Đoàn quân bí ẩn CHDCND Triều Tiên

05/05/2010 00:16 GMT+7

World Cup 2010, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh diễn ra tại Nam Phi sắp đến gần. Kể từ hôm nay, Thanh Niên sẽ lần lượt giới thiệu những nét mới hay lạ, độc đáo của kỳ World Cup lần này.

Jong Tae-se là một trong những chân sút nổi bật tại J-League - Ảnh: PFL

World Cup 2010, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh diễn ra tại Nam Phi sắp đến gần. Kể từ hôm nay, Thanh Niên sẽ lần lượt giới thiệu những nét mới hay lạ, độc đáo của kỳ World Cup lần này.

Có một điều đáng ngạc nhiên đó là nhiều ngôi sao của đội tuyển CHDCND Triều Tiên đang chơi bóng ở nước ngoài.

Sự kiện đội tuyển CHDCND Triều Tiên đoạt vé vào vòng chung kết World Cup 2010 đã làm cả thế giới sửng sốt. Một đội bóng đến từ một quốc gia cách trở bỗng dưng xuất hiện tại giải đấu danh giá nhất hành tinh, sau những trận đấu thuyết phục dưới sự dẫn dắt của một huấn luyện viên nội địa, đó là điều hết sức thú vị nhưng cũng... khó hiểu.

Người Triều Tiên chơi bóng như thế nào? Họ có giải vô địch quốc gia hay không? Các CLB của họ thi đấu ra sao? Họ tập luyện có gì đặc biệt? Hiếm khi cọ xát quốc tế, làm sao họ có thể chơi bóng tốt đến vậy?

Những câu hỏi thật khó trả lời, trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên như là một thế giới biệt lập đối với bên ngoài.

Quá khứ vàng

Người yêu bóng đá hẳn chưa quên một câu chuyện thần kỳ xảy ra vào năm 1966 tại xứ sở sương mù. CHDCND Triều Tiên lúc đó đã đánh bại Ý 1-0 để vào tứ kết, trở thành đội bóng châu Á đầu tiên vượt qua vòng đầu của một kỳ World Cup. Trong trận tứ kết, họ dẫn trước Bồ Đào Nha của huyền thoại Eusebio 3-0 trước khi để thua 5-3 chung cuộc.


Anh cũng là niềm hy vọng của đội tuyển CHDCND Triều Tiên - Ảnh: KLSL

Năm 1964, CHDCND Triều Tiên cũng đã đoạt vé dự Olympic và năm 1976 đã lọt vào vòng tứ kết giải đấu này. Họ thậm chí còn giành huy chương vàng bóng đá Á vận hội 1978. Một đội bóng với quá khứ oanh liệt như thế thì việc đoạt vé vào vòng chung kết World Cup 2010 có gì bất ngờ?

Không hẳn vậy. Thời hoàng kim trước đây của CHDCND Triều Tiên là thời kỳ nền bóng đá các nước XHCN còn rất mạnh. Có nhiều đội bóng lớn trong khối như Liên Xô, Hungary, CHDC Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc... CHDCND Triều Tiên thời đó vì thế có nhiều cơ hội cọ xát quốc tế. Việc họ đạt đẳng cấp cao trong hoàn cảnh ấy là điều dễ hiểu.

Hiện nay thì khác. Khi Liên Xô và hàng loạt cường quốc bóng đá châu Âu thuộc khối XHCN tan rã, nền bóng đá CHDCND Triều Tiên có ít cơ hội cọ xát quốc tế. Các trận đấu quốc tế hiếm hoi có họ tham gia lại thường trở thành đề tài chính trị với những rắc rối liên quan.

Ấy vậy mà họ vẫn đoạt vé vào vòng chung kết World Cup 2010. Thế mới lạ. Nhưng cái gì cũng có nguyên nhân của nó.

Nội lực

Một số ít du khách có cơ hội tới thăm CHDCND Triều Tiên kể lại rằng ở thủ đô Bình Nhưỡng có những xa lộ rất lớn, nhưng xe chạy rất thưa, do dân không có tiền mua xe và xăng. Thế là không ít người dân đã tận dụng những con đường này làm... sân bóng đá. Phải chăng bóng đá đường phố - với một tầm mức hoành tráng hơn Brazil rất nhiều - đã giúp CHDCND Triều Tiên có một trình độ bóng đá mạnh?

Tất nhiên đó chỉ là một cách nói hài hước. Thực ra, CHDCND Triều Tiên hiện có những giải bóng đá khá quy củ, là nền tảng cho sự phát triển của đội tuyển quốc gia. Theo hãng thông tấn KCNA, Giải vô địch quốc gia hiện nay được chia thành hai giải nhỏ, một giải diễn ra vào các tháng 2, 5 và 6; giải còn lại diễn ra từ tháng 9 đến 10. Tương tự thể thức của hầu hết các giải vô địch quốc gia khác, những đội bóng bị loại khỏi hai giải hàng đầu sẽ phải xuống chơi ở giải hạng 2, hạng 3.

