Cầu thủ sút phạt hết “lừa” thủ môn

20/05/2010 00:25 GMT+7

Những nhà làm luật của LĐBĐ thế giới (FIFA) vừa thông qua việc áp dụng luật mới trong các pha sút phạt penalty ở World Cup 2010. Mời nghe đọc bài

Cầu thủ sút phạt sẽ không còn chiếm ưu thế hơn thủ môn khi luật sút phạt mới được áp dụng - Ảnh: AFP

Những nhà làm luật của LĐBĐ thế giới (FIFA) vừa thông qua việc áp dụng luật mới trong các pha sút phạt penalty ở World Cup 2010.

 Mời nghe đọc bài

Ngày 18.5, Hiệp hội Luật bóng đá quốc tế (IFAB) dưới sự chủ trì của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã thông qua việc áp dụng luật mới trong các pha đá 11m tại World Cup 2010. Theo luật mới, các cầu thủ đá phạt 11m sau khi kết thúc chạy đà sẽ phải sút bóng ngay. IFAB cho rằng việc áp dụng luật mới này nhằm tránh trường hợp cầu thủ đá phạt làm động tác đánh lạc hướng thủ môn trước khi sút. Nếu cầu thủ sút phạt dừng lại sau khi kết thúc chạy đà mà không sút ngay sẽ dẫn đến tình huống thủ môn bay người trước, và khi đó, cầu thủ đá phạt chỉ việc sút bóng theo hướng ngược lại, vào góc trống của khung thành.

Theo ông Patrick Nelson - một thành viên của IFAB, hiện tượng các cầu thủ sút phạt 11m đánh lừa các thủ môn sau khi chạy đà đang xuất hiện rất nhiều ở Nam Mỹ, đặc biệt là ở Brazil. Nelson cho rằng, những phá sút phạt như thế sẽ khiến các thủ môn dễ bị ức chế và tranh cãi với trọng tài. Điển hình thủ môn Faouzi Chaouchi của Algeria tỏ ra rất tức giận và phản ứng gay gắt với trọng tài sau khi bị cầu thủ Hosni Abd Rabou của Ai Cập đánh lừa trên chấm 11m ở bán kết CAN 2010. Vì vậy, khi luật đá 11m mới được áp dụng tại Nam Phi, các trọng tài sẽ nhẹ gánh hơn do chỉ áp dụng theo luật. Trong khi đó, thủ môn sẽ chủ động hơn trong các pha chống đá phạt 11m. Ngược lại, Brazil, Ý, Argentina - những đội thường xuyên sử dụng tiểu xảo trong sút phạt 11m - sẽ hết có cơ hội… "lừa" thủ môn bằng động tác giả ở World Cup lần này.

Sau khi luật mới về đá phạt 11m được thông qua, Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke cho biết sẽ thông báo rộng rãi, đồng thời đưa ra một số đoạn video để cho thành viên các đội tuyển hiểu rõ luật mới này ở World Cup. Những cầu thủ vi phạm luật này sẽ lãnh thẻ vàng vì lỗi "ứng xử phi thể thao", và họ còn bị buộc phải thực hiện lại cú sút phạt nếu như bóng đã vào lưới.

Cũng trong buổi họp này, IFAB cũng mở rộng quyền hạn của trọng tài thứ 4, vốn chỉ có trách nhiệm kiểm tra và giám sát việc thay cầu thủ trong trận đấu, và quản lý những vấn đề bên ngoài sân cỏ để đảm bảo trận đấu diễn ra suôn sẻ, thì nay sẽ được phép hỗ trợ trọng tài chính trong việc giải quyết những sự cố xảy ra trên sân.

Giám sát trọng tài Bùi Như Đức: "Điều luật FIFA vừa ban hành liên quan về luật đá phạt đền, theo đó cầu thủ sút phạt bị cấm làm động tác giả khi đã chạy đến bóng đã được FIFA hướng dẫn cho các liên đoàn bóng đá thành viên trong luật sửa đổi 2008 - 2009. Bây giờ FIFA muốn cụ thể hóa vấn đề hơn khi chính thức đưa vào vận dụng ở World Cup 2010 để giúp điều luật này phổ biến đến khắp nơi trên thế giới. Với quan điểm của tôi, tôi cho rằng luật này rất hay. Bởi khi đá phạt đền cự ly 11m, thủ môn chính là người gặp bất lợi hơn cầu thủ sút phạt đền, nếu tạo điều kiện cho cầu thủ sút phạt được quyền đánh lừa thủ môn, thì người giữ thành khó có cơ hội để cản phá các quả 11m. Chính vì thế, FIFA mới đi đến quy định cấm cầu thủ đá phạt đánh lừa thủ môn, để hai bên (cầu thủ đá phạt đền và người bắt phạt đền) công bằng như nhau".

Tiền đạo Phan Thanh Bình: Khi thực hiện đá phạt đền, người đá phạt luôn chiếm ưu thế hơn thủ môn, bởi họ có nhiều cơ hội thành công hơn. Theo tôi, chính vì thế mà FIFA đã ban hành luật mới để hạn chế ưu thế của người đá phạt. Nhưng luật mới này cũng có điều khiến cho người hâm mộ không hài lòng, bởi trong bóng đá cần phải có những pha bóng lạ lẫm thì mới tăng thêm sự thích thú cho người xem. Trước đây, những cầu thủ có đẳng cấp thường để lại ấn tượng khó phai bằng những pha làm động tác giả điệu nghệ để đánh lừa thủ môn, khiến cho bàn thắng của họ mềm mại và đẹp đẽ hơn. Bây giờ cứ chạy đến bóng là sút, xem ra bóng đá sẽ có phần cứng nhắc".

Q.H (ghi)

Nguyên Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.