 CLB của Premier League, 5 CLB ở Championship, và Hartlepool, đội đang chơi ở League One có công ty quản lý đặt tại nước ngoài. Trong số ấy, nổi bật là Manchester United, Man City, Tottenham, Birmingham…

M.U được quản lý bởi một công ty có trụ sở đặt tại Nevada. Dù vậy, mọi hoạt động của đội bóng được điều hành bởi gia đình nhà Glazer từ Florida, Mỹ. Đội bóng láng giềng của M.U thuộc về hoàng thân Mansour bin Zayed bin Sultan Al Nahyan Man Xanh được điều hành bởi công ty có trụ sở ở Dubai. Trong khi đó, dù có chủ tịch là người Anh (Daniel Levy) nhưng Tottenham lại chịu sự điều hành của công ty ENIC International và công ty này đặt trụ sở ở quần đảo Bahamas, thuộc Anh.

Với Birmingham, đội bóng này thuộc về Carson Yeung Ka Sing, một thương gia Hong Kong. Tuy nhiên, Birmingham International Holdings, công ty quản lý Birmingham lại đặt ở đảo Cayman. Ngoài ra, có thể kể đến trường hợp của các CLB khác như Arsenal, Bolton Wanderers, Liverpool, Newcastle United, Sunderland, Fulham…

Dù cơ quan thuế nước Anh đang tiến hành điều tra về các trường hợp nói trên nhưng cũng có ý kiến ủng hộ xu hướng các đội bóng Anh được bán cho người nước ngoài. Mike Warburton, một chuyên viên tư vấn của công ty Grant Thornton nhận định trên The Times: “Sự gia tăng số lượng các đội bóng Anh có chủ sở hữu là người nước ngoài cho thấy bóng đá Anh là một môi trường đầu tư hấp dẫn. Các CLB bóng đá có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Anh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chính phủ không nên có những hành động thay đổi thực trạng hiện nay”.

Hải Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.