Đáng ngạc nhiên: Các đội bóng Ý ‘khát’ cầu thủ nội

13/08/2015 14:34 GMT+7

(TNO) Việc AC Milan mua trung vệ 20 tuổi Alessio Romagnoli từ AS Roma với giá 25 triệu euro cho thấy hai điều: thị trường thiếu các trung vệ chất lượng và các đội bóng Serie A 'khát' cầu thủ bản địa.

(TNO) Việc AC Milan mua trung vệ 20 tuổi Alessio Romagnoli từ AS Roma với giá 25 triệu euro cho thấy hai điều: thị trường thiếu các trung vệ chất lượng và các đội bóng Serie A 'khát' cầu thủ bản địa.

Romagnoli là cầu thủ do Roma đào tạo - Ảnh: AFP

Romagnoli trưởng thành từ lò đào tạo của Roma. Mùa bóng trước, anh chơi cho Sampdoria theo hợp đồng cho mượn. HLV hiện tại của Milan là Sinisa Mihajlovic năm ngoái cũng dẫn dắt Sampdoria nên họ hiểu rõ nhau.

Từ khi đàm phán cho đến chốt giá, Milan luôn ở cửa dưới so với Roma. Đội bóng thủ đô biết Milan rất cần trung vệ tốt, là người Ý càng tốt. Milan vốn là chốn của các trung vệ huyền thoại Franco Baresi, Billy Costacurta, Paolo Maldini, Alessandro Nesta, Thiago Silva thì vài mùa qua, họ không có trung vệ tốt nào. Dẫn đầu phòng tuyến của Milan hiện tại là Philippe Mexes, cựu cầu thủ của Roma.

Từ mùa này, Liên đoàn bóng đá Ý áp luật của UEFA vào Serie A: Mỗi đội bóng chỉ nộp danh sách đăng ký thi đấu 25 cầu thủ, 4 trong số đó phải được phát triển ở Ý, 4 cầu thủ khác phải từ học viện của CLB. Điều luật mới này có lợi cho Roma khi đàm phán bán Romagnoli. Milan đang cần các cầu thủ Ý để phù hợp với luật. Mùa hè này, Milan mua khá nhiều cầu thủ người Ý, trong đó đáng kể nhất là Andrea Bertolacci, cũng từ Roma, với giá 20 triệu euro.

HLV Mihajlovic hiểu rất rõ Romagnoli - Ảnh: AFP

Tại Serie A, các cầu thủ nước ngoài chiếm đa số: 54,1%. Tuổi trung bình các cầu thủ người Ý ở Serie A hiện nay là 27,3, tức là cao nhất ở châu Âu. Các CLB khi mua cầu thủ thường hướng đến những cầu thủ trẻ để dùng lâu dài. Nguồn cung cầu thủ trẻ đã yếu rồi, lại còn đòi hỏi cầu thủ phải có chất lượng tốt thì giá phải cao thôi.

Chính Mihajlovic cũng là thủ phạm khiến Milan bị Roma ép giá. Vì mùa trước, Mihajlovic từng ca ngợi Romagnoli: “Cậu ta như Nesta, nhưng kỹ thuật hơn. Nếu tiếp tục phát triển thế này, cậu ta sẽ liên tục khoác áo đội tuyển Ý trong 10-15 năm tới”. Trong vòng 15 năm nay, chỉ có một hợp đồng mua bán giữa các CLB Serie A liên quan đến một cầu thủ Ý có giá cao chót vót: thật ngẫu nhiên, là khi Milan viết séc mua Nesta từ Lazio với giá 30,5 triệu euro năm 2002.

Người ta thường nói “bóng đá tấn công để bán vé, bóng đá phòng ngự để giành chức vô địch”. Nhưng nghệ thuật phòng ngự của người Ý giờ đã mai một. Mùa giải trước, Serie A có nhiều bàn thắng nhất trong 5 giải vô địch bóng đá quốc gia hàng đầu châu Âu: 1024 bàn. Đó không phải do các đội Serie A tấn công hay, mà do họ phòng thủ dở. Và đó là nguyên nhân khiến họ hay thất bại ở đấu trường châu Âu gần đây.

Mexes (trái) đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp nhưng vẫn là trụ cột tại Milan - Ảnh: AFP

Suy rộng ra thì cả châu Âu cũng phòng thủ dở hơn khi trước. Và đó là lý do để những cầu thủ như Lionel Messi, Cristiano Ronaldo ghi đến hơn 60 bàn thắng mỗi mùa, con số còn hơn cả bóng đá những ngày sơ khai trước đây. Theo cựu hậu vệ Gary Neville của M.U thì đó là do cung cách đào tạo các hậu vệ bây giờ, các hậu vệ không chỉ được yêu cầu tập trung vào phòng thủ, cản phá đối thủ mà còn được yêu cầu dâng cao tham gia vào lối chơi của đội bóng.

“Với các HLV kiểu cũ, 70% thời gian buổi tập của họ là dạy các cầu thủ phòng ngự, đặt chân thế nào, xoay hông ra sao, nhìn vào đầu đối thủ chứ không nhìn vào bóng... Ngày trước, chúng tôi được dạy như thế. Còn bây giờ các cầu thủ trẻ được dạy các kỹ năng chơi bóng trên sân trước, rồi mới đến kỹ năng phòng thủ”, Neville nói. Dễ hiểu với cách đào tạo như vậy, thị trường khan hiếm những hậu vệ tốt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.