Cuộc chiến quyền lực ở FIFA

26/05/2011 00:08 GMT+7

Cuộc đua giành ghế Chủ tịch FIFA vào ngày 1.6 sắp tới giữa ông Sepp Blatter và Mohamed bin Hammam (Chủ tịch LĐBĐ châu Á - AFC) chỉ là hình thức, bởi thực tế, Sepp Blatter vẫn thắng thế nhờ vào những phi vụ “đi đêm” và cách thức áp đặt quyền lực.

Cuộc đua giành ghế Chủ tịch FIFA vào ngày 1.6 sắp tới giữa ông Sepp Blatter và Mohamed bin Hammam (Chủ tịch LĐBĐ châu Á - AFC) chỉ là hình thức, bởi thực tế, Sepp Blatter vẫn thắng thế nhờ vào những phi vụ “đi đêm” và cách thức áp đặt quyền lực.

Lật lại “sổ đen”

Cuối năm 1996, Chủ tịch Joao Havelange tuyên bố rút lui sau 24 năm trị vì FIFA. Lúc đó, ứng viên sáng giá nhất là Chủ tịch LĐBĐ châu Âu (UEFA) Lennart Johansson. Tuy nhiên, Johansson đã “giương cờ trắng” trước một Blatter cao tay ấn . Người đàn ông Thụy Sĩ này đưa ra lời cam kết sẽ đem World Cup 2006 và tài trợ thêm nhiều dự án bóng đá đến với châu Phi với mục đích lấy đa số phiếu ủng hộ của châu lục đen. Thời điểm này, báo giới cũng đăng tải Phó chủ tịch LĐBĐ châu Phi Farra Addo tố cáo việc ông được đề nghị trả 100.000 USD nếu ủng hộ ông Blatter. Năm 1999, nhà báo Anh David Yallop tung ra một loạt phóng sự điều tra những bê bối ở kỳ bầu cử Chủ tịch FIFA năm 1998, trong đó tiết lộ Sepp Blatter đã hối lộ khoảng 250.000 USD cho các thành viên bóng đá châu Phi khi đang ở một khách sạn tại Paris (Pháp). Vụ việc sau đó được Sepp Blatter ém nhẹm tài tình rằng: ứng trước tiền… trợ cấp hằng năm! Kết cục, Sepp Blatter với 111 phiếu bầu đã đánh bại Johansson (80 phiếu), nhưng sau đó Đức lại là nước đăng cai World Cup 2006 trước sự ngỡ ngàng của châu Phi.

 
Cựu Chủ tịch FIFA Havelange (trái) và Chủ tịch FIFA Blatter (phải), những con người quyền lực ở FIFA - Ảnh: Reuters

Đến cuộc bầu cử ở 2 nhiệm kỳ tiếp theo vào năm 2002 và 2007, khi đã nắm trong tay quyền lực và có thể lấy đa số phiếu ủng hộ từ châu Âu, Blatter tiếp tục tái đắc cử nhờ trợ thủ Jack Warner - Phó chủ tịch FIFA kiêm Chủ tịch LĐBĐ Bắc - Trung Mỹ và vùng Caribe (CONCACAF). Được Sepp Blatter chia sẻ quyền lợi và cả quyền lực, Jack Warner đã thao túng lượng lớn vé xem World Cup 2006 và 2010 bán ra chợ đen để thu một khoản lợi nhuận kếch sù… Thậm chí, nhà báo điều tra nổi tiếng người Anh Andrew Jennings từng viết trong cuốn Foul!: The Secret World of FIFA: Bribes, Vote Rigging and Ticket Scandals (Tạm dịch: Phạm lỗi! Thế giới bí mật của FIFA: Hối lộ, gian lận phiếu bầu và bê bối bán vé) rằng, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng đích thân bay sang Trinidad & Tobago để gặp Jack Warner. Và sau một cuộc thương thảo bí mật, Nam Phi đã giành quyền đăng cai World Cup 2010.

 
Bin Hammam chỉ là đối thủ thân thiện cho cuộc bầu cử hình thức

“Thối nát đến tận gốc rễ”

Không phải ngẫu nhiên mà báo chí Anh có chung nhận định rằng “FIFA đang thối nát đến tận gốc rễ”, vì bên cạnh những cuộc đấu đá nội bộ để tranh giành quyền lực còn là những vụ bê bối tài chính động trời của FIFA. Tuy nhiên, tất cả đều chìm xuồng. Đến nỗi, dư luận phải thừa nhận FIFA có một quyền lực vô biên, còn Chủ tịch Sepp Blatter thì hơn cả một nguyên thủ quốc gia.

Trong số những vụ bê bối tài chính của FIFA, gây chấn động nhất chính là vụ Công ty tiếp thị thể thao ISL (International Sport & Leisure) từng được cho là lập ra chỉ để “tạo quỹ đen” cho FIFA nhằm chia chác khoản lợi nhuận khổng lồ từ những bản hợp đồng tài trợ, quảng cáo và bản quyền truyền hình các giải đấu lớn như World Cup. Công ty này sụp đổ năm 2001 vì thua lỗ. Ngay sau đó, một ủy ban đặc biệt được thành lập để điều tra những tố cáo gian lận tài chính của công ty này. Trong đó có cả tố cáo của cựu Tổng thư ký FIFA, ông Michel Zen-Ruffinen cho rằng mối quan hệ giữa FIFA và ISL là tham nhũng chứ không phải mang tính chiến lược. Thế nhưng, cuối cùng vụ án khép lại như một bức màn bí ẩn và không một ai bị đưa ra pháp luật, kể cả ông Blatter khi đó được xem là đối tượng chính yếu của cuộc điều tra.

