Chờ đợi bước đột phá mới cho bóng đá tương lai

02/03/2012 19:10 GMT+7

(TNO) Ngày mai, 3.3, Hội đồng Bóng đá Quốc tế (IFAB) và cơ quan làm luật của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) sẽ nhóm họp để thông qua nhiều dự thảo luật đáng chú ý cho bóng đá tương lai.

(TNO) Ngày mai, 3.3, Hội đồng Bóng đá Quốc tế (IFAB) và cơ quan làm luật của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) sẽ nhóm họp để thông qua nhiều dự thảo luật đáng chú ý cho bóng đá tương lai.

>> Trọng tài bàn được xem ti-vi
>> Sai lầm của trọng tài là không thể tránh
>> FIFA lại gặp rắc rối khi “bàn thắng Lampard” tái hiện

 
Quả bóng thông minh được áp dụng sẽ giúp bóng đá tránh được những tình huống gây tranh cãi - Ảnh: AFP/Reuters

Trong đó, đáng chú ý nhất chính là việc liệu IFAB có thông qua luật dùng quả bóng công nghệ cao hay dùng "mắt thần" - một camera thu nhỏ ở vạch vôi trước khung thành để xác định quả bóng đã đi vào khung thành hay chưa. Đây là đề tài gây nhiều tranh cãi của bóng đá thế giới.

Quả bóng công nghệ cao

Quả bóng này có hình dáng bên ngoài tương tự như một quả bóng bình thường, nhưng bên trong có gắn 1 chip để có thể gửi thông tin tới đồng hồ chuyên dụng đeo trên tay trọng tài, các trợ lý trọng tài và giám sát viên khi quả bóng đi qua đường biên (kể cả trong trường hợp bóng bị cầu thủ che khuất khiến các trọng tài không phát hiện được).

Nó cũng xử lý và gửi thông tin đến các thiết bị giám sát, giúp trọng tài xác định bóng đã đi vào khung thành hay chưa để họ có tiếng còi chính xác trong trận đấu.

Tại vòng chung kết World Cup 2010 ở Nam Phi, tuyển Anh đã phải "khóc hận" sau khi bị trọng tài từ chối một bàn thắng rõ mười mươi của Frank Lampard vào lưới tuyển Đức và mới nhất là bàn thắng không được công nhận của Muntari (Inter Milan) vào lưới Juventus...

Quả bóng công nghệ cao đã được áp dụng tại vòng bàn kết Cúp các câu lạc bộ thế giới diễn ra ở Nhật Bản hồi năm 2007, nhưng sau đó đã bị xếp xó mặc dù có nhiều kiến nghị đòi đưa vào áp dụng tại World Cup 2010.

Theo dự kiến, vào ngày mai, 8 quả bóng có sử dụng công nghệ cao, trong đó có một quả gắn con chip của hãng điện tử Cairos (Đức) sẽ được áp dụng vào các trận đấu thuộc khuôn khổ vòng 27 Premier League.

Tuy nhiên, FIFA cho biết nếu trong kỳ họp này, IFAB có thông qua thì luật quả bóng công nghệ cao hay "mắt thần" vẫn chưa được áp dụng ngay mà phải chờ đến ngày 2.7, sau khi EURO 2012 kết thúc.

Theo FIFA, sở dĩ quả bóng công nghệ cao hay "mắt thần" vẫn phải trì hoãn đến sau EURO 2012 là do FIFA đang thử nghiệm hệ thống 5 trọng tài gồm trọng tài chính, 2 trọng tài biên và thêm 2 trọng tài, mỗi người ở một cầu môn. FIFA cho biết hệ thống này đang được áp dụng thử nghiệm tại Europa League, Champions League và tại vòng chung kết EURO 2012 sẽ chính thức được áp dụng.

 
Theo IFAB, mức phạt dành cho một cầu thủ truy cản đối phương trong tình huống có thể ghi bàn hiện nay là quá nặng - Ảnh: Reuters

Trong số những dự thảo chờ IFAB thông qua còn có mức phạt quá nặng dành cho một cầu thủ truy cản đối phương trong tình huống có thể ghi bàn. Hiện nay mức phạt dành cho lỗi này là thẻ đỏ, phạt 11 m và cấm thi đấu từ 1 đến 2 trận. IFAB cho rằng luật này dường như quá khắc nghiệt và hứa hẹn sẽ giảm nhẹ.

