Drogba - Tiền đạo hoàn hảo

19/05/2010 14:34 GMT+7

Didier Drogba đã từ bỏ việc làm kế toán như mong ước của cha mẹ anh để dấn thân vào sự nghiệp quần đùi áo số. Giờ anh là niềm hy vọng số 1 trên hàng công Bờ Biển Ngà tại World Cup 2010

Didier Drogba đã từ bỏ việc làm kế toán như mong ước của cha mẹ anh để dấn thân vào sự nghiệp quần đùi áo số. Giờ anh là niềm hy vọng số 1 trên hàng công Bờ Biển Ngà tại World Cup 2010

Nếu đưa danh sách những tiền đạo mà một HLV mơ ước, nhiều HLV sẽ không ngần ngại ghi tên Didier Drogba đầu tiên. Chân sút có biệt danh “Voi rừng” này là một cầu thủ toàn diện, anh có thể ghi bàn từ mọi cự ly, mọi góc độ, bằng chân phải, chân trái hay bằng đầu. Drogba thể lực tốt, tốc độ cao và đáng sợ với mọi hàng phòng ngự. Nhưng điều quan trọng nhất là tính chuyên nghiệp của Drogba, anh làm việc tốt với mọi HLV, thi đấu nhiệt tình và không để scandal đời tư vấy vào sân cỏ.

Xuất ngoại khi 5 tuổi

Cha mẹ của Drogba là nhân viên ngân hàng. Nếu họ chỉ có một mình Drogba thì cuộc sống không đến nỗi tệ nhưng nhà Drogba lại có quá nhiều miệng ăn (7 con trai, 1 con gái). Khi Drogba 5 tuổi, cuộc đời của anh rẽ sang một trang mới. Đó là khi ông chú Michel Goba về nước và nhìn thấy cảnh lũ cháu nheo nhóc. Goba khi đó có cuộc sống tốt tại Pháp với “nghề đá bóng” và đang khoác áo CLB Brest. Cha mẹ của Drogba cũng như bao bậc làm cha mẹ khác, họ không muốn xa con khi con còn quá nhỏ. Nhưng Goba thuyết phục cha mẹ Drogba rằng: “Em muốn Drogba sang Pháp để nó có cuộc sống tốt hơn là tiếp tục ở lại Bờ Biển Ngà”. Kết quả là 5 tuổi, Drogba rời nhà sang Pháp. Khi đó “Voi rừng” còn quá nhỏ và những gì anh nhớ khi đó chỉ là mẹ thường gọi anh với cái tên “Tito” vì bà thần tượng lãnh tụ Tito của Nam Tư.

Anh ta có thể thành một HLV giỏi trong tương lai, khi đó tôi sẵn sàng làm trợ lý cho anh ta_HLV Marc Westerloppe

Cuộc sống tại Pháp không hẳn dễ chịu. Ông chú Goba không phải là siêu sao nên mỗi năm đá một CLB khác nhau từ Brest, đến Angouleme và rồi Dunkerque. Mỗi khi đi đến sân tập, Goba thường mang Drogba theo cùng và đặt anh ngoài sân. Tình yêu bóng đá đến với Drogba từ khi đó. Nhưng sau 3 năm ở Pháp, Drogba lại được cha mẹ đón về vì họ thấy nếu cứ tiếp tục theo chú, Drogba sẽ chẳng được học hành như mong đợi. Trong thời gian trở lại nước, Drogba được cha mẹ chú ý việc học hành hơn, họ muốn anh thành kế toán. Còn Drogba lại dạy cho bọn trẻ quanh vùng cách chơi bóng, thứ anh học lỏm khi quan sát đội của chú Goba chơi trước đây.

 
Drogba là thủ lĩnh trong màu áo Bờ Biển Ngà - Ảnh: Reuters 

Năm Drogba 11 tuổi, nền kinh tế Bờ Biển Ngà khủng hoảng, cha mẹ anh rơi vào cảnh thất nghiệp và họ lại phải đẩy Drogba sang Pháp cho chú Goba. Goba kiên định trong việc đào tạo cháu trai thành một cầu thủ giỏi và đưa Drogba vào đội trẻ của Dunkerque (nơi ông đang đầu quân). Ban đầu, Drogba được HLV đội trẻ xếp đá hậu vệ phải, chú Goba đến sân xem và tỏ ý không hài lòng. Ông quát: “Làm cái gì ở dưới thế. Lao lên tấn công đi. Trong bóng đá, người ta chỉ xem tiền đạo chơi bóng thôi”. Lời khuyên chẳng giống ai đó là khởi đầu biến Drogba thành trung phong xuất sắc nhất thế giới hiện nay.