 
Cựu TTK FIFA Michel Zen-Ruffinen (phải) từng tố cáo Blatter tham nhũng - Ảnh: Reuters

Sau cú thoát nạn này, ông Blatter mạnh tay xóa sạch mọi “vết bẩn” ở hậu trường FIFA, như ông Michel Zen-Ruffinen đã phải ngậm ngùi ra đi. Từ đó, FIFA dường như nằm trong lòng bàn tay của ông Blatter với toàn những nhân vật thân cận.

Mãi đến năm ngoái, kênh truyền hình BBC bất ngờ công bố nhiều tài liệu quan trọng, đồng thời phanh phui hàng loạt tên tuổi các quan chức chóp bu của FIFA từng nhận tiền lót tay từ ISL. Không những thế, các tài liệu còn chỉ ra rằng ISL đã chi trả “lương” trong rất nhiều năm liền cho các quan chức FIFA, nhằm đổi lại việc luôn có được một vị thế đặc biệt trong các cuộc cạnh tranh mua bán bản quyền truyền hình hoặc các hợp đồng tài trợ quảng cáo cho các giải đấu dưới sự quản lý của FIFA. Mới đây, BBC tiếp tục công bố một loạt chứng cứ mới xung quanh vụ việc trên, trong đó cũng đề cập cả cựu Chủ tịch FIFA là ông Joao Havelange từng nhận hối lộ.

Hiện báo chí Anh cùng Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) tiếp tục theo đuổi mục tiêu tìm thêm chứng cứ để tranh đấu với FIFA nhằm đưa những bí mật hậu trường của tổ chức này ra ánh sáng. Nhiều quan chức của FA cho rằng đã đến lúc FIFA cần thay đổi và minh bạch hơn. Ông Bin Hammam, ứng viên tranh cử chức Chủ tịch FIFA trong cuộc bầu cử sắp tới, dù được xem là người thân cận của Chủ tịch đương nhiệm Blatter, hôm qua cũng lên tiếng: “Đã đến lúc FIFA phải thể hiện sự trong sạch của mình”. Mặc dù vậy, ông Blatter vẫn phớt lờ khi tuyên bố sẽ không ra điều trần trước Quốc hội Anh xung quanh cáo buộc các quan chức FIFA đã nhận hối lộ nhằm đổi lại là những lá phiếu giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022.

Đường dây mua chuộc châu Phi?

“Tôi không thể thất bại. Bởi tôi có niềm tin vào bản thân mình và luôn tự tin rằng các liên đoàn thành viên sẽ chọn tôi trong nhiệm kỳ tiếp theo”, Sepp Blatter dõng dạc nói trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin DPA của Đức sau khi kết thúc chuyến chu du Nam Mỹ và châu Phi mới đây. Niềm tin của “Ngài ý tưởng” - biệt danh của ông Blatter - càng được khẳng định hơn khi LĐBĐ châu Phi (CAF) tuyên bố ủng hộ Blatter trong cuộc bầu cử vào ngày 1.6. “Sau một cuộc bỏ phiếu kín, Ban chấp hành bỏ phiếu với đa số ủng hộ đương kim Chủ tịch FIFA tiếp tục tại vị”, tuyên bố ngắn gọn từ Cairo (Ai Cập) cho biết hôm 17.5.

Tuyên bố của CAF lập tức dấy lên nhiều nghi vấn về việc các thành viên của châu Phi lại bị mua chuộc. Theo mô tả của Reuters, trước cuộc bỏ phiếu kín của CAF, Sepp Blatter đã vội vàng tổ chức một cuộc họp với sự tham dự của 40 người đứng đầu các LĐBĐ châu Phi với nội dung thảo luận về những thành công, thiếu sót và rút kinh nghiệm từ sau khi Nam Phi tổ chức World Cup 2010. Dư luận cho rằng có thể Sepp Blatter có chủ đích từ trước nên cuộc họp là cơ hội để “Ngài ý tưởng” gửi… phong bì cho các thành viên châu Phi như từng làm trước cuộc bầu cử chức Chủ tịch FIFA năm 1998. Nhờ đó, hiện Sepp Blatter đang nắm chắc phần thắng với đa số phiếu ủng hộ từ châu Phi và châu Âu (53 thành viên), Nam Mỹ (10), châu Đại dương (11) và cả 40 phiếu của CONCACAF trong tổng số 208 thành viên tham gia bỏ phiếu.

Sepp Blatter 99,99% tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4?

Nhà báo Grant Wahl của Mỹ từng khẳng định rằng: “Sepp Blatter có đến 99,99% tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4. Nên nhớ rằng, Bin Hammam vẫn luôn là đồng minh thân cận của Sepp Blatter sau 15 năm là thành viên của Ban Chấp hành FIFA. Trong quá khứ, giới truyền thông từng nói rất nhiều đến công lao không nhỏ của Bin Hammam trong việc lấy phiếu ủng hộ từ các thành viên châu Á giúp Sepp Blatter thắng cử và tái đắc cử chức Chủ tịch FIFA vào năm 1998 và 2002. Ngay cả vị trí Chủ tịch AFC vào năm 2002 của Bin Hammam cũng xuất phát từ sự sắp đặt của Sepp Blatter nhằm mục đích quy quyền lực của FIFA về một mối”.  Theo tờ Telegraph, trong cuộc bỏ phiếu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2022, Blatter đã đạo diễn rất khôn ngoan bằng cách dàn xếp cho nhiều thành viên khác bỏ phiếu ủng hộ, còn mình đứng ngoài cuộc nhằm tạo sự “trung thực”, nhưng kỳ thực đó chỉ là cú né để tránh những đồn đoán của dư luận về thế độc tôn quyền lực của Sepp Blatter, vừa giúp cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA sắp tới có sự... công bằng và hấp dẫn (?!).

Giang Lao - Tây Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.