Đến lượt châu Phi?

22/05/2010 22:54 GMT+7

Trong 18 lần tổ chức World Cup qua, châu Âu và Nam Mỹ đã chia đôi số lần vô địch. Nhưng càng đến gần ngày khai mạc World Cup 2010, nhiều người vẫn cho rằng châu Phi sẽ có cửa.

Cameroon, Nigeria, Bờ Biển Ngà hay Nam Phi sẽ gây bất ngờ? - Ảnh: Reuters

Trong 18 lần tổ chức World Cup qua, châu Âu và Nam Mỹ đã chia đôi số lần vô địch. Nhưng càng đến gần ngày khai mạc World Cup 2010, nhiều người vẫn cho rằng châu Phi sẽ có cửa.

Tranh thủ lợi thế

Trong lịch sử World Cup, hễ giải diễn ra ở châu Âu hoặc Nam Mỹ thì đội bóng ở châu lục đó sẽ đăng quang, trừ lần World Cup 1958 tại Thụy Điển (thuộc Bắc Âu), đội bóng đến từ Nam Mỹ là Brazil đã lên ngôi với sự xuất hiện rực rỡ của Pele. Còn lần World Cup 2002 tổ chức ngoài châu Âu và Nam Mỹ khi 2 quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc đồng đăng cai, thì Brazil đăng quang nhờ phong độ ấn tượng gắn với cái tên Ronaldo. Thế nên, dù Nam Mỹ chỉ mới tổ chức có 7 lần so với 10 lần của châu Âu nhưng tỷ lệ vô địch của 2 châu lục lại bằng nhau 9-9. Chính vì thế tại World Cup lần này, cuộc chiến giữa châu Âu và Nam Mỹ vẫn rất gay go khi các đội hàng đầu đã tung lực lượng mạnh nhất đến Nam Phi.

Nếu căn cứ vào quy luật như trên thì việc tổ chức World Cup tại Nam Phi sẽ không có cửa cho bất cứ đội bóng châu Âu nào. Cho dù tỷ lệ cược đưa ra xác suất thành công của đội đương kim vô địch châu Âu Tây Ban Nha là rất cao, hơn cả Brazil, Argentina, thậm chí còn dự báo cả Anh, Ý, Hà Lan lẫn Đức có thể sẽ lên ngôi, nhưng ít người tin điều đó sẽ đúng. Trước hết, Confederations Cup năm rồi từng cho thấy các đội châu Âu thất bại choáng váng. Đương kim vô địch thế giới Ý bị loại ở vòng bảng, còn Tây Ban Nha gục ngã trước Mỹ và không thể đi đến trận cuối cùng. Chính 2 đội có mặt ở trận chung kết lại là của châu Mỹ, đó là Brazil và Mỹ nên giới chuyên môn cho rằng sẽ không có đại diện châu Âu nào thành công tại sân chơi lần này. Thành công đó nếu có chỉ có thể là Brazil hoặc một đội châu Phi.

 
 

Sở dĩ điều này được tiên đoán sẽ xảy ra vì Brazil rất có duyên với vùng đất Nam Phi khi họ từng đăng quang Confederations Cup năm ngoái cũng như đó là đội bóng duy nhất 2 lần vô địch khi World Cup diễn ra ngoài châu lục. Ngoài ra, cũng có khả năng châu Phi sẽ tạo cú sốc bởi những lợi thế hiếm thấy. Đó là việc 6/10 sân thi đấu chính tại World Cup 2010 nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển. Điều này sẽ cản trở không nhỏ cho các cầu thủ đến từ châu Âu vì phải thi đấu với cường độ cao trong điều kiện không khí loãng.

Người Anh đã rất lo chuyện này nên đề nghị trang bị thêm loại mùng đặc biệt để giúp cầu thủ không bị ảnh hưởng bởi áp lực từ độ cao. Hơn thế, rất nhiều đội từ những ngày qua đã phải đến Áo - nơi có một khu tập luyện có độ cao tương đương Nam Phi, để tập luyện và thích nghi. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là những giải pháp ấy cũng chỉ là tạm thời trong lúc thời gian diễn ra World Cup đang cận kề. Chính vì thế có thể xem độ cao là vũ khí lợi hại của đội chủ nhà, hệt như Bolivia từng tận dụng độ cao để bất cứ đội nào đến La Paz cũng phải đẫm lệ ra về vì không thở nổi suốt 90 phút. 

Giấc mơ châu phi 

World Cup 2010 được tổ chức tại Nam Phi và cũng là lần đầu tiên ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới diễn ra trên châu lục nổi tiếng với sa mạc Sahara rộng lớn. Và ở ngày hội đó, người dân châu Phi đang có những giấc mơ hoa. Họ mơ gì? Thứ nhất: thế giới sẽ nhìn châu Phi với một suy nghĩ khác về con người, văn hóa; thứ hai: lần đầu tiên một đội bóng châu Phi bước lên đỉnh bóng đá thế giới. Giấc mơ thứ nhất cần có thời gian để được phán xét. Nhưng giấc mơ thứ hai thì đang ở rất gần khi World Cup còn gần 3 tuần nữa sẽ khởi tranh.

