Đi tìm chủ nhân Chiếc giày vàng

15/05/2010 00:38 GMT+7

Trong lịch sử các kỳ World Cup, có không ít cầu thủ không được đánh giá cao ngay trước khi VCK khai diễn, nhưng sau đó đã tỏa sáng rực rỡ.

Mario Kempes tạo nên bất ngờ khi đoạt Chiếc giày vàng tại VCK World Cup 1978 - Ảnh: Reuters

Trong lịch sử các kỳ World Cup, có không ít cầu thủ không được đánh giá cao ngay trước khi VCK khai diễn, nhưng sau đó đã tỏa sáng rực rỡ.

Từ Kempes, Rossi đến Schillaci

VCK World Cup 1978 tại Argentina, cả xứ sở điệu tango choáng váng khi HLV Cesar Luis Menotti quyết định chọn tiền đạo đang chơi ở nước ngoài Mario Kempes về khoác áo đội tuyển quốc gia, thay vì phải điền tên tài năng trẻ đang chói sáng là Diego Maradona (năm đó mới 17 tuổi) như dự báo của phần đông giới chuyên môn. Vào thời điểm đó, có một thực tế là những cầu thủ chơi ở nước ngoài rất khó được chọn vào tuyển Argentina. Chưa kể, 4 năm trước tại kỳ World Cup ở Đức, Kempes được kỳ vọng rất lớn nhưng đã không ghi lấy một bàn thắng nào. Thế nên dư luận Argentina khi ấy đã chỉ trích kịch liệt quyết định của HLV Menotti, và làn sóng chỉ trích còn dữ dội hơn khi sau vòng đấu bảng, Kempes vẫn tịt ngòi. Phải thi đấu dưới một sức ép rất lớn, nhưng Kempes cuối cùng đã tỏa sáng để đáp lại trọn vẹn niềm tin của HLV Menotti đặt vào mình khi ghi 2 cú đúp ở vòng 2 trong hai trận thắng Ba Lan 2-0 và Peru 6-0, đưa Argentina thẳng tiến vào trận chung kết gặp Hà Lan (khi đó VCK World Cup chỉ có 16 đội tham gia - PV). Tại đây, Kempes ghi tiếp một cú đúp nữa giúp Argentina thắng 3-1 sau hiệp đấu phụ để đăng quang ngôi vô địch. Bản thân Kempes ngoài danh hiệu vô địch thế giới, còn đoạt luôn danh hiệu Chiếc giày vàng với 6 bàn thắng và là cầu thủ xuất sắc nhất giải.


David Villa được giới cá cược đánh giá cao sẽ giành giải Vua phá lưới tại World Cup 2010

Một trường hợp tương tự là tiền đạo Paolo Rossi của tuyển Ý 4 năm sau đó, cũng lập một cú ăn ba lịch sử như Kempes và cho đến nay chưa cầu thủ nào làm được điều như thế. Rossi thực ra là một tài năng lớn của bóng đá Ý. Tuy nhiên, việc anh liên quan tới một vụ dàn xếp tỷ số tại giải VĐQG Ý mùa giải năm 1979 gây chấn động khắp châu Âu, đã dẫn đến một kết cục rất tồi tệ là tiền đạo này bị cấm thi đấu 3 năm, nhưng sau đó giảm xuống còn 2 năm để được dự VCK World Cup 1982 ở Tây Ban Nha. Mặc dù vậy, báo chí và dư luận ở Ý đã đặt dấu hỏi lớn là sau chừng ấy năm không thi đấu, liệu Rossi có còn giữ được phong độ xuất sắc hay không. Sự nghi ngờ này tiếp tục gia tăng khi qua vòng bảng, Rossi không chứng tỏ được gì, cũng không ghi được một bàn thắng nào. Đến vòng 2, Ý nằm chung bảng “tử thần” với ĐKVĐ Argentina và ứng viên vô địch nặng ký Brazil với những ngôi sao cự phách như: Socrates, Zico, Falcao... thì cơ hội cho Rossi tỏa sáng càng thấp. Thế nhưng Rossi lại bất ngờ bùng nổ với cú hat-trick trong trận thắng Brazil 3-2 để đưa tuyển Ý vào bán kết gặp Ba Lan (VCK World Cup lần này có đến 24 đội tham gia - PV). Ở trận bán kết, Rossi tiếp lập cú đúp giúp Ý thắng 2-0 để vào chung kết gặp CHLB Đức, rồi ghi thêm một bàn nữa trong trận chung kết thắng Đức 3-1 để qua mặt chân sút lừng danh Rummenigge giành giải Vua phá lưới và cầu thủ xuất sắc nhất.

