Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá - Kỳ 6: Nỗi đau châu lục đen

19/11/2013 00:25 GMT+7

Hàng ngàn thanh thiếu niên châu Phi bị bỏ rơi trên các đường phố châu Âu sau khi được các “cò” chuyển nhượng giả mạo đưa đường dẫn lối ra nước ngoài với những lời hứa hẹn “hái” ra tiền nhờ bóng đá.

Hàng ngàn thanh thiếu niên châu Phi bị bỏ rơi trên các đường phố châu Âu sau khi được các “cò” chuyển nhượng giả mạo đưa đường dẫn lối ra nước ngoài với những lời hứa hẹn “hái” ra tiền nhờ bóng đá.

>> Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá - Kỳ 5: Món hàng trong tay các tỉ phú
>> Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá - Kỳ 4: Nhà vua sắp băng hà
>> Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá - Kỳ 3: Giấc mộng phù phiếm của Trung Quốc

Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá - Kỳ 6: Nỗi đau châu lục đen
Sức hút đồng tiền khiến không ít những tài năng bóng đá trẻ của châu Phi rơi vào “bẫy” buôn người - Ảnh: Reuters

“Bẫy” buôn người

Reuters dẫn thông tin từ một tổ chức từ thiện có tên Culture Foot Solidaire (CFS) cho biết mỗi năm có hàng chục ngàn cầu thủ trẻ châu Phi được đưa ra nước ngoài thông qua những đại lý chuyển nhượng bất hợp pháp. Jean-Claude Mbvoumin, một cựu tuyển thủ Cameroon và hiện đứng đầu CFS, cho rằng các đại lý chuyển nhượng nói trên thường sử dụng những danh thiếp giả mạo đại diện cho các đội bóng châu Âu nhằm tiếp cận gia đình các cầu thủ, rồi hứa hẹn những hợp đồng chuyển nhượng béo bở ở nước ngoài để dụ các gia đình trả khoản phí môi giới dao động từ 3.000 - 10.000 euro (13.400 USD). “Tại châu Phi, mọi người đều có một giấc mơ muốn trở thành những ngôi sao như Samuel Eto'o, Didier Drogba hay Yaya Toure. Hầu hết họ đều không có những thông tin tốt, nên đồng ý trả tiền vì nghĩ rằng con cái của mình sẽ có tương lai tươi sáng nhờ bóng đá. Sau đó, họ để những đứa trẻ ra đi với một số người không rõ tung tích”, Mbvoumin tiết lộ.

Theo Reuters, vấn nạn trên đã trở nên khá phổ biến ở châu lục đen bất chấp FIFA mới đây vừa ban hành các quy định cứng rắn hơn về chuyển nhượng quốc tế, trong đó đặc biệt nhắm đến các cầu thủ dưới 18 tuổi với hệ thống chuyển nhượng cầu thủ trực tuyến giữa các CLB được gọi là Transfer Matching System (TMS). Oái ăm thay, dù sự ra đời của TMS đã làm giảm đột ngột số lượng cầu thủ trẻ được chuyển nhượng ra nước ngoài, nhưng với châu Phi, hệ thống này gần như bất lực. Theo giải thích của Mbvoumin, TMS chỉ răn đe các học viện và CLB bóng đá hợp pháp, trong khi ở châu Phi có đến 80% học viện đều được điều hành bất hợp pháp nên các cầu thủ trẻ không được đăng ký. Mbvoumin nhấn mạnh: “Những kẻ điều hành các học viện bất hợp pháp ở châu Phi là những người trung niên, những kẻ buôn người và các đại lý giả mạo. Hiện chúng tôi không có con số chính thức bởi đó là một hiện tượng bất hợp pháp. Nhưng từ một thống kê của NGOs (một tổ chức phi chính phủ), chúng tôi ước rằng có khoảng 15.000 thanh thiếu niên ở châu Phi di chuyển khỏi châu lục mỗi năm vì bóng đá. Họ đến châu Á, châu Âu và Ả Rập”.

Đem con bỏ chợ

Theo điều tra của CFS, chỉ có số ít cầu thủ trẻ châu Phi được đưa tới châu Âu bằng máy bay, phần còn lại phải vượt sa mạc Sahara, lênh đênh qua Địa Trung Hải trên những con thuyền bí mật cùng với người di cư kinh tế khác. Tuy nhiên, khi đến được châu Âu, phần lớn các lời hứa đều không thành hiện thực và các cầu thủ trẻ đồng loạt bị bỏ rơi. “Có hàng ngàn thanh thiếu niên châu Phi trên các đường phố châu Âu. Gần đây, trong một lần đến Hungary, hầu hết những đứa trẻ đều nói họ bị bỏ rơi, giống như số phận của hàng ngàn cầu thủ trẻ châu Phi khác ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Síp. Những đứa trẻ này đều không muốn trở về nhà vì xấu hổ và vì gia đình đã phải mất rất nhiều tiền, thậm chí bán cả nhà để trả phí môi giới. Đó thực sự là bi kịch”, Mbvoumin nói trong nỗi thất vọng.

Theo Reuters, thực tế trên bắt nguồn từ chính môi trường bóng đá ở châu lục đen do không có chính sách thể thao, tổ chức bảo vệ trẻ vị thành niên và các cầu thủ trẻ, trong khi các giải đấu chuyên nghiệp không sòng phẳng trong việc trả thu nhập cho cầu thủ. Cựu tuyển thủ Cameroon Mbvoumin cho biết ở Senegal hoặc Cameroon, các cầu thủ chỉ kiếm được 70 euro/tháng, nhưng nhiều cầu thủ vẫn không được trả tiền. “Hiện nay các cầu thủ không thể kiếm sống ở bóng đá châu Phi, ngoại trừ các giải đấu ở Ma Rốc hoặc Nam Phi”, Mbvoumin nhấn mạnh.

Giấc mơ “hái” tiền đã và đang là nỗi đau của bóng đá lục địa đen dù trong số đó có một số giấc mơ đã thành hiện thực khi trở thành ngôi sao của bóng đá thế giới với thu nhập hàng triệu USD mỗi năm. Nhưng đằng sau đó, châu Phi còn có hàng ngàn phiên bản khác với ước muốn “đổi đời” nhưng đã bị “đem con bỏ chợ”, phải sống vất vưởng, lang thang trên các đường phố châu Âu.

Nguyên Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.