Đợi mưa rào

16/06/2010 23:34 GMT+7

Những trận đấu đầu tiên tại World Cup 2010 trôi qua trong bình thường. Nhiều trận cầu “nhạt như nước ốc” và khô hạn bàn thắng. Sự khô hạn đang được thể hiện rõ nét trên các bảng điện tử, những màn trình diễn nhạt nhòa của các chân sút khiến nhiều người không khỏi thất vọng.

Những trận đấu đầu tiên tại World Cup 2010 trôi qua trong bình thường. Nhiều trận cầu “nhạt như nước ốc” và khô hạn bàn thắng. Sự khô hạn đang được thể hiện rõ nét trên các bảng điện tử, những màn trình diễn nhạt nhòa của các chân sút khiến nhiều người không khỏi thất vọng.

Phải chăng đến với châu Phi là đến với sa mạc và những mùa hạn hán nên những bàn thắng vì thế xuất hiện một cách nhỏ giọt để chờ đợi sự kiên nhẫn của người hâm mộ? Cái cách mà người Đức đã thể hiện trong trận thắng Úc phần nào khiến cho cả thế giới cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Có một lý do mà người Mỹ không chuộng bóng đá như bóng rổ bởi theo họ đây là môn thể thao tẻ nhạt vì có quá ít bàn thắng. Tất nhiên sẽ có người phì cười vì lập luận ấy, nhưng không hẳn không có lý ở một điểm nào đó. Bóng đá là phép cộng hưởng của kỹ thuật, của thể lực, của tư duy, của tâm lý mà vẻ đẹp của nó không chỉ là những bàn thắng. Nhưng tất cả đều phải thừa nhận rằng khi mành lưới rung lên là những cảm xúc được dồn nén được bùng lên cao nhất.

Nhiều người đang đợi những cơn mưa để giải cơn khát.

Lê Ngọc Diệp
(Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn Quảng Nam, 191 Huỳnh Thúc Kháng, Tam Kỳ)

“Gia vị” vuvuzela

Vuvuzela vẫn được tung hoành tại World Cup khi Chủ tịch FIFA S.Blatter phủ nhận hoàn toàn khả năng cấm loại kèn này. Ông cho rằng không thể cấm một biểu tượng của quốc gia. Ông nói: “Tôi khẳng định lại châu Phi có một âm thanh khác, một giai điệu khác”.

Vuvuzela là sản phẩm của người Zulu. Họ có một vai trò cực kỳ đặc biệt trải suốt chiều dài lịch sử Nam Phi. Từ một vị trí đặc biệt rồi trở thành tầng lớp bị trị, bị tẩy chay trong chế độ Apartheid, rồi giờ đây là biểu tượng của chiến thắng. Loại bỏ vuvuzela là tước đi niềm tự hào của người dân Nam Phi, chứ không chỉ là một nhạc cụ của người Zulu. Sẽ thật vô lý nếu cấm đoán một quốc gia thể hiện lòng hiếu khách và truyền thống của mình. Có lẽ cách tốt nhất là chấp nhận những gì đang xảy ra trên đất Nam Phi. Nghe những âm thanh ong vò vẽ ấy dù sao vẫn là thứ gia vị đáng yêu ở bữa tiệc World Cup chưa mấy đậm đà này.

Lê Thị Thủy
(sinh viên trường CĐ Thương mại Đà Nẵng)

Cầu cho chân cứng bóng mềm

Hà Lan, đội luôn cho tôi những cảm xúc dâng trào bởi sự thăng hoa của cái đẹp, nhưng cũng luôn gây cho tôi những nỗi thất vọng vô bờ. “Người tình” của tôi là thế - đẹp nhưng mong manh, dễ vỡ.

Rồi “người tình” ấy lại bước ra sân để chinh phục một thử thách mới. Tôi háo hức chờ đợi pha lẫn chút hồi hộp. Sự hồi hộp càng thêm tăng khi sắc cam dù tràn ngập dưới sân lẫn khán đài nhưng vẫn không khuất phục được những “chú lính chì” dũng cảm. Cuối cùng, những cánh hoa tulip cũng giành chiến thắng, một chiến thắng có phần may mắn. Nhưng qua chiến thắng này, tôi đã thấy một Hà Lan kỷ luật và thực dụng - các yếu tố cần thiết để những cánh hoa tulip trở nên đẹp một cách cứng cáp.

Con đường phía trước còn lắm chông gai, nhất là “lốc” có thể biến thành gió thoảng bất cứ lúc nào. Hy vọng may mắn sẽ tiếp tục theo chân những chàng trai vùng đất thấp, điều thường lãng tránh họ ở những giải trước.

Xin gửi lời chúc chiến thắng đến “người tình” của tôi, cầu cho “chân cứng bóng mềm”.

Lê Minh Tuấn 
(459/2 Lý Thái Tổ, Q.10, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.