Năm 1990, một tiền đạo người Ý khác là Salvatore Schillaci cũng từ bóng tối bước ra ánh sáng để đoạt cú đúp danh hiệu Vua phá lưới (6 bàn) và cầu thủ xuất sắc nhất tại VCK World Cup. Hay như danh thủ người Anh Gary Lineker tại World Cup Mexico 1986 đã vượt qua những siêu sao đang chói sáng khi ấy như Maradona, Butragueno... để nhận giải Vua phá lưới.

Ngoài ra, lịch sử bóng đá thế giới cũng ghi nhận những huyền thoại như Pele chẳng hạn, dù được xem là cây làm bàn xuất chúng (đã ghi 12 bàn trong 4 lần dự World Cup 1958, 1962, 1966, 1970) nhưng chưa giành được danh hiệu Vua phá lưới. Tương tự, trong thập niên 90, những tiền đạo cự phách như Klinsmann, Roberto Baggio, Romario, Batistuta hay Christian Vieri cũng chưa một lần nhận giải Vua phá lưới ở một kỳ World Cup.

Lịch sử sẽ lặp lại?

Ở kỳ World Cup sắp tới tại Nam Phi, câu hỏi ai là Vua phá lưới chắc hẳn sẽ là một đề tài bàn tán đầy thú vị. Dĩ nhiên, những người hâm mộ sẽ dễ dàng chọn ra một trong số những chân sút đang làm mưa làm gió hiện nay tại các giải VĐQG châu Âu như: Lionel Messi, Didier Drogba, Higuain, Torres, Rooney, C.Ronaldo... Còn các hãng cá cược cũng không nằm ngoài dự đoán này khi cung cấp tỷ lệ cược cao nhất: 9/1 (đặt 1 ăn 9) cho David Villa - vua phá lưới Euro 2008, sẽ tiếp tục trở thành chân sút số 1. Xếp tiếp theo là Torres 12/1, Rooney 10/1, Messi 11/1, Fabiano 12/1, C.Ronaldo 16/1, Higuain 20/1, Drogba là 25/1...

Thế nhưng, những sự lựa chọn này liệu có đúng? Hay quy luật của những kỳ World Cup trước đó sẽ lặp lại - tức là những siêu sao có thể rực sáng nhưng chưa chắc đã giành giải Vua phá lưới? Như cách đây 4 năm tại Đức, không ai nghĩ tiền đạo Miroslav Klose sẽ lập một kỳ tích là ghi tiếp 5 bàn thắng nữa ở kỳ World Cup thứ 2 liên tiếp. Thế mà Klose đã làm được và giành luôn giải Vua phá lưới. Trước đó ở World Cup 2002, tiền đạo người Đức gốc Ba Lan này cũng ghi 5 bàn và nhận Chiếc giày bạc (thua “Người ngoài hành tinh” Ronaldo - 8 bàn). Bên cạnh đó, những tiền đạo như Van Persie, Eto'o, Diego Milito, Huntelaar, Podolski... cũng không được đánh giá cao khi chỉ được xếp tỷ lệ cược từ 33/1, 40/1 đến 50/1, nhưng biết đâu sẽ tỏa sáng và giành giải Vua phá lưới. Tương tự là các tiền đạo của tuyển Ý như Di Natale hay Giuseppe Rossi cũng vậy, biết đâu lại bước ra ánh sáng như những bậc tiền bối của mình.

Mới đây theo kết quả bầu chọn trên trang web PollDaddy.com với 10.114 người tham gia, Messi đã đứng đầu với 22%, kế đến là Rooney 18%, David Villa 17%, Luis Fabiano 16,8%. Còn lại, Torres 9,9%, C.Ronaldo 7,3%, Kaka 3,7%, Drogba 3,5%, và Henry 2%.

Giang Lao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.