Chính khách và bóng đá: Chức vô địch World Cup của... Tổng thống Videla

03/10/2015 07:46 GMT+7

Khi Jorge Rafael Videla qua đời cách đây 2 năm, báo chí Anh dựng lại chân dung nhà lãnh đạo độc tài quân phiệt: ông đem lại cho Argentina những năm tháng đầy sợ hãi, nhưng ông cũng đem lại chức vô địch World Cup cho đất nước này.

Khi Jorge Rafael Videla qua đời cách đây 2 năm, báo chí Anh dựng lại chân dung nhà lãnh đạo độc tài quân phiệt: ông đem lại cho Argentina những năm tháng đầy sợ hãi, nhưng ông cũng đem lại chức vô địch World Cup cho đất nước này.

Videla và chiếc cúp vô địch của Argentina năm 1978 - Ảnh: AFP
Tướng Videla đáng gọi là con nhà nòi chuyên về lật đổ. Bố ông cũng thuộc giới tướng lĩnh, từng thành công trong cuộc đảo chính đầu tiên ở thế kỷ 20 tại Argentina. Đến năm 1976 thì Videla lại đảo chính thành công, lật đổ Isabel Peron và chiếm ghế Tổng thống Argentina.
Không ai đổ máu trong cuộc chính biến, chủ yếu vì khi ấy gần như chẳng còn ai ủng hộ Isabel Peron nữa (trước đó bà vừa là phó tổng thống, vừa là đệ nhất phu nhân của Juan Peron, rồi lên thay chồng khi Tổng thống Peron qua đời). Argentina chỉ rơi vào nỗi khiếp đảm những năm sau đó. Ước tính, có khoảng 13.000 đến 30.000 đối thủ chính trị đã "biến mất" trong thời gian Videla cầm quyền. Argentina thật sự ngột ngạt bởi những cuộc bắt cóc, tra tấn, thủ tiêu... Cuộc sống thường nhật của dân chúng trở nên khó khăn. Dứt khoát phải có một sự kiện lớn nào đó để cả nước "thay đổi đề tài". Với tướng Videla, không có cơ hội nào lớn hơn kỳ World Cup 1978 mà Argentina lần đầu tiên đăng cai.
Argentina luôn là cường quốc bóng đá hàng đầu Nam Mỹ, nhưng họ gần như "chẳng có gì" trong khi Brazil đã 3 lần vô địch, Uruguay bé xíu cũng đã đăng quang 2 lần (tính đến thời điểm ấy). Giới hâm mộ Argentina khao khát được tận mắt chứng kiến vinh quang tột đỉnh trong môn túc cầu? Nói thế chưa đủ. Argentina dứt khoát "phải vô địch".
Khẩu hiệu của Videla trước World Cup 1978 là "25 million Argentinians will PLAY in the World Cup" (25 triệu người Argentina sẽ tham gia World Cup). Báo chí phương Tây lập tức mỉa mai: "25 million Argentinians will PAY for the World Cup" (25 triệu người Argentina sẽ trả giá cho World Cup). Ở thập niên 1970, ai cũng sững sờ khi biết Argentina chi đến 700 triệu USD cùng 300 triệu USD "phát sinh" (một cách nói khác cho từ "hối lộ") để có một kỳ World Cup thành công.
Báo chí từng viết: huyền thoại Johan Cruyff tẩy chay World Cup 1978 vì ông không muốn tham gia một sự kiện của chính quyền Videla. Mặc kệ. Tất cả những gì liên quan đến kế hoạch đoạt ngôi vô địch World Cup 1978 của đội tuyển Argentina đều phải hoàn hảo. Đỉnh cao của sự "hoàn hảo" thật ra đâu có thuộc về Argentina. Chính FIFA mới là đạo diễn xuất sắc hơn cả, khi họ luôn xếp Argentina đá sau so với đối thủ cạnh tranh (trong khi ở các bảng còn lại thì loạt trận cuối phải luôn diễn ra cùng lúc).
Thế là xảy ra câu chuyện vào loại kỳ bí nhất trong lịch sử World Cup. Argentina và Brazil đồng điểm trước khi đôi bên đá trận cuối cùng ở vòng bảng thứ hai. Brazil thắng Ba Lan 3-1. Muốn chiếm ngôi đầu bảng để đá trận chung kết, Argentina phải thắng Peru 4 bàn cách biệt. Mà khi ấy, Peru là một đội mạnh, có ngôi sao sáng Teofilo Cubillas, đứng trên cả á quân Hà Lan ở vòng bảng thứ nhất. Quá khó chăng? Không hề! Biết rõ "chỉ tiêu" trước khi ra sân, Argentina thắng đậm Peru 6-0. Thủ môn nổi tiếng Ramon Quiroga của Peru giải thích việc thi đấu như một gã ngố bằng cách như thể "lạy ông tôi ở bụi này". Anh chạy ngay đến các micro sau khi trận đấu kết thúc và nói: "Không có dàn xếp đâu nhé"!
Cuối cùng, Argentina vô địch World Cup 1978 "đúng như dự đoán", sau khi thắng Hà Lan 3-1 trong trận chung kết. Chỉ vài tuần sau đó, chính phủ Videla "viện trợ nhân đạo" hàng chục ngàn tấn ngũ cốc cho Peru. Ngân hàng Trung ương Argentina thì giải ngân cho giới quân sự Peru ít nhất 50 triệu USD. Hàng loạt tướng lĩnh Peru giải ngũ để tận hưởng cuộc sống an nhàn bằng tiền trợ cấp từ phía... Argentina.
Ở Brazil, báo chí bình luận: "6-0 chẳng thành vấn đề. Nếu cần, Argentina có thể thắng 52-0 và đứng đầu bảng". Còn ở Hà Lan? Cựu danh thủ Rob Rensenbrink từng có một cú sút dội cột ra ngoài, khi trận chung kết chỉ còn 2 phút và tỷ số đang là 1-1. Ông đã bỏ lỡ cơ hội lịch sử? Rensenbrink sau này bình luận: "Báo chí thật ngây thơ khi nói như vậy. Họ không hiểu rằng Argentina PHẢI vô địch. Tôi mà ghi bàn thì trận đấu sẽ có thêm bao nhiêu phút bù giờ? Sẽ có những quả phạt đền? Rất dễ suy luận".
Tướng Videla thành công trong việc đem về cho Argentina chức vô địch World Cup 1978 và củng cố vững vàng chiếc ghế tổng thống. Nhưng ông thất sủng khá nhanh và đến năm 1981, ông đành trao lại quyền lực cho tướng Roberto Viola.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.