Một điểm đáng chú ý khác là việc bóng đá thế giới có thể lần đầu tiên được thay người lần thứ 4 so với 3 lần như trước đây. Lần thay người thêm này sẽ được thực hiện nếu hai đội thi đấu hiệp phụ.

Một điều nữa mà IFAB sẽ bàn tới là việc trọng tài sử dụng một bình xịt đánh dấu vị trí đứng của hàng rào trong quả phạt trực tiếp. Điều này đã được thử nghiệm tại Copa America 2011, trong đó vết đánh dấu sẽ tự mất đi sau vài giây.

Bên cạnh đó, Hoàng thân Jordan Ali Bin Al-Hussein, Phó chủ tịch của FIFA phụ trách khu vực châu Á, sẽ đưa ra đề xuất với IFAB về việc dỡ bỏ lệnh cấm và cho phép các nữ cầu thủ Hồi giáo được mang khăn trùm đầu khi thi đấu. Cách đây 5 năm, vì lý do an toàn, FIFA đã cấm các nữ cầu thủ mang khăn trùm đầu khi ra sân.

Công nghệ nào tối ưu nhất?

Hai kỹ thuật theo dõi quả bóng đã được một số bộ môn thể thao áp dụng từ ít lâu nay. Kỹ thuật Hawk-Eye (mắt thần), vốn sử dụng nhiều camera để theo dõi quả bóng, nay được áp dụng trong tiến trình xét xử ở hai bộ môn cricket và quần vợt.

 
"Mắt thần" được áp dụng vào môn cricket từ năm 2001 - Ảnh: AFP

Được sử dụng lần đầu trong các kỳ tranh tài cricket tại Anh và Pakistan hồi năm 2001, nay kỹ thuật này được chấp nhận như là một phần của môn cricket.

Tuy nhiên, việc sử dụng kỹ thuật này trong bộ môn quần vợt đã gây ra tranh cãi, nhất là vụ cây vợt nữ Serena Williams bị loại ra khỏi giải US Open hồi năm 2004.

Các đoạn video thu hình cho thấy là một số lỗi mà trọng tài bắt là sai và mặc dù ban lãnh đạo giải này không đảo ngược quyết định của trọng tài, nhưng hệ thống Hawk-Eye đã được lắp đặt trên sân Flushing Meadows từ năm 2006.

Nhóm phát minh ra hệ thống Hawk-Eye dự trù đặt sáu máy camera chung quanh khung thành để dùng trong bóng đá. Các camera được điều chỉnh để nhận quả bóng là “mục tiêu để quan tâm” chứ không phải là thủ môn hay các cầu thủ khác. Các camera sau đó sẽ phát hiện chính xác nếu như quả bóng vượt qua đường biên, thì các camera này sẽ gởi một tín hiệu "bíp" đến máy thu sóng của trọng tài.

 
Quả bóng công nghệ cao mang tên Cairos - Ảnh: Reuters

Hệ thống theo dõi quả bóng công nghệ cao (goal-line technology) còn lại được đặt tên là Cairos dùng một kỹ thuật khác. Thay vì dùng các camera, hệ thống này cài một chip điện tử vào bên trong quả bóng.

Ông Christian Holzer, thành viên của công ty Cairos (Đức) nói rằng “chip cài bên trong quả bóng” không có ảnh hưởng gì tới các đặc tính của bộ môn này. Chip điện tử được đặt ngay trung tâm quả bóng trong một lớp bao bọc rất chắc chắn.

Ông Holzer còn nhấn mạnh: "Chúng tôi đã dùng quả bóng này trong hơn một trăm trận đấu để xem coi có ảnh hưởng gì không, và thực tế mà nói, không có ảnh hưởng gì”.

Công ty Cairos nói rằng toàn bộ thiết bị này nặng có 15 gam, trong lúc quả bóng Jabulani được dùng ở World Cup 2010 cân nặng từ 420 đến 445 gam.

Sơn Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.