Công nghệ bóng đá Bồ Đào Nha

15/03/2010 11:47 GMT+7

(TNTT&GT) Tôi cùng với đoàn công tác của Công ty thể thao Sài Gòn Gia Định đã có mặt tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha vào lúc 12 giờ 30 (19 giờ 30 tại VN) ngày 13.3.

(TNTT&GT) Tôi cùng với đoàn công tác của Công ty thể thao Sài Gòn Gia Định đã có mặt tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha vào lúc 12 giờ 30 (19 giờ 30 tại VN) ngày 13.3.

Mục đích chuyến đi lần này của đoàn là ký hợp tác chuyển giao công nghệ đào tạo bóng đá trẻ với một CLB bóng đá hàng đầu của Bồ Đào Nha, đồng thời chứng kiến lễ trao Huân chương công trạng của Chính phủ Bồ Đào Nha cho HLV ĐTVN Henrique Calisto diễn ra vào 22 giờ 30 (giờ VN) hôm nay, 15.3, tại Lisbon, Bồ Đào Nha.

Con trai ông Henrique Calisto, Tiago Calisto, đã đón đoàn tại sân bay Lisbon và đưa về khách sạn Marriott Lisbon nghỉ ngơi. Tiago cũng chính là giám đốc của dự án Học viện đào tạo bóng đá trẻ tại TP.HCM của Công ty thể thao Sài Gòn Gia Định sắp sửa được triển khai.

Sau khi nhận khách sạn, chúng tôi đã đi xem trận đấu giữa 2 đội trẻ U.18 của hai câu lạc bộ đang thi đấu ở giải vô địch Bồ Đào Nha là Academica Coimbra và Porto.

Thật xứng danh là một trong những quốc gia có công nghệ đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu thế giới, dù chỉ là một trận đấu của 2 đội trẻ, nhưng họ đã tổ chức tốt như một trận đấu chuyên nghiệp từ chuyên môn cho đến khâu an ninh, giải trí thậm chí có đến khoảng 5.000 khán giả đến xem.


Khu mua sắm trong khuôn viên CLB Acamedica


Phòng chữa trị chấn thương, hồi phục sức khỏe


Biểu tượng trước học viện Acamedica


Phòng tập thể dục


Khu VIP vừa xem bóng đá, vừa thưởng thức ẩm thực


Các cẩu thủ trẻ Academica Coimbra  đến sân

Nhưng càng ngạc nhiên hơn khi tôi được Giám đốc Học viện Acamedica, ông Camilo Antonio Fernandes, hướng dẫn tham quan học viện, nơi các cầu thủ sinh hoạt và tập luyện.

Các cầu thủ trẻ Acamedica được sắp xếp 2 người ở chung một phòng đầy đủ tiện nghi. Ở học viện có đầy đủ các phòng chức năng như: phòng họp, phòng phân tích kỹ thuật các trận đấu, phòng tập thể lực, phòng massage, phòng thay quần áo, phòng ăn, phòng giải trí, phòng đọc sách, phòng y tế, phòng chăm sóc chấn thương, phòng vật lý trị liệu… và tất cả đều được trang bị ti-vi để các cầu thủ vừa sinh hoạt tại chỗ vừa theo dõi thời sự.

Từ các cửa sổ phòng ăn của học viện, nhìn ra ngoài là các sân tập và thi đấu bằng cỏ tự nhiên lẫn cỏ nhân tạo. Ngay cả xe đưa đón cầu thủ, về kích thước cũng như các trang thiết bị trong xe cũng được trang bị đầy đủ như đội bóng lớn.

Và như thế, với sự trang bị này, các cầu thủ trẻ Học viện Acamedica “hơn” rất nhiều đội bóng Việt Nam đang thi đấu ở V-League.

Sau đó, chúng tôi đến xem hai đội trẻ Acamedica và Porto thi đấu càng bất ngờ hơn. Họ biến sân vận động của Acamedica trở thành khu thể thao giải trí liên hợp. Trong khuôn viên sân vận động, họ tận dụng phía dưới sân là hầm để xe hơi; chung quanh sân xây nhà thi đấu các môn thể thao trong nhà để kinh doanh; xây trung tâm thương mại 4 tầng rộng lớn có cả các rạp chiếu phim; khu chơi điện tử; khu bán đồ lưu niệm của đội bóng; khu nhà hàng, khách sạn và cả những căn hộ cho thuê.

Tất cả đều xuất phát từ ý tưởng: đi xem bóng đá là đi giải trí. Và nếu như cả gia đình cuối tuần đến sân vận động mà mỗi người một ý thích, có thể người chồng xem bóng đá, vợ mua sắm và các con xem phim. Như vậy, trong 2 tiếng đồng hồ, mỗi thành viên trong gia đình đều có thể thư giãn theo ý thích của mình.

Với phương châm là giải trí, sân vận động có khu VIP, và tại đây các cổ động viên có thể vừa xem bóng đá vừa ăn, uống chuyện trò thoải mái với đầy đủ các loại bánh trái, thức ăn đồ uống ngọt lẫn mặn.

Chỉ tham quan và tìm hiểu trong một buổi sẽ không thể thấy và hiểu hết sức sống của bóng đá Bồ Đào Nha. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, Bồ Đào Nha đã biến bóng đá thành công nghệ và đó không chỉ là công nghệ giải trí mà còn là công nghệ kinh doanh – một nền tảng để bóng đá tồn tại và phát triển.

Đặng Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.