Nếu quay ngược ở thời điểm trước thập niên 90, cơ hội lên ngôi bóng đá thế giới của châu Phi xem ra quá xa vời, dù họ có đại diện tham dự World Cup từ rất sớm (Ai Cập - World Cup 1934 tại Ý). Nhưng cũng từ đó và mãi đến 44 năm sau, một đội bóng của lục địa đen mới có trận thắng đầu tiên ở giải bóng đá lớn nhất hành tinh (Tunisia thắng Mexico 3-1 ở World Cup 1978). Lối đá hoang dã và đầy sức mạnh của các đội bóng châu Phi bắt đầu gây chú ý và trở thành đối thủ khó chịu của các ông lớn Brazil, Argentina, Ý, Pháp, Anh… kể từ sau World Cup 1990.

Đó là “Những chú sư tử bất khuất” Cameroon (World Cup 1990) và Senegal (2002) tiến vào tứ kết, còn Nigeria, Bờ Biển Ngà vượt qua vòng bảng World Cup các năm 1994, 1998 và 2006. Vì vậy, giấc mơ được lên đỉnh ở Nam Phi của một đội bóng châu Phi là điều không quá xa vời. Danh thủ người Bulgaria - Hristo Stoichkov, người đang dẫn dắt một trong những đội bóng mạnh nhất châu Phi - Mamelodi Sundowns, đánh giá: “Bóng đá châu Phi giờ đã có một bước tiến rất nhanh. Họ đã sản sinh ra những cầu thủ hàng đầu thế giới và đang đầu quân cho các đội bóng mạnh của châu Âu. Vì vậy, các đội bóng lục địa đen sẽ là một ẩn số thú vị ở World Cup. Châu Phi lên ngôi? Tôi hy vọng điều đó sẽ xảy ra”.

Ở World Cup 2010, lục địa đen sẽ có 6 đại diện, trong đó Nigeria, Ghana, Bờ Biển Ngà và Cameroon được người hâm mộ đặt niềm hy vọng lớn nhất cho chiếc cúp vàng thế giới để chấm dứt sự thống trị của châu Âu và châu Mỹ. Hãy thử nghĩ lại xem, nếu không có Drogba, Kalou, Zokora, anh em nhà K.Toure (Bờ Biển Ngà), Essien (Ghana), Eto’o (Cameroon), Obi Mikel, Kanu, Martin (Nigeria)…, thì các đại gia như: Chelsea, Barcelona, Arsenal, Sevilla… sẽ khó làm nên chuyện ở giải quốc nội và đấu trường châu Âu trong nhiều năm qua.

Lối chơi hoang dã của các cầu thủ châu Phi đã trở nên có sắp đặt, toan tính hơn dưới bàn tay của các nhà cầm quân người châu Âu dày dạn kinh nghiệm ở World Cup như: Milovan Rajevac (Ghana), Lars Lagerback (Nigeria), HLV Paul Le Guen (Cameroon), Eriksson (Bờ Biển Ngà). Riêng Algeria có lẽ chỉ được xem là ẩn số, còn Nam Phi hy vọng sẽ tiến xa dưới sự dẫn dắt của cựu HLV từng vô địch thế giới cùng Brazil năm 1994 - Carlos Alberto Parreira, khi được chơi trên sân nhà. Với một đội hình ít ngôi sao và thể hiện được sức mạnh trong lối chơi, nhưng người hâm mộ chủ nhà có quyền được mơ thấy. Bởi kể từ World Cup 1930, cũng đã có 6 đội tuyển lên ngôi ngay chính trên sân nhà của mình.

“Trong cuộc sống và trong bóng đá mọi điều khó nhất cũng có thể xảy ra. Đăng quang ở World Cup không bao giờ là dễ dàng. Nếu có được sự chuẩn bị tốt, các đội bóng châu Phi sẽ lên ngôi ở World Cup 2010”, danh thủ George Weah, người từng đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới năm 1995, trả lời phỏng vấn Reuters về cơ hội của các đội châu Phi ở World Cup năm nay.

8 năm trước, lần đầu tiên châu Á - nơi các đội tuyển được đánh giá thấp hơn châu Phi - cũng được tổ chức World Cup, và tuyển Hàn Quốc đã bất ngờ tiến vào đến bán kết. Vì vậy, ở World Cup năm nay, châu Phi hy vọng sẽ làm được nhiều hơn thế.  

Quang tuyến - Tây Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.