Giải đấu của các “chúa Chổm”

25/02/2010 08:20 GMT+7

Giới bóng đá Anh luôn có cảm giác rằng chủ tịch UEFA, Michel Platini, có ác cảm với họ khi liên tiếp tấn công họ trong vài năm qua. Nhưng thực tế, điều Platini cho rằng bóng đá Anh “thở bằng lỗ mũi” người khác để đạt được thành công là điều xác đáng. Ông lo các đội bóng ở châu Âu học tập theo phương cách đi vay mượn tiền để mua thành công trên sân cỏ sẽ khiến một ngày nào đó bóng đá châu Âu sụp đổ.

Liverpool của Steven Gerrard là con nợ lớn thứ 2 ở Premier League - Ảnh: Reuters

Giới bóng đá Anh luôn có cảm giác rằng chủ tịch UEFA, Michel Platini, có ác cảm với họ khi liên tiếp tấn công họ trong vài năm qua. Nhưng thực tế, điều Platini cho rằng bóng đá Anh “thở bằng lỗ mũi” người khác để đạt được thành công là điều xác đáng. Ông lo các đội bóng ở châu Âu học tập theo phương cách đi vay mượn tiền để mua thành công trên sân cỏ sẽ khiến một ngày nào đó bóng đá châu Âu sụp đổ.

Nghiên cứu tình hình tài chính trong mùa bóng 2007-2008 được UEFA thực hiện với đối tượng là 732 đội bóng ở châu Âu đăng ký với UEFA gần đây cho thấy, các đội bóng tiêu nhiều tiền hơn so với những gì họ kiếm ra. Tổng cộng họ kiếm được 10 tỉ bảng Anh, chi  ra 10,6 tỉ bảng, như vậy tức là lỗ 600 triệu bảng. 53% trong số 732 đội làm ăn từ hòa vốn đến lãi trong khi 47% còn lại làm ăn thua lỗ.

Về số dư nợ, cả 732 CLB trên nợ tổng cộng 6,25 tỉ bảng. Riêng 18 CLB Premier League nợ tổng cộng 3,5 tỉ bảng, tức là bằng 56% con số 6,25 tỉ kể trên. Giải đấu xếp thứ 2 về nợ nần là giải Liga, 20 CLB ở giải này nợ khoảng 0,9 tỉ bảng. UEFA chỉ tính 18 CLB Premier League, West Ham và Portsmouth không được đăng ký với UEFA do họ nợ quá nhiều. Chỉ riêng 18 CLB Premier League nợ còn hơn 714 đội khác ở châu Âu cộng lại thì Platini không có ý kiến với bóng đá Anh mới là chuyện lạ.


Chủ tịch UEFA, Michel Platini, đã nhiều lần cảnh báo Premier League

Premier League là giải đấu kiếm được nhiều tiền nhất, trung bình mỗi đội thu được 107 triệu bảng. Xếp thứ hai về thu nhập là các đội ở Bundesliga với trung bình 69,2 triệu bảng/đội. Nhưng bất chấp lợi thế đó, các CLB Premier League vẫn không cân bằng được thu, chi của họ. Họ vẫn liên tục vay nợ tiền để đầu tư vào đội hình, và tăng lương để giữ chân các cầu thủ. So với mùa trước đó, lương cầu thủ mùa 2007-2008 tăng 18%.

Hai đội nợ nhiều nhất Premier League là hai đội giàu truyền thống nhất M.U và Liverpool, tổng cộng hơn 1 tỉ bảng, trong đó M.U nợ 716 triệu bảng. Đó là hậu quả của việc các CLB này không được chuyển giao cho những chủ sở hữu thích hợp. Các ông chủ hiện tại của M.U và Liverpool đều vay tiền ngân hàng với lãi suất cao để mua lại cổ phần của đội bóng. Sau khi kiểm soát được đội bóng, họ liền chuyển các khoản nợ của họ thành khoản nợ của đội bóng.

Có số liệu thống kê xác thực gây giật mình này, UEFA sẽ càng đẩy nhanh quá trình lành mạnh hóa tài chính trong làng bóng đá châu Âu. UEFA từng dự định sẽ thực hiện luật bắt buộc các CLB phải chi tiêu dưới hoặc bằng số tiền họ kiếm ra từ mùa bóng 2012-2013, nếu đội nào không chấp hành sẽ phải nhận các hình phạt nặng.

Luật này không loại trừ đội nào, kể cả những đội có ông chủ giàu như Chelsea hay Man City. Nếu Man City kiếm được 100 triệu bảng/mùa, họ sẽ chỉ tiêu trong vòng 100 triệu bảng/mùa trở lại, bất chấp ông chủ Man City có cả 1 tỉ để tăng cường lực lượng.

Đinh Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.