Chính khách và bóng đá: Ai quyết định cú áp phe Paris Saint-Germain ?

26/09/2015 06:19 GMT+7

Dưới bàn tay “đạo diễn” của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, CLB Paris Saint-Germain trở thành thế lực lớn của bóng đá Pháp và châu Âu chỉ trong thời gian cực ngắn.

Dưới bàn tay “đạo diễn” của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, CLB Paris Saint-Germain trở thành thế lực lớn của bóng đá Pháp và châu Âu chỉ trong thời gian cực ngắn.

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy biến PSG thành thế lực hùng mạnh - Ảnh: AFP
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy biến PSG thành thế lực hùng mạnh - Ảnh: AFP
Thủ đô Paris của nước Pháp chưa bao giờ là một thành phố bóng đá. Tại đấy, chỉ có một đội bóng đáng kể là Paris Saint-Germain (PSG), chỉ mới được thành lập vào năm 1970, tức đáng được xếp vào loại non trẻ nhất trong làng bóng châu Âu. Cho đến cách đây vài năm, PSG thậm chí bị ngó lơ bởi chính cư dân trong thành phố. Nhiều người đã sống lâu năm ở thủ đô nước Pháp mà không hề biết tại đây có một đội bóng. Cũng khó mà tìm ra một cửa hàng bán áo, mũ hoặc đồ lưu niệm mang hình ảnh PSG.
Với cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, chuyện về PSG có vẻ còn tồi tệ hơn. Ông là cổ động viên của đội này nhưng ông luôn chán ngán trước tình trạng PSG bị lợi dụng để trở thành công cụ của trào lưu tân phát xít. "Xanh - trắng - đỏ, Pháp phải là màu trắng"! Các cổ động viên để đầu trọc của PSG thường đến sân chỉ để hát vang như vậy. Rồi họ hô các khẩu hiệu cổ súy Jean-Marie Le Pen, thủ lĩnh phe cực hữu thường kêu gọi "hãy trả lại đội tuyển Pháp cho các cầu thủ da trắng". Các giám đốc PSG thường sợ sệt hơn là dám tỏ thái độ với những nhóm hooligan tân phát xít hùng cứ trên khán đài sân Parc des Princes. Một thành viên trong các nhóm ấy, Maxime Brunerie, từng mưu sát Tổng thống Jacques Chirac vào đúng ngày Quốc khánh Pháp năm 2002.
Khán đài Parc des Princes ngày càng trở nên trống vắng vì hooligan, cũng vì đội chủ nhà PSG chẳng bao giờ xứng danh lá cờ đầu của bóng đá Pháp. Thế rồi, PSG bị bán để giải quyết nợ nần và đội đại diện thủ đô nước Pháp rơi vào tay Canal+, kênh truyền hình mà Sarkozy... cực ghét. Sau vài năm làm ăn "xem được", rốt cuộc PSG lại thua lỗ về tài chính và bết bát về chuyên môn.
Đến đây thì mọi chuyện thay đổi và theo điều tra của tuần báo France Football thì tất cả được quyết định trong một bữa ăn trưa của Nicolas Sarkozy. Đó là năm 2010, Sarkozy đang là Tổng thống Pháp (ông giữ ghế trong giai đoạn 2007 - 2012). Khách mời của Tổng thống Sarkozy trong bữa cơm trưa tại điện Elysée là Chủ tịch UEFA Michel Platini và thái tử Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani. Dù không xác nhận việc Sarkozy "yêu cầu" hay "vận động" mình bỏ phiếu cho Qatar trong cuộc chọn nước chủ nhà World Cup 2022, nhưng Platini kể lại trên tờ Don Balon của Tây Ban Nha: "Tổng thống Sarkozy nói rằng nếu được như thế (Platini bỏ phiếu cho Qatar) thì quá tuyệt vời".
Những gì diễn ra trong bữa ăn trưa của Tổng thống Sarkozy, người ta cứ việc suy diễn, từ các thông tin không thể phủ nhận nhưng cũng chẳng ai xác nhận. Nhưng có 3 việc đã là sự thật sau bữa ấy: Không riêng gì Platini, mà cả một khối của ông, đã dồn phiếu cho Qatar và nước này giành quyền đăng cai World Cup 2022; Đài truyền hình Al Jazeera của Qatar mua bản quyền truyền hình giải Ligue 1 và Tập đoàn Qatar Sports Investments mua lại CLB PSG. Ở một mức độ nào đó, có thể xem Qatar Sports Investments là một cánh tay của chính phủ Qatar. Họ đã giúp Tổng thống Sarkozy nhổ hẳn cái gai Canal+. Họ làm chủ luôn PSG để rồi bây giờ CLB duy nhất ở Paris (mà Sarkozy cổ vũ) có thể đàng hoàng cạnh tranh với những thương hiệu hàng đầu trong bóng đá châu Âu. Đổi lại, Sarkozy giúp Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022? Chuyện mua bán phiếu trong hàng ngũ quan chức chóp bu FIFA giờ chẳng còn làm ai ngạc nhiên nữa. Phần mình, Sarkozy từng chịu cáo buộc tham nhũng vào năm 2014 (tức 2 năm sau khi ông rời ghế tổng thống).
Bộ mặt, đẳng cấp chuyên môn và sự giàu có của PSG thay đổi hoàn toàn kể từ khi thuộc về Qatar Investments vào năm 2011. Bây giờ, nếu may mắn mua được vé đến sân Parc des Princes, bạn có thể được đón tiếp bởi một dàn nhạc jazz - thay vì là những hooligan như nhiều năm trước. Số lượng celebrity (nhân vật nổi tiếng) ở các khu vực VIP của Parc des Princes nhiều hơn bất cứ nhà hàng nào tại Paris. Còn trên sân, ngôi sao Zlatan Ibrahimovic thường xuyên ghi bàn, để rồi sau đó tuyên bố anh và đồng đội "đại diện cho Paris, nước Pháp, và Qatar". PSG lột xác, bóng đá Pháp cũng thay đổi theo. Điều đáng nói là ít ai biết rằng những thay đổi lớn lao ấy do chính cựu Tổng thổng Nicolas Sarkozy đạo diễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.