 
Ngay từ nhỏ Drogba đã được cha mẹ định hướng cho làm kế toán

Năm anh 13 tuổi, cha mẹ Drogba  chuyển sang Pháp định cư và giấc mơ bóng đá của anh đứng trước thử thách. Cha mẹ anh không muốn con trai làm cầu thủ mà muốn học hành tử tế. Ban đầu, họ cấm Drogba không được đá bóng suốt 1 năm để tập trung cho việc học, rồi sau đó cũng nhượng bộ cho anh được chơi bóng với điều kiện phải học nghiêm chỉnh. Năm 15 tuổi, Drogba chơi bóng cho CLB bán chuyên nghiệp Levallois-Perret nhưng vẫn theo học kế toán tại Le Mans. HLV của Drogba khi đó là Srebencko Repcic nhận xét: “Đó là một chàng trai nghiêm túc. Không bao giờ cùng đồng đội trốn khách sạn đến các hộp đêm trước mỗi trận đấu”.

Chuyên tâm chơi bóng và thành công

Năm 21 tuổi, Drogba đứng trước ngã ba cuộc đời rất quan trọng: Hoặc là ký hợp đồng chuyên nghiệp với Le Mans, CLB anh chơi từ năm 19 tuổi, hoặc là treo giày về làm kế toán. Drogba thích con đường thứ nhất nhưng anh phải thuyết phục được HLV Marc Westerloppe ký hợp đồng. Ban đầu, Westerloppe chê Drogba không chuyên tâm đá bóng vì 1 tuần anh chỉ đến CLB tập 2 buổi. Thực tế Drogba không lười, chỉ vì anh còn phải lo chuyện học hành. Vì sự nghiệp cầu thủ, Drogba tạm gác việc học để tập liên tục hằng ngày trước thời điểm được ký hợp đồng. Westerloppe ghi nhận sự cố gắng đó, Drogba trở thành cầu thủ chuyên nghiệp khi 21 tuổi. Westerloppe nhận xét về Drogba: “Didier rất thông minh. Bạn nói một, anh ta sẽ hiểu mười. Khi Drogba ý thức được việc cần làm, anh ta là một cầu thủ rất tuyệt vời. Mọi HLV đều mơ ước có những cầu thủ như Drogba. Anh ta có thể thành một HLV giỏi trong tương lai, khi đó tôi sẵn sàng làm trợ lý cho anh ta”.

 

Những ngày đầu chơi bóng tại Pháp

Sự nghiệp của Drogba sau đó lên như diều gặp gió. Từ Le Mans đến Guingamp, từ Marseille đến Chelsea, mỗi lần chuyển CLB là mỗi lần Drogba lên một tầm mới. Giờ Drogba khoác áo Chelsea và vừa đoạt cú đúp cho CLB đồng thời đoạt ngôi vua phá lưới Anh. Drogba cảm thấy hạnh phúc với gia đình bên cô vợ Alla, một phụ nữ Mali không xinh đẹp nhưng đã cho anh 3 đứa con xinh xắn. Drogba có thể mỉm cười với sự lựa chọn trở thành cầu thủ bóng đá, cái nghề đang giúp anh nhận lương hơn 100.000 bảng/tuần. Với tài sản đã tích lũy được từ hơn 10 năm chơi bóng, Drogba và gia đình có thể sống sung túc cả đời.

Chỉ có một điều mà Drogba cảm thấy thiếu là anh vẫn còn nợ người hâm mộ trong nước. Bờ Biển Ngà là một tập thể mạnh nhưng lại không chơi thành công tại các giải lớn. Sau cú đúp với Chelsea, Drogba đang mơ sẽ cùng “bầy voi rừng” làm được một điều gì đó tại Nam Phi.

Anh Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.