Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá - Kỳ 7: 'Bom nổ chậm' ở World Cup 2014

20/11/2013 09:00 GMT+7

Liên đoàn Bóng đá thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn ở World Cup 2014 diễn ra tại Brazil vì thói quen 'ngồi mát ăn bát vàng'.

Liên đoàn Bóng đá thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn ở World Cup 2014 diễn ra tại Brazil vì thói quen 'ngồi mát ăn bát vàng'.

Tận thu bất chấp chỉ trích

 
Người hâm mộ Brazil biểu tình với những biểu ngữ chống đối FIFA

Trong thế giới bóng đá, ngoại trừ những doanh thu “bẩn”, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) dù không phải là một tổ chức kinh tế nhưng lại luôn có doanh thu trong mơ. Theo Bloomberg, chỉ riêng World Cup 2010 tại Nam Phi đã đem lại cho tổ chức này 3,7 tỉ USD, trong đó phần lớn đến từ tiền bán bản quyền truyền hình và tài trợ.

Thời điểm sau đó, FIFA hãnh diện công bố rằng trừ đi những khoản chi (cho 208 liên đoàn 1,3 triệu/4 năm và các dự án bóng đá khác...), tài khoản của tổ chức này đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên đạt cột mốc với số dư lên đến 1,3 tỉ USD. Đó thực sự là con số trong mơ đối với một tổ chức kinh tế và vượt xa số dư 76 triệu USD của FIFA vào năm 2003.

Tuy nhiên, sau khi “số dư lịch sử” được công bố, FIFA phải hứng chịu hàng loạt cáo buộc liên quan đến tham nhũng. Dẫu vậy, tất cả cáo buộc đều được đẩy lùi thông qua “đôi môi” của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter.

“Hành quân” đến Brazil với dự toán về doanh thu chắc hẳn không kém hơn sự kiện ở Nam Phi, nhưng trái với những kỳ World Cup trước, lần này FIFA dường như đang ngồi trên một “quả bom nổ chậm” ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh vào năm tới.

Rắc rối bắt nguồn từ việc người dân Brazil liên tục chỉ trích chính phủ chi tiêu quá tay cho World Cup, mà một phần trong đó tiêu hao bởi vấn nạn tham nhũng. Theo đó, dự toán ngân sách chi 7,5 tỉ euro ban đầu chuẩn bị World Cup của Brazil đã tăng lên vùn vụt và thậm chí có thể chạm mốc 15 tỉ euro sau khi hoàn thành các hạng mục.

Sự tăng vọt ngân sách phục vụ World Cup khiến người dân Brazil dường như chẳng còn mặn mà với ngày hội bóng đá thế giới, dù niềm đam mê bóng đá ở đất nước này vốn trở thành một truyền thống bất di bất dịch.

“Kẻ trộm FIFA”

Liên tiếp các cuộc biểu tình bạo lực dữ dội xảy ra trên toàn Brazil kể từ tháng 6 đến nay và suýt nữa phá hỏng giải đấu tiền World Cup là Confederations Cup 2013. Trong khi đó, những chuyến thị sát của FIFA luôn bị quậy phá bởi những đám đông người hâm mộ quá khích.

Người dân Brazil phản ứng kịch liệt FIFA khi cho rằng chính tổ chức này là “kẻ ngồi mát ăn bát vàng”, đến rồi đi và để lại cho họ một món nợ lớn phải oằn lưng gánh trong tương lai. Họ yêu cầu chính phủ Brazil phải cắt giảm bớt ngân sách cho World Cup để dành đầu tư cho giáo dục, y tế và dịch vụ công cộng phục vụ người dân, thay vì chi ra để đổi lại danh tiếng và nợ nần.

 
Và bạo động đã xảy ra - Ảnh: Reuters

Sau hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực tại Confederations Cup 2013 khiến nhiều người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, “quả bom” tại World Cup 2014 tiếp tục được châm ngòi.

Trong một cuộc điều trần ở quốc hội Brazil, huyền thoại Romario với tư cách là một nhà lập pháp bảo vệ lợi ích cho đất nước, đã thẳng thừng gọi Chủ tịch FIFA Sepp Blatter là “kẻ trộm”, còn Tổng thư ký Jerome Valcke là “tên tống tiền”.

Tiếp theo đó, các công tố viên liên bang Brazil tuyên bố sẽ đâm đơn kiện, đòi FIFA phải hoàn trả 106 triệu USD đã ứng chi cho cơ sở vật chất, thiết bị ở một số sân vận động Confederations Cup hồi tháng 6. Ngòi nổ ấy vẫn được giữ lửa khi Brazil quyết định hủy sự kiện Hội nghị Bóng đá toàn cầu (Soccerex) tại Rio de Janeiro diễn ra cuối tháng này, trước sự chưng hửng của FIFA.

Đây là một sự kiện lớn trong bóng đá thế giới diễn ra thường xuyên trước thềm ngày bốc thăm World Cup trong suốt 18 năm qua và sự kiện năm nay có quy mô còn lớn hơn với sự tham dự của 4.500 đại biểu. Nguyên nhân xuất phát từ việc chính quyền Rio de Janeiro - nơi có sân vận động huyền thoại Macarana sẽ tổ chức lễ bế mạc và trận chung kết World Cup 2014 - lo ngại khởi phát biểu tình, bạo loạn do theo kế hoạch Brazil sẽ phải chi tiền cho sự kiện này.

Không như những kỳ World Cup trước, một vài cuộc biểu tình lẻ tẻ phản đối FIFA dễ dàng bị dập tắt, World Cup 2014 dường như đang mang theo một “quả bom nổ chậm” đe dọa an ninh và sự an toàn của du khách đến Brazil vào năm tới. Bởi trong sâu thẳm, cái tên hay phù hiệu của FIFA đâu đó trên đất nước Brazil đang trở thành cái gai trong mắt người dân nước này.

Nguyên Khoa

>> Đồng tiền mạnh đến thế sao?
>> VFF hy vọng thu 1 tỉ đồng tiền vé
>> 1 tỉ đồng tiền thưởng cho Cúp xe đạp truyền hình
>> Sức mạnh đồng tiền
>> Sức mạnh đồng tiền của Man City

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.