Ở cấp CLB, hiện đội 25 Tháng 4 (đặt theo ngày thành lập quân đội) là đội bóng thành công nhất, với 10 giải vô địch quốc gia. CLB 25 Tháng 4 ngày nay có lẽ có cơ chế tương tự đội Thể Công của Việt Nam cách đây vài chục năm, tức là hoàn toàn thuộc quyền quản lý của quân đội với một chế độ quân hàm, bậc lương, sinh hoạt kiểu nhà binh. Cũng có lẽ đó là một trong những bí quyết khiến nền bóng đá CHDCND Triều Tiên luôn trỗi dậy, bất chấp kinh tế khó khăn và sự cách biệt với thế giới bên ngoài. Vài chục năm về trước, nhiều cầu thủ Thể Công sang CHDCND Triều Tiên tập huấn khi trở về kể rằng họ phải bở hơi tai mới theo kịp giáo trình luyện tập của cầu thủ nước này.

Yếu tố nước ngoài

Đáng ngạc nhiên là trong thành phần đội tuyển CHDCND Triều Tiên từ vòng loại World Cup 2010 đến nay có khá nhiều cầu thủ tỏa sáng tại nước ngoài, trong đó có Nga, Thụy Sĩ, Trung Quốc và đặc biệt là Nhật Bản.

Tiền vệ 21 tuổi Kim Kuk-jin là một ví dụ. Anh chàng cao 1,75m này từng chơi cho đội Thành phố Bình Nhưỡng, trước khi đến khoác áo Concordia Basel ở Giải hạng nhì Thụy Sĩ năm 2008. Mùa giải 2008 - 2009, Kim Kuk-jin ghi 2 bàn trong 20 trận. Sau đó, anh chuyển sang đội FC Wil cũng ở Giải hạng nhì Thụy Sĩ. Hiện giá chuyển nhượng cầu thủ này khoảng 125.000 euro, theo trang Transfermarkt.co.uk. Không biết cơ duyên nào đưa đẩy Kim Kuk-jin tới tận cao nguyên Trung Âu để chơi bóng. Nhưng có một chi tiết có thể liên quan. Kim Jong-un,

con trai út của nhà lãnh đạo Kim Jong-il, có thời gian rất dài du học tại Thụy Sĩ. Có thể người con trai 26 tuổi của ông Kim Jong-il đã dẫn dắt Kim Kuk-jin tới châu Âu.

Thủ quân Hong Yong-jo, 27 tuổi, là một ví dụ khác. Tiền vệ này từng ghi 40 bàn cho đội 25 Tháng 4 giai đoạn 2004-2007. Sau đó, anh tới đầu quân FK Bezanija ở Giải hạng nhất Serbia, chơi 7 trận và ghi 1 bàn trong mùa 2007-2008. Từ giữa năm 2008 đến nay, Hong khoác áo FC Rostov ở Giải ngoại hạng Nga, đã đấu 30 trận và ghi 3 bàn.

Có đóng góp đặc biệt quan trọng trong hành trình tới World Cup 2010 của CHDCND Triều Tiên là những cầu thủ... sinh tại Nhật Bản. Họ là thế hệ thứ 2, thứ 3 của những người Triều Tiên định cư ở xứ sở mặt trời mọc. Ít nhất 7 cầu thủ kiểu này đang khoác áo các đội bóng danh tiếng ở Nhật Bản đã được triệu tập vào đội tuyển CHDCND Triều Tiên từ vòng loại đến nay. Nổi bật nhất là chân sút 26 tuổi Jong Tae-se. Anh là tiền đạo số 1 của Kawasaki Frontale tại J-League, đã ghi 41 bàn trong 102 trận. Jong cũng đã ghi 12 bàn trong 20 trận ở đội tuyển từ năm 2006 đến nay. Một chi tiết thú vị nữa: cha của Jong từng là người Nhật Bản gốc Triều Tiên đầu tiên được gọi vào đội tuyển quốc gia CHDCND Triều Tiên. Có thông tin là Jong đã quyết định đầu quân cho cố quốc sau khi xem CHDCND Triều Tiên thua Nhật Bản trong một trận vòng loại World Cup 2006.

Kim Seong-Yong cũng là một nhân vật người Nhật gốc Triều Tiên rất đáng chú ý. Chân sút 23 tuổi này khoác áo đội Kyoto Sanga ở J-League, đã ghi 1 bàn trong hai trận ở đội tuyển trong năm 2010. Nhiều tuyển thủ kiều dân khác như Kim Song-gi, Ryang Yong-gi, Ahn Young-hak... hiện cũng đang giữ vị trí trụ cột tại một số đội bóng Nhật Bản.

Có thể nói, sự luyện tập khắc khổ, chính sách thu hút dòng máu Triều Tiên từ hải ngoại và đặc biệt là ý chí vươn lên mạnh mẽ vốn có của những người ở trong hoàn cảnh khó khăn đã hội tụ lại, tạo nên sức mạnh của đội bóng CHDCND Triều Tiên, đưa họ từ miền đất bí ẩn tới sân chơi rực rỡ của thế giới tại Nam Phi trong mùa hè này.

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.